Cô Hạnh Dung ơi,
Tôi năm nay 65 tuổi, là giáo viên về hưu. Vợ chồng con trai tôi làm kinh doanh nên rất bận rộn. Từ khi có cháu nội, một tay tôi chăm sóc, ẵm bồng, cơm nước.
2 đứa cháu cũng rất quấn quýt, gắn bó với ông bà nội, từ nhỏ chỉ ngủ với ông bà chứ không chịu ngủ với ba mẹ. Con trai và con dâu tôi nhờ vậy mà rảnh tay lo cho sự nghiệp, đi công tác tỉnh, thậm chí đi nước ngoài cũng không phải lo lắng gì.
Gần đây, tôi cảm thấy các con có vẻ không vui khi thấy cháu quấn ông bà nhiều. Vừa rồi, khi ông nội cắt tóc cho thằng cháu sắp vào lớp Một thì con trai tôi tỏ vẻ không hài lòng, nói sao không đưa cháu ra tiệm cắt, cắt kiểu kỳ cục thế này thằng bé sẽ bị bạn chọc quê.
Tôi may áo cho cháu mặc, con dâu cũng không ủng hộ, miệng nói là sợ tôi vất vả nhưng tôi nghĩ do chê kiểu tôi may nhà quê.
Tôi lên kế hoạch đưa các cháu đi du lịch xa cùng với hội ông bà cháu ở phường, con trai và con dâu cũng phản đối, sợ các cháu đi với ông bà không an toàn, dù lúc đó tôi đã đóng tiền, đăng ký suất đi cho các cháu rồi.
Tôi giận quá, cùng chồng bỏ về quê. Đến nay tôi đã về quê được gần 1 tháng mà cũng không thấy các con gọi điện nhờ lên coi quản các cháu như mọi lần. Tôi vừa giận vừa buồn, định bụng sẽ không liên lạc với các con nữa, bởi có lẽ trong mắt các con, vợ chồng tôi đã thật sự vô dụng rồi. Tôi nên ứng xử với các con thế nào? Mong cô giúp tôi.
Hồng Liên (Gia Lai)
|
Ảnh minh họa |
Cô Hồng Liên thân mến,
Đọc thư cô, Hạnh Dung cảm thấy chuyện nhà cô thật ra không có gì quá căng thẳng. Trong những thông tin cô cung cấp, Hạnh Dung nhìn thấy tín hiệu tích cực: đó là khi cô chú bỏ về quê gần 1 tháng rồi mà các con cô vẫn có thể thu xếp ổn thỏa việc nhà.
Đó là điều đáng mừng, vì dù có bận rộn mấy, con trai và con dâu cô một khi đã cùng nhau xây dựng gia đình thì họ phải lèo lái, quán xuyến tổ ấm của mình. Ông bà dù có lòng, có sức giúp đỡ, nhưng không thể giúp cả đời được.
Bây giờ còn sức khỏe, có thể cô thấy vui khi một tay lo hết chuyện nhà cho các con; nhưng vài năm nữa thôi, khi cô chú tuổi già sức yếu mà con cô vẫn không thể tự lo cho gia đình mình, lúc đó nỗi lo lắng của cô sẽ còn lớn hơn nhiều.
Đi vào những việc cụ thể, chuyện con trai không hài lòng khi ông nội cắt tóc cho cháu, con dâu không thích khi bà nội may áo cho cháu cũng không có gì nghiêm trọng cô ạ. Mỗi người có một gu thẩm mỹ riêng. Các con không thích không hẳn là coi thường công sức của ông bà mà đơn giản chỉ là quan niệm về cái đẹp của mỗi thế hệ khác nhau.
Riêng việc cô chú muốn các cháu cùng đi du lịch với hội bạn già của mình, Hạnh Dung hiểu đây là mong muốn chính đáng xuất phát từ tình yêu thương các cháu, nhưng thật sự chưa phù hợp lắm.
Bởi lẽ, với trẻ nhỏ, mỗi khi đi chơi xa, cần có người thân, tốt nhất là ba mẹ đi cùng, vừa để an tâm, vừa đảm bảo an toàn cho các cháu. Ông bà dù gì cũng đã lớn tuổi, việc chăm sóc cháu nhỏ trong cả hành trình, thậm chí phải ứng phó với các tình huống bất ngờ trong chuyến đi, tại một nơi xa, chắc chắn sẽ không thể linh hoạt bằng người trẻ.
Các con cô không cho cháu đi không có nghĩa không tin tưởng mà là lo cho an toàn và sức khỏe của cả ông, bà, cháu. Chưa kể chuyến đi chơi của hội người già có lẽ cũng không phù hợp với cháu nhỏ đi cùng. Cô không nên quá nhạy cảm rồi suy nghĩ, phiền giận các con.
Trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, ba mẹ luôn phải đóng vai chính; ông bà, chú bác, cô dì dù có gắn bó, thân quen, hết lòng cách mấy cũng chỉ nên đóng vai phụ để hỗ trợ, giúp đỡ mỗi khi vai chính cần. Cô hãy vui vẻ để các con mình đóng vai chính trong bộ phim cuộc đời của họ.
Thay vì buồn phiền, cô hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, đi du lịch, làm những điều mình thích. Thấy cô chú vui, con tin rằng con cháu của cô cũng sẽ vui. Chúc cô tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Theo phụ nữ TPHCM