Tháng 12/2019, tôi nghỉ công việc toàn thời gian để đi du lịch. Tôi dự định khám phá khắp Tây Ban Nha hết tháng 1/2020. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 ập đến khiến tôi phải rút ngắn kế hoạch.
Khi trở lại Singapore, tôi biết mình phải tìm việc mới, nhưng điều đó không hề dễ dàng như tôi tưởng.
Chật vật tìm việc
Tôi gửi hàng trăm đơn xin việc nhưng chỉ nhận được phản hồi từ 2 công ty. Một đơn vị đề nghị tôi đảm nhận một vị trí, nhưng mức lương quá thấp nên tôi từ chối.
Tôi hiểu rằng những người đang thất nghiệp cần nắm lấy bất kỳ cơ hội nào đến với mình. Nhưng tôi tin rằng điều đó chỉ khiến bản thân liên tục “nhảy việc” trong thời gian ngắn ngủi.
|
Kendra Tan nộp hàng trăm đơn xin việc nhưng chỉ có 2 công ty phản hồi. Ảnh minh họa:Forbes. |
May mắn thay, sau 5 cuộc phỏng vấn vào tháng 2, tôi ký hợp đồng với công ty (tạm gọi là A) ở vị trí trưởng phòng. Tuy nhiên, tôi phải đợi tới tháng 9 mới có thể nhận việc.
Cho đến lúc đó, tôi phải điên cuồng tìm kiếm các công việc bán thời gian để kiếm tiền. Thực tế, tôi đã gửi đơn xin việc cho hơn 300 đơn vị nhưng không nhận được phản hồi nào.
Từ tháng 4 đến 6/2020, khi hầu hết công ty không tuyển dụng nhân sự, nỗ lực tìm việc của tôi càng đi vào ngõ cụt.
Dù đã cố gắng hết sức, tôi thất nghiệp cho đến tháng 9. Tôi thực hiện vài dự án nhỏ lẻ để kiếm thu nhập, nhưng việc nhận tiền rất khó khăn. Cuối cùng, tôi phải tiêu vào khoản tiết kiệm 8.000 SGD của mình. Đó là toàn bộ số tiền tôi dành dụm suốt 3 năm làm việc trước đó.
Mặc dù tình hình tài chính ảm đạm, tôi không quá lo lắng. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng mình còn trẻ và có nhiều thời gian để tiết kiệm lại khi công việc ở Công ty A bắt đầu vào tháng 9.
Sai lầm
Khi bắt đầu kiếm tiền trở lại, một trong những sai lầm tài chính lớn nhất mà tôi mắc phải là vung tiền mỗi khi nhận lương. Tôi rất mừng khi tiền lại đổ vào ngân hàng của mình hàng tháng. Tôi mua sắm không cần đắn đo và chiêu đãi tất cả bạn bè bất cứ khi nào đi ăn.
Tôi rất tự tin về việc duy trì công việc mới bởi Công ty A dường như hoạt động tốt bất chấp tình hình dịch Covid-19. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện nghỉ việc có thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi như tôi.
Thế nhưng, tôi không nghĩ mọi chuyện lại ập đến bất ngờ.
Đó là một buổi sáng như bao ngày, tôi có mặt trong cuộc họp định kỳ với sếp và giám đốc nhân sự lúc 10h. Khi báo cáo trực tiếp với cả hai người, tôi vẫn nghĩ đây chỉ là cuộc họp bình thường để bàn bạc việc bảo trì văn phòng hoặc dự án sắp tới.
Tôi chỉ cảm thấy có điều không ổn khi giám đốc nhân sự nhìn tôi đầy ái ngại. Cô ấy nói về sự thay đổi phương hướng hoạt động của công ty, có nghĩa là vị trí tôi đang đảm nhận bị coi là thừa.
|
Kendra Tan thất nghiệp chỉ sau 3 tháng đi làm trở lại. Ảnh minh họa:Dreamtimes. |
Toàn bộ cuộc họp kéo dài chỉ khoảng 10-15 phút. Họ yêu cầu tôi bàn giao công việc ngay lập tức và đóng gói đồ đạc cá nhân.
