Chào chị Hạnh Dung,

Trước khi đi bước nữa, tôi là mẹ đơn thân của một bé trai 6 tuổi. Chồng hiện tại của tôi cũng có một bé gái bằng tuổi con tôi. Bé ở với ông bà nội. Mẹ bé vẫn còn nhưng ít khi hỏi han chăm sóc. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một đứa con chung hơn 1 tuổi.

Cả tôi và chồng đều không thể yêu thương con riêng của đối phương một cách thật lòng. Dù chúng tôi có cố gắng, thì sự quan tâm dành cho chúng cũng không toàn vẹn. Chúng tôi chỉ yêu thương con chung, và con riêng của mình.

Hơn nữa, mỗi khi 2 đứa trẻ tranh cãi hay giành nhau, tôi và chồng đều chỉ muốn bênh vực con mình. Dù chúng tôi không thể hiện rõ hành vi, nhưng chỉ cần để ý là sẽ thấy. Anh luôn trách phạt con trai tôi, còn tôi thì lại lạnh lùng vô cảm với con gái anh.

Hiện chúng tôi gửi con cái cho nội ngoại chăm sóc hộ, vì phải đi làm xa. Nhưng sắp tới, chúng tôi dự định sẽ đón tất cả các con về chung sống. Tôi thật sự rất lo lắng khi đó mọi việc sẽ trở nên xấu đi, nếu thái độ của chúng tôi đối với con của người kia vẫn không cải thiện.

Tôi luôn tự nhủ là cần quan tâm hơn đối với con chồng, nhưng mỗi khi nhìn con mình bị đối xử bất công, tôi không tài nào vui vẻ với con bé được.

Hơn nữa, cả ba mẹ chồng cũng chỉ quan tâm đến cháu gái đầu và con dâu trước, còn con chung của chúng tôi thì không. Những lúc như vậy, tôi thật sự thấy vô cùng tủi thân và uất ức...

Sora

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Sora thân mến,

Đây chính là cái cảnh "con anh, con em, con chúng ta" mà người ta vẫn luôn sợ hãi đây ạ. Chị hỏi rất dài, nhưng Hạnh Dung chỉ có thể trả lời ngắn gọn: Tất cả chỉ vì anh và chị chưa đủ tình yêu thương với nhau.

Người ta thường bảo: Nếu thương người cha người mẹ, thì sẽ thương cả con của họ. Nghe sáo rỗng phải không? Nhưng điều đó chính xác đấy.

Phân tích ra thì rất đơn giản: Khi chị yêu người chồng của mình rất nhiều, chị sẽ quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của họ. Mà niềm vui nỗi buồn của một người cha người mẹ, đầu tiên bao giờ cũng là con cái họ. 

Không thể đòi hỏi hay bắt chị thương đứa bé con riêng của chồng, nhưng khi chị thương chồng mình thật lòng, chị sẽ hiểu những xót xa của chồng, những yêu thương của anh dành cho con mình.

Và chị sẽ mong anh được nhẹ nhàng, thanh thản, không phải lo nghĩ. Từ đó, tình thương sẽ hiển hiện trong trái tim chị, với đứa trẻ đang thiếu hụt một gia đình thật sự.

Khi chị giúp anh được nhẹ nhàng, thanh thản, thì cũng là chị đang giúp chính mình. Bởi chồng chị lúc đó chắc chắn sẽ thương yêu chị nhiều hơn, mà phát xuất đầu tiên chính là lòng biết ơn. Anh sẽ biết ơn chị dang rộng vòng tay yêu thương anh lẫn con anh. Lòng biết ơn đó có khi còn giúp giữ nhau bền chặt, hơn cả tình yêu sôi nổi hay trẻ trung đó chị.

Phân tích ngược lại, cũng vậy thôi, khi chồng chị yêu chị đủ, thì anh ấy cũng sẽ yêu thương con chị, dành cho nó những quan tâm, chăm sóc, bảo bọc, để chị được yên lòng. Và khi đó, chắc chắn chị sẽ yêu thương anh nhiều hơn.

Thế nhưng, hiện giờ trong lòng chị, Hạnh Dung chỉ nhìn thấy sự so bì kỳ lạ. Chị so bì với cả tình yêu thương của cha mẹ chồng dành cho con chồng và cho người cũ. Trong khi, tình yêu thương đó là lẽ tất nhiên, mà người đứng ngoài như Hạnh Dung có thể hiểu và chấp nhận được. 

Đứa cháu nào mà ông bà không thương, nhưng cái đứa bị thiệt thòi, thiếu hụt đó bao giờ cũng khiến trái tim già nua của ông bà xót xa, đùm bọc hơn cả. Ấy thế mà cái điều đơn giản đó cũng làm chị thấy khó chịu.

Thư chị viết cho Hạnh Dung chắc là không tìm lời khuyên. Bởi chính chị cũng đã hiểu mình phải làm gì. Thế nhưng, nếu chị thật sự quan tâm đến hạnh phúc của chị, chồng chị, và đứa con chung của hai người; thì chị phải dành cho đứa trẻ thiếu thốn đó sự công bằng, thực hiện trách nhiệm của mình khi trở thành vợ của bố nó - trách nhiệm của một người mẹ kế tốt.

Khi chị làm điều đó, và trò chuyện thẳng thắn, rõ ràng với chồng về cách đối xử với hai đứa trẻ, để hai người có thể tin tưởng và cởi mở với nhau, thì mối quan hệ gia đình của mỗi người với con riêng của nhau sẽ được thay đổi.

Lòng chị phải nhẹ nhàng, bớt đi cảm giác sân si, khó chịu, tội lỗi, thì mới có chỗ cho yêu thương dọn vào. Và khi đó, hạnh phúc của gia đình chị mới có thể bền chặt, lâu dài.

Theo phụ nữ TPHCM