Công bằng mà nói, cảm giác ở bên một “kẻ mạnh" đôi khi cũng khá tích cực. Ban đầu, tôi phải lòng anh cũng vì tính chu đáo, nhạy bén và chịu khó đáp ứng mọi nhu cầu của bạn gái. Anh sẵn sàng chịu thiệt phần mình để tôi luôn thấy vui nhất, dễ chịu nhất. Thế nhưng, khi đã là bạn đời, tôi vô tình trở thành… một phe với kẻ mạnh. Vì anh chu đáo, thích choàng gánh, nâng đỡ cả thế giới, tôi cũng phải gồng lên mà mạnh theo anh.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mới đây, cô em chồng tôi về quê và phát hiện nhà ba mẹ “quá nóng" vào mùa hè, vì không có mái hiên. Cô thưa chuyện với các anh, rón rén đề nghị 4 anh em góp tiền làm mái hiên cho ba mẹ. Cả nhà đồng ý. Nhưng qua một đêm, chồng tôi thức dậy với một sự “thức tỉnh" kỳ quặc, anh tuyên bố: “Em gái út sắp sinh con, em trai kế thì sắp cho con đi du học, cậu em giữa hay đau ốm, để các em góp tiền phụ giúp ba mẹ lúc này thì tội quá, anh sẽ lo hết".

Tôi không kịp phân tích, ý kiến, vì anh nhắn hẳn lên group gia đình. Các em “phản kháng” yếu ớt, cuối cùng anh lãnh trọn “sô” làm lại mái hiên cho mẹ với kinh phí dự kiến 70 triệu đồng. Ngay sau đó, “kẻ mạnh” phải cố xoay xở cho đủ số tiền, bởi vợ chồng tôi cũng đang khó khăn chuyện tài chính.

Chuyện chạy vạy 70 triệu đồng gợi cho tôi bao nhiêu ký ức tai quái suốt cuộc hôn nhân, chỉ vì có ông chồng ưa “giải cứu thế giới”. Chúng tôi ở TPHCM. Từ lúc vợ chồng mới cưới chỉ ở căn phòng trọ 15m2, anh đã dang rộng vòng tay đón tất cả họ hàng, bè bạn dưới quê có việc lên thành phố.

Người ta đi khám bệnh phải ở lại, anh kiên quyết mời về nhà ngủ. Người ta lên thành phố nhập hàng trong ngày, anh nhiệt tình gợi ý… về nhà anh ngủ cho tỉnh táo rồi mai hẵng về quê. Người ta đưa con lên thành phố thi đại học, anh ra sức mời ở lại nhà anh để “yên tâm, không lo mất mát đồ đạc, cơm nước có người lo, để đứa nhỏ chuyên tâm thi cử”. Điểm thi cách nhà anh 45 phút chạy xe máy, anh cũng nhiệt tình dậy sớm đưa đi “cho chắc, sợ xe ôm chở đi lạc”.

Lạ là, dù ban đầu người ta có phần ngại ngần, nhưng hễ anh thuyết phục, ai nấy răm rắp nghe theo. Khi vào vai kẻ mạnh, nhìn anh có vẻ… rất mạnh. Ai cũng thấy yên tâm, tin tưởng và thoải mái khi ở bên. Vì cái tính này, hầu như bạn bè và người thân của tôi đều quý mến anh. Nhưng ở gần một thời gian, ai cũng nhận ra “sống vậy cực quá”. Mẹ tôi có lúc nhìn cậu rể quý mà chậc lưỡi: “Thằng Hải nó tốt quá, vợ con phải chịu thiệt”.

Tôi từng thấy bế tắc cùng cực khi luôn phải gồng lên đáp ứng những vị khách bất chợt, những pha giúp đỡ, choàng gánh ngoài kế hoạch. Nhưng dù cãi vã, xung đột, “kẻ mạnh” trong anh vẫn như một bản năng. Anh luôn thấy ở người khác một nét yếu đuối, bất tiện nào đó và anh sẵn sàng nhập cuộc để nâng đỡ họ.

Lâu dần, tôi xác định mình không thể ly hôn chỉ vì chồng quá… tốt với người khác. Tôi chuyển sang chấp nhận và cố hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng bằng cách chủ động kiểm soát những thứ trong phạm vi có thể kiểm soát. Ví dụ, thay vì công kích chồng bao đồng với thiên hạ ảnh hưởng đến tài chính gia đình, tôi chủ động hoạch định tài chính hằng tháng.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vừa có lương, tôi trích phần tiết kiệm đem gửi ngân hàng trước và chỉ chi tiêu trong khoản còn lại. Khoản còn lại cũng phân định rõ giới hạn cho từng phần: ăn uống, học hành của con, sức khỏe, nhiên liệu, hiếu hỉ… và mọi sự rộng lượng của anh đều phải nằm trong giới hạn của khoản chi “hiếu hỉ” ấy. Tôi không cần phải kiểm soát quá gắt, chỉ cần phổ biến 1 lần và thỉnh thoảng nhắc nhở anh thì mọi thứ tạm yên, anh cũng tự biết giới hạn để điều chỉnh.

Nguyên tắc làm giảm tần suất, khiến chồng “thực tế" hơn, nhưng thỉnh thoảng vẫn “dính" vài lần anh lên cơn làm người hùng. Nhưng thay vì phản đối, làm bẽ mặt chồng, tôi chọn cách cùng chồng đối diện với sự thật. Như chuyện mái hiên của mẹ, anh đã trót nhận hết trách nhiệm và vợ chồng tôi không sẵn sàng tài chính cho trách nhiệm đó.

Nếu anh chọn thực hiện lời đã trót nói, tôi sẽ giúp anh xoay xở và cùng tìm phương án bù đắp. Đặc biệt, qua chuyện mái hiên, tôi đã nghiêm túc “quán triệt" với anh rằng mọi ý tốt của anh đều phải chia sẻ với vợ trước, bởi tôi chính là người sẽ cùng anh gánh vác mọi việc tốt - xấu trên đời.

“Thần khẩu hại xác phàm”. Sau khi đứng ra làm người anh cả mạnh mẽ, anh sẽ mất 3 tháng chi tiêu dè sẻn, hạn chế tối đa các khoản vui chơi giải trí bên ngoài, nghỉ lễ tại gia… để trả vào phần tiền tôi trích ra từ quỹ học hành của các con cho anh ứng trước. Dẫu vậy, so với trước đây, anh đã “tỉnh táo” dần trước những cơn cao hứng muốn làm người hùng.

Dù chưa chữa triệt để “bệnh” của chồng, tôi nghĩ đó là cách sống chung hiệu quả và hòa bình nhất mà ta có thể áp dụng với những tính cách trái khoáy của các ông chồng.

Theo phụ nữ TPHCM