Vì vẫn đang trong thời gian thử việc, tôi không nhận được hỗ trợ nào thêm. Đến 10h45, tôi rời khỏi văn phòng và chính thức thất nghiệp. Tất cả diễn ra quá nhanh khiến tôi không kịp phản ứng lại. Công ty nói rằng tôi không bị sa thải vì Covid-19.
Trước đó, tôi đã tiêu hết tiền tiết kiệm và dự định kiếm lại toàn bộ với công việc này.
Tuy nhiên, 3 tháng làm việc ngắn ngủi khiến tôi chưa thể tiết kiệm được gì. Tài khoản ngân hàng của tôi hoàn toàn trống rỗng.
Tôi chợt cảm thấy có lỗi với cha mẹ khi họ phải tiếp tục hỗ trợ con gái cho đến khi tôi có thể đứng vững trở lại. 26 tuổi mà vẫn phải xin tiền tiêu từ phụ huynh chắc chắn không phải cảm giác dễ chịu.
Thay đổi cách chi tiêu
Ngay sau khi trắng tay, tôi xem xét kỹ lưỡng lối sống và các khoản chi tiêu của mình.
Hồi còn làm việc, tôi thường đi taxi tới bất cứ đâu, bất kể giá cao đến mức nào. Bây giờ, tôi đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Nếu thực sự cần đi taxi, tôi sẽ so sánh giá của nhiều hãng và chọn phương án rẻ nhất.
Để tiết kiệm hơn, tôi tự nấu ăn thay vì ra ngoài dùng bữa. Bất cứ khi nào bạn bè muốn đi chơi, tôi sẽ rủ họ đến nhà.
Tôi cũng bắt đầu tải ứng dụng quản lý chi tiêu và giới hạn bản thân ở mức 250 SGD/tháng cho đồ ăn và đi lại.
Khi thay đổi những thói quen nhỏ như vậy, tôi nhận ra rằng mình đã chi tiêu thiếu thận trọng trong suốt thời gian qua. Vì không theo dõi, tôi không biết mình chi tiêu phung phí thế nào trước đây.
Tôi từng nghĩ 250 SGD không thể nào đủ cho việc chi tiêu cá nhân, nhưng giờ điều đó hoàn toàn khả thi.
|
Kendra Tan nhận ra việc tiêu xài phung phí trong quá khứ khiến cô lao đao khi khó khăn ập đến bất ngờ. |
Dù tôi có thể cắt giảm chi tiêu cho việc vui chơi, những chi phí cần thiết như thực phẩm, điện, nước, bảo hiểm, điện thoại và trả nợ không thể trì hoãn.
Vì tìm kiếm công việc mới rất khó khăn, tôi quyết định sử dụng thời gian này để nâng cao kỹ năng, trình độ của bản thân nhằm nâng cao khả năng được tuyển dụng trong tương lai.
Cùng với đó, tôi đăng ký khóa học về điện toán đám mây và may mắn nhận được khoản trợ cấp 1.200 SGD/tháng. Tôi cũng lấy bằng kỹ sư phần mềm bán thời gian tại Đại học Quốc gia Singapore và đăng ký lớp học tiếng Tây Ban Nha.
Từ trải nghiệm này, tôi rút ra bài học là bạn sẽ không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Vì vậy, tiết kiệm để đề phòng cho trường hợp khẩn cấp là điều bắt buộc. Dù 8.000 SGD không nhiều, ít nhất nó đã giúp tôi vượt qua giai đoạn thất nghiệp đầu tiên.
Tôi vẫn đang gặp khó khăn, nhưng tôi chắc rằng một ngày nào đó mình sẽ vượt qua được.
Theo Zing