Cô Hạnh Dung kính mến,

Cháu năm nay 28 tuổi. Cách đây 2 năm, cháu từng phạm một sai lầm khá lớn. May mắn là sai lầm đó không để lại hậu quả gì nghiêm trọng và mọi việc đã qua đi tốt đẹp.

Cháu biết rằng đó là một điều hết sức may mắn, vì những điều cháu làm nếu bị phát hiện sẽ có những hậu quả kinh khủng, cháu có thể bị tù tội, mất hết sự nghiệp, công danh và gia đình sẽ bị ô nhục suốt đời. Cho nên khi tỉnh lại, cháu vô cùng cảm ơn thượng đế và tự hứa với mình sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm đó nữa.

Thật dại dột là sau đó cháu đã tâm sự với mẹ cháu việc đó. Khi tâm sự, cháu chỉ nghĩ là cháu muốn chia sẻ với mẹ tất cả những gì cháu từng trải qua, để mẹ cháu hiểu rằng cháu đã trưởng thành thôi. Nhưng không ngờ mọi việc có tác dụng ngược.

Từ khi biết được chuyện đó, mẹ cháu từ chỗ từng tin tưởng cháu, nay lại luôn lo lắng, nghi ngờ cháu sẽ lặp lại sai lầm cũ. Mẹ cháu hết sức hoảng loạn, sợ hãi và thất vọng về cháu. Bà tra hỏi cả cháu, cả bạn bè từng cùng cháu làm những việc đó, và luôn luôn lo lắng, bất an.

Bà kiểm soát cuộc sống của cháu đến mức kinh khủng và luôn nhắc nhở cháu đừng làm như thế này, như thế kia. Mới đây, mẹ cháu còn khóc lóc nói với cháu là bà thường xuyên nằm mơ thấy cháu bị công an bắt, rằng bà phải uống thuốc an thần mới ngủ được. Cháu quá sợ hãi và áp lực.

Cháu nói với mẹ rằng cháu đã quên mấy việc đó từ lâu, đã 2 năm rồi, sao mẹ cứ hành hạ cháu như vậy, thì bà lại càng khóc và nói bây giờ bà không còn có thể an tâm về cháu được nữa...

Cháu thật sự đã hiểu ra sai lầm khi đó của mình, và chắc chắn cháu không bao giờ làm thế nữa. Mọi việc đã qua quá lâu rồi, và chắc chắn là không có hậu quả gì nữa, nhưng mẹ cháu lại cứ lo âu, sợ hãi và kiểm soát cháu thế này, làm sao cháu có thể sống nổi ạ?

Cháu sợ là mẹ cháu bị tâm bệnh rồi. Cháu phải làm thế nào để bà tin tưởng vào cháu và vui vẻ sống hả cô?

Thanh Hoàng

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Cháu Thanh Hoàng thân mến, 

Tất cả những lo âu, sợ hãi, kiểm soát đó đều phát xuất từ tình yêu thương và lo lắng quá sức cho con của một người mẹ mà thôi. Và vì thế, điều đầu tiên cháu có thể làm để cho mẹ được an lòng, là đừng tỏ ra khó chịu, bực bội, cãi cọ, lớn tiếng... để chứng minh cho mẹ rằng cháu không còn làm như thế nữa. Khi cháu càng làm thế, càng chứng tỏ mình bị áp lực, thì mẹ càng dễ nghi ngờ cháu có gì đó cần giấu diếm, sợ mẹ biết được.

Mà quan trọng là cháu nên dành thời gian nhiều hơn cho mẹ, trò chuyện tâm sự, kể với mẹ về những công việc hàng ngày vui vẻ, nhẹ nhàng của mình, về những người bạn, đồng nghiệp dễ thương của mình, thỉnh thoảng rủ mẹ đi cà phê, đi mua sắm một chút ít gì đó... Tất cả những điều đó là liều thuốc tinh thần rất lớn dành cho bệnh lo âu, sợ hãi của mẹ.

Có thể với ai đó, khi họ muốn kiểm soát cuộc sống của mình, cô sẽ khuyên họ tìm cách thoát khỏi vòng kiểm soát đó, kháng cự lại, tìm cách giải thoát... Nhưng với mẹ, cô vẫn mong là cháu sẽ kiên nhẫn hơn, dịu dàng hơn, chu đáo hơn.

Có đôi khi, cháu hãy hài hước một chút, trêu chọc một chút khi thấy mẹ tỏ ra đang kiểm soát cháu, để mẹ nhận thấy rằng cháu đang bao dung với những lo lắng của mẹ, thông cảm với mẹ, và sẵn sàng để mẹ hiểu được cháu, hai mẹ con có thể kết nối với nhau.

Điều quan trọng hơn cả là cháu hãy cố gắng sống thật tốt, tập trung phấn đấu cho công việc, sự nghiệp của mình. Khi mẹ nhìn thấy cháu là người đã trưởng thành, vững vàng, chín chắn và mạnh mẽ... thì những lo lắng, sợ hãi của mẹ sẽ qua đi.

Điều này tốt không chỉ cho tương lai sự nghiệp lâu dài của cháu, mà vì khi cháu đang làm một điều gì đó đúng và tốt, tâm trạng của cháu sẽ luôn hưng phấn, vui vẻ, và không cảm thấy bị mẹ kiểm soát là điều khó chịu. Năng lượng tích cực thường có khả năng lan truyền rất tốt giữa những người thân yêu, quan tâm và lo lắng cho nhau. Chắc chắn mẹ cháu sẽ nhận được điều đó.

Theo phụ nữ TPHCM