Cuối tuần, lại có thưởng dự án, anh rủ vợ con ra ngoài ăn gì đó. Anh biết vợ tiết kiệm, nhưng lâu lâu cũng nên ra ngoài đổi gió chút. Vợ chần chừ nhưng thấy 2 đứa trẻ nhảy nhót hò reo nên đồng ý.
Anh thay xong bộ quần áo đi ra đã thấy vợ đâu đó đàng hoàng, đang mặc áo khoác cho con gái nhỏ. Nhìn vợ trong cái áo thun có cổ và quần jeans ống rộng, ba lô nhỏ đeo sau lưng, tóc buộc cao gọn gàng, anh chợt thấy như thiếu thiếu điều gì...
Đến tận đêm anh mới có thời gian nghĩ lại và nhận ra cái thiếu ấy. Ngày đầu anh gặp vợ, nàng mặc váy hoa với mái tóc đen dài rất ưa nhìn. Giữa đám con gái quần jeans áo thun sinh động, nàng như bông hoa dịu dàng, chẳng thế mà ngày đó nàng luôn được đám con trai đòi làm quen.
Đi làm, vợ bắt đầu thích nước hoa và những mùi thơm. Khi nấu nước gội đầu, vợ cũng thả vào ít hoa bưởi, mấy cành hương nhu, vài tép sả hay đơn giản là nửa trái chanh. Trong ly nước của vợ hay thấy bông hoa cúc bồng bềnh.
Nước hoa và những mùi thơm, vợ bỏ từ ngày có con. Vợ nói mùi sữa trên má con trẻ là thứ mùi thơm nhất, da diết nhất, lâu bền nhất và gây nghiện nhất. Con nhỏ, vợ không đi làm nên cũng thôi son phấn mỹ phẩm. Thay vì mua hũ kem dưỡng da, vợ nói có thể mua được hộp sữa cho con. Một thỏi son có thể mua được bịch tã...
Từ khi nào vợ thôi mặc váy? Từ khi nào trong tủ quần áo của vợ xuất hiện những cái quần jeans? Là khi sinh con trai xong vợ bị phát tướng hay khi con trai bắt đầu đến lớp mầm non?
Thật lâu anh mới nhớ ra, có lần vợ và con trai bị ngã xe do vợ bị vướng vạt váy không kịp chống chân. Con trai khi ấy hơn 2 tuổi, ngồi phía sau ôm mẹ, khi xe từ từ nghiêng, con đã nhảy ngay xuống. Lúc về nhà, nhìn vợ bê bết bùn, anh chưa kịp hỏi thì con trai đã hồ hởi khoe: “Hôm nay con với mẹ được té xe, vui lắm ba!”.
Từ đó, khi chở con, vợ luôn mặc quần và đi giày đế thấp. Có lần anh hỏi thì vợ nói mặc vậy cho năng động, đi ngoài đường có gì dễ xử lý. Những cái váy cứ thế dần biến mất khỏi cuộc sống của vợ, đồ mặc trong nhà cũng không còn là váy. Tủ quần áo của vợ thay hoàn toàn bằng những cái quần jeans lưng thun và áo thun đủ màu. Bàn trang điểm chỉ có một thỏi son nằm chơ vơ nơi góc, khép nép bên những lon sữa bột, bình nấu nước và ly pha sữa của con.
Đôi lần anh nhắc vợ đừng chỉ lo cho chồng con mà bỏ bê bản thân, vợ cười nói đợi con lớn thêm chút, vợ nhàn rỗi sẽ tha hồ chưng diện. Trang sức của người phụ nữ, có gì quý giá bằng người chồng thương yêu và có con khỏe mạnh.
Nghe vợ nói vậy anh chỉ biết cười.
Thuở con trai con gái còn nhỏ, anh thường phải đến những đám cưới đám tiệc một mình vì vợ luôn thoái thác, nói “đợi con lớn chút”. Câu cửa miệng của vợ là đợi con lớn, con lớn rồi thì lo con học hành... Anh thấy mình thật tệ khi đã tin hết thảy những lý do vợ đưa ra. Cũng phải thôi vì nó đã rất hợp lý. Lúc này anh mới nhận ra, đằng sau những hợp lý đó là sự nhường nhịn, cam chịu của vợ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Và khi con đã lớn, vợ đã đi làm lại, nhưng những chai nước hoa hay những cái váy vẫn không thấy xuất hiện trở lại.
Vợ nói đã quen với những bộ vest công sở hay áo dài. Lâu không mặc váy, thấy nó trống trải và không an toàn.
Không hiểu sao, thấy vợ “biết điều” anh lại khó chịu. Cha mẹ anh vẫn nói lấy được người như vợ anh nên biết trân trọng, đến em gái anh cũng quý chị dâu dù vợ không phải kiểu người mau miệng. Chiều đi làm về, anh ghé trung tâm thương mại, ở đó khá lâu và ra về với cái túi lớn. Đó là 3 cái váy anh chọn cho vợ, có sự tư vấn nhiệt tình của nhân viên bán hàng cùng lời cam kết, nếu chị nhà không ưng, em sẽ đổi hoặc nhận trả lại.
Vợ nhìn những cái váy, lời đầu tiên là trách anh phá của, nói vợ có đi đâu đâu mà cần váy áo, khi nào cần vợ tự mua được. Anh đưa mấy cái túi cho vợ, đẩy vợ đi thử, đợi vợ tự mua có mà đến mùa quýt.
Những cái váy chẳng mang thông điệp gì to tát, chỉ là anh muốn nhắc vợ: con đã lớn rồi.
Theo phụ nữ TPHCM