Càng trẻ càng dễ cô đơn

Trong một cuộc khảo sát mới của Meta-Gallup cho thấy, 24% số người từ trưởng thành ở 142 quốc gia mà họ khảo sát cho biết luôn cảm thấy rất hoặc khá cô đơn.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ cô đơn cao nhất ở thanh niên, với 27% người từ 19 -29 tuổi nói rằng cảm thấy rất cô đơn. Tỷ lệ thấp nhất lại được tìm thấy ở người lớn tuổi. Hơn một nửa số người trưởng thành từ 45 tuổi trở lên cho biết họ không cảm thấy cô đơn chút nào. Chỉ có 17% người từ 65 tuổi trở lên cho biết họ cảm thấy cô đơn.

leftcenterrightdel
 Đại dịch cô đơn đang xâm chiếm vào tâm trí của nhiều người

Ellyn Maese, cố vấn nghiên cứu cấp cao của Gallup, cho biết: “Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra sự nguy hiểm của sự cô đơn và cô lập xã hội ở người lớn tuổi. Cuộc khảo sát này là một lời nhắc nhở thực sự hữu ích rằng sự cô đơn không chỉ là vấn đề của tuổi già - nó là vấn đề có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi”.

Ellyn Maese cho biết, mặc dù có rất ít hoặc không có sự khác biệt về mức độ cô đơn được báo cáo giữa nam và nữ, nhưng một số quốc gia lại có khoảng cách đáng kể, tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa của quốc gia đó. Nhìn chung, 79 trong số 142 quốc gia có tỷ lệ phụ nữ chia sẻ về tình trạng cô đơn cao hơn nam giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sự cô đơn mang lại nhiều nguy hiểm cho con người, bao gồm tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất, thậm chí có thể dẫn đến tử vong sớm.

Nhà tâm lý học lâm sàng,  Tiến sĩ Ami Rokach, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Học thuật ở Or Yehuda, Israel, cũng là người đã nghiên cứu trải nghiệm về sự cô đơn, tin rằng có thể tỷ lệ người cảm thấy cô đơn trên toàn cầu thậm chí còn cao hơn con số được báo cáo - đặc biệt là những người trẻ tuổi. 

Tiến sĩ Rokach nói rằng những người trẻ tuổi đang trong giai đoạn chuyển tiếp để trở thành người trưởng thành gặp nhiều bất ổn hơn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, như đời sống tình cảm không chắc chắn, nghề nghiệp không ổn định, kinh tế chưa vững chắc... Do đó, những người trẻ tuổi có nhiều khả năng cảm thấy cô đơn hơn những người lớn tuổi do nhóm này đã được tích lũy kinh nghiệm qua thời gian.

Làm gì để chống lại sự cô đơn?

Tiến sĩ Rokach nói rằng, để chống lại sự cô đơn, chúng ta nên vui vẻ kết bạn, làm những công việc tình nguyện, tham gia các khóa học mới để có thể gặp gỡ mọi người và học cách sống với chính mình và tận hưởng nó.

Tiến sĩ Olivia Remes, nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, cho biết: “Con người cần kết nối xã hội để phát triển và việc được gắn kết với các mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ có thể bảo vệ sức khỏe của chúng ta khi gặp khó khăn trong cuộc sống”.

Giáo sư Remes cho biết, phương tiện truyền thông xã hội luôn là một công cụ mà những người trẻ tuổi sử dụng để kết nối với nhau, nhưng nó có thể có hại nhiều hơn là có lợi nếu người dùng vị đắm chìm vào nó hoặc luôn bị tác động tiêu cực. Ví dụ khi đọc những bài viết màu hồng của người khác thì những người cô đơn thường so sánh nó với thực tế của mình rồi từ đó càng tự tin, tách biệt xã hội. Thay vào đó, Remes đề xuất tích cực tương tác bằng cách chia sẻ những chuyện vui, tích cực, tương tác với bài đăng của bạn bè hoặc gửi tin nhắn riêng cho bạn bè.

Trong thói quen hàng ngày của bạn, Remes cũng khuyên bạn nên nói chuyện với càng nhiều người càng tốt. “Trò chuyện với những người bạn gặp trong ngày có thể mang lại kết quả. Nó có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn, nâng cao tâm trạng và thậm chí ngăn chặn sự cô đơn” - cô nói.

Theo phụ nữ TPHCM