Chị Hạnh Dung ơi,
Em không biết tại sao mọi người lại ghét em như vậy? Tất cả đều xa lánh em, kể cả bố mẹ ruột. Họ đã làm em tổn thương rất nhiều. Nhiều lần em phải rúc vào góc nhà mà khóc một mình.
Em bị mọi người chê bai xa lánh, không ai muốn chơi với em nữa. Họ nói sau lưng em, chê em ngu như con chó, chê em làm gì cũng không được.
Có lần em bị một bạn nam đá vào bụng 3 phát, còn các bạn đứng ngoài chỉ biết nhìn em cười, còn bảo tại mày ngu. Ai cũng chỉ trích em, không một ai động viên em cả.
Bố mẹ thì luôn bênh em gái em, không bao giờ lắng nghe em giải thích. Em nhiều lúc rất buồn, chỉ biết tự trách mình, thậm chí còn lấy kéo cắt đi bộ tóc của mình.
Em cảm thấy vô cùng tự kỷ và áp lực. Em chỉ muốn mình chết thật sớm để sống một thân thể khác.
Lê Thảo Phương
|
Ảnh minh họa |
Cháu Lê Thảo Phương thân mến,
Từ bức thư của cháu, cô đoán có lẽ cháu vẫn còn đang lứa tuổi thiếu niên, và vẫn còn đi học, nên cháu cho cô được đổi cách xưng hô để phù hợp hơn.
Thông thường, với thanh thiếu niên độ tuổi từ 13-21, cảm xúc như cháu đang trải qua không phải là hiếm. Mỗi người sẽ gặp "nó" trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Và cô hiểu rằng sự ghẻ lạnh mà cháu đang cam chịu ở trong gia đình mình, cũng như giữa bạn bè gây tổn thương đặc biệt lớn.
Mặc dù vậy, cháu phải hiểu rằng, ngoài cháu ra cũng có rất nhiều bạn cùng trang lứa cũng đang phải đối mặt với những điều tương tự. Thậm chí càng ở các vùng sâu vùng xa, thì những khó khăn của các bạn lại càng nhiều hơn. Thậm chí ở thời của cô, việc bố mẹ dùng vũ lực để dạy con gần như không phải điều hiếm gặp.
Tuy vậy, phần lớn mọi người đều có thể vượt qua giai đoạn này theo một cách riêng, và cháu cũng có thể vượt qua được.
Ở thời của cô, việc chủ động bắt chuyện, giao tiếp, kết bạn không phải là điều khó khăn như với các thế hệ 9x trở đi ngày nay. Cuộc sống ngày đó không có TV, không có internet. Tất cả người trẻ đều phải đi ra ngoài để kiếm cho mình một người hay một hội bạn để chơi. Vì thế tuổi trẻ ngày đó không ngại bắt chuyện làm quen.
Cháu không nên giữ trong mình niềm tin sai lầm là tất cả mọi người đều ghét cháu, bởi vì điều đó là không thể xảy ra. Nó tương tự như việc mong tất cả mọi người xung quanh mình sẽ thích mình. Khi không bị ám thị bởi sự tự ti, mặc cảm, cháu sẽ thấy trong mọi tập thể, nếu mở lòng, cháu sẽ luôn tìm thấy cho mình một người bạn.
Bên cạnh đó, cháu cần có một cái nhìn lạc quan: ai cũng sẽ phải gặp những khó khăn nào đó, và mọi khó khăn đều là những thử thách có thể vượt qua được, nhờ vậy ta mới trưởng thành.
Những kẻ thích làm tổn thương người khác sẽ luôn tìm người chịu ảnh hưởng nặng để làm tổn thương, bắt nạt. Tuy nhiên, khi nạn nhân thể hiện rằng họ chẳng hề hấn gì, thì những kẻ bắt nạt này sẽ chán và ngưng bắt nạt lại.
Cháu cũng cần có một buổi nói chuyện để giải thích với gia đình rằng, những thói quen hay cách cư xử của mọi người đang khiến cháu khó chịu, và lâu dài có thể khiến mối quan hệ bị rạn nứt. Dù vậy, cháu phải nhớ rằng, sức mạnh tinh thần của con người là vô hạn, và cháu đừng để bản thân yếu mềm. Khi cháu thể hiện sự mạnh mẽ, mọi người sẽ e dè cháu.
Ngoài ra, cháu cũng cần tìm cho mình một đam mê, sở thích để có những hoạt động tích cực như tham gia vào các đội nhóm, câu lạc bộ. Việc này sẽ giúp cháu bớt thời gian giam hãm trong 4 bức tường ở nhà, mở ra cho cháu những mối quan hệ mới.
Ra ngoài hoạt động, đốt năng lượng, làm những việc phát triển bản thân, cũng như tìm thấy những người có cùng suy nghĩ hay đam mê để trò chuyện, chia sẻ là điều rất nên làm. Khi cháu thể hiện được khả năng của mình, có những người bạn cùng sở thích, đam mê, cháu sẽ tự tin với việc bảo vệ mình trước những bắt nạt của kẻ khác.
Cháu cũng hãy thử tập viết nhật ký, vì việc trải những tâm tư của mình ra giấy và thường xuyên đọc lại chúng, đã được khoa học chứng minh sẽ giúp ta bớt dằn vặt và vật lộn với những suy tư về các vấn đề trong cuộc sống. Việc này có thể giúp cháu suy nghĩ sâu hơn, và tìm ra những góc nhìn tích cực hơn.
Cô chúc cháu nhiều may mắn. Cô vẫn tin rằng cháu sẽ vượt qua được mọi chuyện.
Theo phụ nữ TPHCM