Ba tôi bệnh hấp hối, đang nằm điều trị ở Phòng Hồi sức tích cực bệnh viện C.. Mẹ tôi, cùng chị gái và cả nhà ngoại đều khuyên tôi đi thăm ba, cũng như ép tôi phải đội tang cha nếu ông mất.

leftcenterrightdel
 Ba tôi đi theo nhân tình khi tôi còn trong bụng mẹ (ảnh minh họa)

Ba bỏ rơi 3 mẹ con tôi để theo nhân tình khi tôi vẫn còn là bào thai 4 tháng. Ông dứt áo ra đi từ ngày đó đến nay 32 năm chưa một lần quay về thăm tôi. Tôi lớn lên trong sự tảo tần của mẹ và đùm bọc, yêu thương của nhà ngoại. Chị gái kể, khi chị 9 tuổi, tôi 2 tuổi, mẹ dẫn chúng tôi đi khu thiếu nhi chơi thì gặp ba cùng vợ mới dẫn con trai của họ (lớn hơn tôi 4 tuổi) đi chơi. Chị quá vui mừng, vì mẹ hay nói “ba đi công tác xa”. Chị vừa khóc, vừa gọi “ba ơi, ba ơi”, nhưng ông lướt qua như người dưng.

Khi tôi ốm đau, cũng chỉ có mẹ, chị và nhà ngoại. Nuôi tôi ăn học, cũng là mẹ và nhà ngoại. Lúc dậy thì, tôi trở chứng, tập tành hút thuốc, cúp học, chỉ có mẹ, chị và nhà ngoại chịu đựng và nâng đỡ tôi. Tôi tốt nghiệp đại học, khởi nghiệp, khó khăn đủ đường, chỉ mẹ, chị và nhà ngoại bên tôi.  Ngày tôi cưới vợ, vẫn là mẹ, chị và nhà ngoại.

Chỉ một lần ba gọi cho tôi. Đó khi ông bị va quẹt xe trong tình trạng say rượu, và ông tin rằng các mối quan hệ của tôi có thể giúp ông thoát khỏi rắc rối. Tuy nhiên, đêm khuya tôi không nghe điện thoại số lạ nên không biết là ông gọi (mà nếu biết, chưa chắc tôi đã can thiệp).

Sau đó, ông nhắn tin chửi tôi: “Thứ vô ơn bạc nghĩa, mày từ đất nẻ chui lên à?”. Và ông còn dọa: “Mày coi chừng, tao cho mày thân bại danh liệt”.

Tôi chẳng buồn hay đau lòng về những lời chửi bới, nó chỉ xác tín hơn cho tôi một điều “tôi với ông chẳng có mối quan hệ gì” và việc tôi từng làm khai sinh cho con không mang họ của tôi (cũng là họ của ông) mà cho con mang họ mẹ tôi là việc làm chính xác.

32 năm qua, tất cả sự kiện của cuộc đời tôi, chưa bao giờ có sự ảnh hưởng, hay hình dáng của người cha. Vậy tại sao bây giờ cả gia đình tôi bắt tôi phải báo hiếu, chăm sóc ông bị bệnh và phải chịu tang nếu ông ra đi?

leftcenterrightdel
 Khi vừa chào đời tôi đã là một đứa trẻ không có ba, vì ba tôi bận làm ba của người khác (ảnh minh họa)

Khi mẹ và chị, cùng nhà ngoại làm áp lực và năn nỉ quá mức nên, tôi cũng lên bệnh viện ở TPHCM thăm ông. Tôi muốn dò lại lòng mình, xem tôi có cảm xúc tình cha con với ông hay không?

Tôi vào bệnh viện. Chị gái cho tôi số giường và vợ ông nhường suất lên thăm duy nhất trong ngày cho tôi. Tôi đến đúng số giường thì gặp một bệnh nhân nữ. Nhìn khắp phòng, tôi không thể tìm ra ông, vì vốn tôi chẳng biết mặt ông, lại thêm ai cũng dây nhợ chằng chịt. Hỏi nhân viên y tế, tôi được họ đưa đến bên giường của một người đàn ông gầy ốm, đang hôn mê, thở máy.

Đứng ngắm nghía ông hồi lâu. Tôi thấy ông cũng như tất cả bệnh nhân trong khu này, đang khổ sở vì bệnh tật. Tôi hoàn toàn không có cảm xúc thương xót, sự đau lòng của tình phụ tử.

Tôi ra về sau khi gửi vợ ông một ít tiền điều trị. Tôi đã có câu trả lời cho mình: tôi chưa từng thương ông, cũng như chưa từng oán giận ông, ông như một người lạ qua đường, sợi dây vô hình của tình cha con không tồn tại trong tôi.

Sau chuyến thăm, tôi nghĩ, tôi có quyền không đội tang cho người lạ. Suy nghĩ này của tôi khiến nhiều người bên nội không vui, họ cho tôi là đứa con bất hiếu, nhưng tôi lại cảm thấy nó hợp tình hợp lý, tôi không thể giả tạo với người bội bạc, ruồng rẫy mẹ con tôi.

Tôi có phải là kẻ bất hiếu, thù dai, hay lạnh lùng sắt đá quá hay không?

Theo phụ nữ TPHCM