Hôm anh trai với chị dâu ghé nhà tôi chơi, tôi tranh thủ nấu vài món đơn giản để mời cơm anh chị. Trong lúc nấu ăn, gian bếp không đỏ lửa đều nên thiếu món nọ món kia. Tôi nhờ chị dâu trông bếp giúp, ra ngoài mua chai nước mắm ở hàng tạp hóa cạnh nhà.

Khi ấy, trong lúc tôi vào nhà tắm thay bộ đồ phù hợp hơn để ra ngoài, chị dâu không để ý nên tưởng tôi đã ra khỏi nhà. Chị nói với anh trai tôi: “Cô út sống một mình thế này cũng nên lập di chúc, chứ lỡ đâu…”. Chị bỏ lửng câu nói, vì tôi biết anh trai đã đẩy ánh nhìn chẳng mấy dễ chịu về phía chị.

Chuyện chị dâu đề cập đến di chúc không phải là lần đầu (ảnh minh họa)
Nhiều người đã nghĩ đến việc lập di chúc ngay khi còn trẻ (ảnh minh họa)

 

Chuyện chị dâu đề cập đến di chúc không phải là lần đầu. Hồi tôi mới mua căn hộ, trùng hợp với thời điểm báo chí đăng vụ lùm xùm đáng tiếc của một nghệ sĩ nổi tiếng liên quan đến di chúc. Người còn sống, thấy anh chị em yêu thương nhau nên chẳng nghĩ đến chuyện tranh chấp. Cứ nghĩ hồn nhiên chuyện tranh chấp ấy chỉ nghe trên báo chí, phim ảnh, hoặc phương trời xa xăm nào khác, chứ người cùng nhà mình yêu thương nhau vậy, cho nhau còn không hết thì nói gì đến chuyện tranh giành.

Chị dâu theo dõi, đọc từng thông tin liên quan đến vụ tranh chấp ấy. Hôm lên nhà tôi chơi, chị đã đề cập chuyện này. Chị còn nhắn nhủ mấy đứa con của chị là “thường xuyên qua lại với cô út, sau này cô út thương mà để nhà lại cho”. Chị gái tôi nghe được, nói sao không nghĩ đến chuyện sau này đứa nào giúp đỡ cô út lúc ốm đau về già, mà chỉ nghĩ chuyện hưởng lợi…

Mọi chuyện nói sau lưng rốt cuộc đều đến tai tôi, nhưng tôi chưa từng để bụng. Tôi xem chị dâu như chị gái mình và chị cũng thương quý tôi.

Còn nhớ hồi tôi ở trọ trong căn phòng chỉ 12 mét. Chị lên chơi, nói trong tiếng nghẹn: “Sao mà nhà nhỏ vậy cô, nhà cửa ở quê thì rộng thênh thang…”. Chỉ vài câu từ bật lên trong cảm xúc, nhưng tôi cảm nhận rõ chị dâu thương mình, xót xa khi tôi từng ở trong căn nhà cha mẹ rộng thênh thang vùng ngoại ô, mà rồi phải bó hẹp trong không gian vừa chật vừa nóng bức. 

Rồi những lần tôi về thăm nhà cha mẹ, lúc trở lên lại, chị đều nói tôi ghé ngang nhà chị để chị gửi ít đồ. Đồ gửi cho tôi, chị chuyển sẵn ra cổng, xe tới là đưa cho tôi, không để tôi phải đứng đợi lâu. Khi thì mấy loại trái cây vườn nhà, vài ký gạo, có khi cả nồi cá kho sẵn “chỉ cần hấp vào nồi cơm là ăn được” – chị còn dặn vậy. Những ân tình đó, mãi tôi không bao giờ quên.

Vậy nên, dù có nghe chị đề cập đến chuyện di chúc - vốn là điều gì đó còn khá xa vời trong ý nghĩ của nhiều người nhà, và dù tôi mới ngoài 30, chuyện chồng con còn ở phía trước - nhưng tôi vẫn không giận hay buồn chị.

Anh trai, chị gái tôi thì rất gay gắt với ý định đó của chị. Họ vẫn chưa thể mở lòng tiếp nhận việc lập di chúc như một việc nên làm của bất cứ ai, nhất là khi người đó còn đang mạnh khỏe. Việc ấy, với họ như điềm gở, nên không thể đề cập.

Mặc dù trong gia đình tôi có người anh họ, con trai của bác tôi cũng đã lập di chúc từ khi rất trẻ. Không phải di chúc có tính pháp lý, nhưng với sự công khai đã có di chúc của anh thì khi chuyện xảy ra, mọi người sẽ thực hiện theo đúng mong muốn trong tờ di chúc đó. Anh nói, mình cứ làm vậy, rồi bổ sung, chỉnh sửa theo thời gian, đâu có sao.

Lập di chúc còn là cách để họ chủ động với tài sản của mình (ảnh minh họa)
Lập di chúc còn là cách để họ chủ động với tài sản của mình (ảnh minh họa)

 

Những năm gần đây, việc người còn trẻ, khỏe mạnh lập di chúc trở nên phổ biến hơn. Đối với người ở lại, việc lập di chúc nhằm tránh những chuyện xào xáo không đáng có về sau này. Còn người ra đi, đó còn là cách giúp cho bản thân họ có sự chủ động đối với số tài sản của mình.

Cuộc đời vô thường, không ai nói trước được ngày mai nên việc chủ động sắp xếp mọi thứ trong khả năng cũng là việc nên làm. Không cần chị dâu đề cập chuyện di chúc, thì tôi đã biết phải làm gì cho phù hợp nhất.

Theo phụ nữ TPHCM