Chị Trần Thị Hà (47 tuổi, ngụ tại Thuận An, Bình Dương) là công nhân. Chị kết hôn muộn nên các con mới mới học cấp II. 5 năm trước, chồng đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông.

Chị Hà rơi vào cảnh mẹ góa, con côi. Ở thành phố xa xôi, cuộc sống mẹ con vô cùng vất vả. Lương 8-9 triệu đồng/tháng, họ sống tằn tiện qua ngày, luôn trong tình trạng giật gấu vá vai.

Thấy mẹ con chị Hà khổ nên 5 người chị gái khuyên em út đưa 2 con về quê. Ba đã mất, mẹ già đang ở một mình giữa nhà cửa ruộng vườn thênh thang. Nghĩ tương lai cho các con nên cuối cùng chị Hà quyết định trở về.

Các chị đều đẩy trách nhiệm báo hiếu lên dì út vì sống nhờ nhà mẹ. Ảnh minh họa Freepik
Các chị đều đẩy trách nhiệm báo hiếu lên em út vì em sống nhờ nhà mẹ (ảnh minh họa Freepik)
 

Chị Hà xin được việc tại công ty giày da trong huyện, tuy lương thấp nhưng các con đi học trường làng, chi phí sinh hoạt nhẹ hơn ở thành phố. Vài tháng đầu tiên, các chị gái thường xuyên qua lại chơi, tình cảm gia đình gắn kết vui vẻ.

Cuối tuần, các gia đình tập trung ăn uống, nhà ngoại lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Chị Hà tiếc nuối nghĩ: “Giá như mình về quê sớm hơn”.

Được 3-4 tháng, mâu thuẫn bắt đầu phát sinh. Chị em gái về cơ bản là thương nhau, nhưng anh rể và nhiều cháu ngoại lại lo việc chia đất cát.

Trong 5 anh rể có 3 người ra mặt nói rằng: 13 cháu ngoại, đất cát bà phải chia đều.

Người mẹ đã ngoài 82 tuổi, tính cách thay đổi thất thường, nhớ nhớ, quên quên. Hằng ngày, khi trời sập tối chị Hà mới tan xưởng về và tất tả về lo cơm nước cho 3 bà cháu. Nhiều bữa ăn cơm chan nước mắt khi mẹ già liên tục mắng con cháu ở nhờ mà không biết điều.

Trước đây, khi mẹ sống một mình, tình cảm của các nhà rất đoàn kết. Từ ngày chị Hà về, chị em gái chia thành 2 phe: phe ủng hộ và phe... lo chiếm đất. Những cuộc họp gia đình xuất hiện nhiều hơn.

Các chị dù ở xung quanh, cách chỉ vài cây số nhưng họ giảm dần sự lui tới, việc chăm sóc dồn lên vai chị Hà. Bà cụ ăn rồi nhưng thường trách con chưa cho ăn, thi thoảng lại đi lang thang. Lo lắng mẹ không an toàn, chị Hà đi làm và cho con đi học thì khóa cổng, nhưng lại mang tiếng xấu vối hàng xóm là nhốt mẹ, không lo cơm nước cho bà.

Những lúc vui vẻ, bà cụ vẫn thương con gái út cùng cháu ngoại, nhưng khi không vừa ý chuyện gì, bà sẽ quay ra chửi và đuổi mẹ con chị Hà đi.

Mỗi tối, chị Hà trở thành điều dưỡng bất đắc dĩ. Chị mở từng bọc thuốc kiểm tra, chuẩn bị cho ngày hôm sau và đo lại huyết áp. Chị lo bà uống thuốc nhầm hoặc quá liều.

Nếu huyết áp của mẹ tăng lên, chị nhắn tin trong nhóm gia đình. Có người trả lời động viên: “Tất cả nhờ dì”, nhưng cũng có người gõ: “Do bọn trẻ nô đùa quá bà mệt”...

Lương công nhân chưa tới 7 triệu đồng, chị Hà phải lo đủ thứ. Các chị không góp thêm chi phí thuốc men, ăn uống cho mẹ. Nhiều khi uất ức, chị muốn đưa con quay về Bình Dương nhưng rồi không nỡ. Bao đêm chị nằm suy nghĩ, chị lại an ủi mình rằng mẹ già còn ở bên được mấy năm nữa đâu.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Hà Nội) nhận xét, câu chuyện trong gia đình chị Hà không hiếm. Ban đầu các chị gái ủng hộ em út về ở với mẹ. Tuy nhiên, mâu thuẫn xảy ra khi mọi người lo việc chia tài sản đất cát không như ý. Những chàng rể sợ tài sản nhà ngoại vào tay người con gái út. Ở góc độ tâm lý, ông Đoàn cho rằng tốt nhất một người "đàn ông chân chính" không nên tham gia vào chuyện kinh tế, tài sản nhà ngoại. "Làm rể đừng “xắn tay áo” quá sâu vào nhà ngoại" - ông Đinh Đoàn nói.

Về phía các chị em gái, dì út ở cùng mẹ già sẽ rất vất vả, các chị em có thể chia nhau mỗi người 1 ngày trong tuần lo cơm nước cho mẹ. Nếu bận rộn, nên bàn bạc góp thêm tiền mua thức ăn, thuốc men...

Ông Đoàn cho rằng, chữ hiếu thường xuất phát từ tâm, muốn hiếu thảo, chúng ta sẽ tìm cách làm, không muốn sẽ tìm lý do. Cha mẹ già, con cái không chăm sóc, nghĩ cách đùn đẩy trách nhiệm sẽ khiến chính bạn đời khinh thường vì “sống bạc” và không thể làm gương cho các con. Ai cũng có tuổi trẻ và tuổi già. Khi bạn hiếu lễ với cha mẹ, con cái sẽ học theo và ngược lại.

Theo phụ nữ TPHCM