Thanh Nga
Em Thanh Nga thân mến,
Có 3 giai đoạn, sự kiện trong mối quan hệ của một đôi tình nhân - vợ chồng mà việc cãi cọ thường xảy ra nhiều nhất: giai đoạn chuẩn bị làm đám cưới, khi cả hai cùng xây nhà, và khi trở thành cha mẹ, cùng nhau nuôi dưỡng và dạy dỗ những đứa trẻ.
Những giai đoạn, sự kiện này đều có ý nghĩa rất quan trọng với tất cả mọi người, vì thế, ai cũng muốn nó hoàn hảo nhất, đẹp đẽ nhất và đúng như mình mong ước nhất.
Nhưng mong ước của mình và người khác lại không trùng lắp nhau. Cả hai đều cho rằng cái mình muốn sẽ tốt hơn, đẹp hơn, đúng hơn. Nên tranh cãi nổ ra khi cả hai có nhiều điểm không tương đồng là bình thường, chẳng có gì đáng sợ cả.
Điều đáng sợ hơn cả, chính là cả hai, hay một trong hai không dám, không muốn nói ra ý muốn của mình, nhưng lại không hoàn toàn hài lòng với ý muốn của người kia. Và thế là họ cứ ấm ức, khó chịu, bất mãn hoài trong bụng.
Điều đáng sợ thứ hai là những cuộc tranh cãi không tìm ra được lối thoát, ai cũng khư khư ý muốn của mình, không chịu lắng nghe, nhìn nhận mọi việc một cách công bằng, không chịu hợp tác và nhường nhịn nhau.
Em hãy lạc quan rằng, tranh cãi là để thể hiện ra điều mình muốn, điều mình nghĩ, và mong người kia hiểu mình, đồng tình với mình, hay thuyết phục mình, nhường nhịn mình.
Như vậy, cãi nhau, bất kể là vì đám cưới, vì xây nhà, hay vì nuôi dạy con cái, cũng không phải là điều xấu, là dấu hiệu xấu, em nhé. Đặc biệt là những cuộc cãi cọ đó giúp cả hai xây dựng được con đường để đến với nhau và đồng hành suốt đời bằng sự hiểu biết, chia sẻ, và nhường nhịn.
Theo phụ nữ TPHCM