Con năm nay 17 tuổi. Có một điều rất lạ là con hay cảm thấy cô đơn. Cảm giác này thường gặp khi con ở nhà, dù ba mẹ và em gái vẫn yêu thương con, gia đình con bình thường. Con cứ có cảm giác ba mẹ và em không hiểu mình; bản thân cũng rất khó chia sẻ cảm giác, suy nghĩ của mình với mọi người.

Con không hiểu sao mình thường cảm thấy như vậy. Con rất mong có một người thực sự hiểu mình nhưng tìm mãi không thấy.

Võ Trung Ng. (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)

leftcenterrightdel
 Ảnh Shutterstock

Cảm giác cô đơn giữa gia đình có thể xuất hiện ở bất cứ ai: trẻ con, thiếu nữ, thanh niên, trung niên, người già… Việc sống chung dưới một mái nhà mà không thể chia sẻ cùng ai, không thể kết nối với ai, không ai hiểu mình, cảm thấy xa lạ như người khách trọ trong chính ngôi nhà của mình làm người ta không cảm nhận được ý nghĩa thực sự của “tình cảm gia đình”.

Dù được sống trong điều kiện đầy đủ, tiện lợi nhưng một số người vẫn cảm thấy lạc lõng, bơ vơ: con cái có ba mẹ luôn tăng ca/đi trực/công tác xa nhà (cho rằng ba mẹ bỏ rơi mình); người lớn tuổi không được con cháu quan tâm, giúp đỡ (nghĩ rằng mình thật vô dụng); một người mẹ không hiểu nổi con mình (cho rằng con mình được chiều quá sinh hư); chồng “mất giá” với vợ (do thất nghiệp ở nhà, không kiếm ra tiền nên cho rằng vợ hết yêu mình); vợ bất mãn với chồng (mang tiếng ở nhà “ngồi không ăn bám” nên “sướng quá hóa rồ”)…

Điều này thể hiện gút mắc nằm ở chỗ cảm xúc và sự gắn kết giữa mọi người, đặc biệt trong thời hiện đại, khi cuộc sống trở nên bận rộn hơn và công nghệ ngày càng phát triển.

Hội chứng cô đơn giữa gia đình là một hiện tượng thường xảy ra trong các gia đình khá giả, có vẻ ngoài hạnh phúc. Trong đó, sự vô tâm, vô ý, vô tình khiến người trong nhà chưa biết cách mở lòng với nhau, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý của các thành viên. Điều này bắt nguồn từ sự mất kết nối về mặt tinh thần, thiếu sự đồng điệu trong “tư duy nội bộ”. Sự thiếu chia sẻ phụ thuộc vào tuổi tác, tính cách, suy nghĩ, khoảng cách thế hệ, tác động của internet, sự kỳ vọng quá đáng của gia đình…

Cũng có thể vấn đề của cháu là rắc rối nho nhỏ của tuổi dậy thì. Bộ Y tế năm 2019 công bố kết quả khảo sát: gần 13% trẻ 13-17 tuổi luôn cảm thấy cô đơn nhưng chỉ 30% phụ huynh hiểu các vấn đề lo lắng của con mình.

Khi cô đơn, người ta thường thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin đó thể hiện bằng thái độ khép mình; cũng có thể bằng sự thờ ơ, hoài nghi, chán nản, mất niềm tin với cuộc sống.

Cũng có thể người ta sẽ biến nỗi cô đơn thành sự soi mói, dò xét, chê bai, căm ghét người khác. Vì thế, cô đơn lại chồng chất, ngày càng cô độc hơn. Người yếu đuối sẽ lao vào tìm kiếm niềm tin ở bạn bè hoặc những mối quan hệ trong thế giới ảo. Niềm tin thái quá đôi khi dễ bị lạm dụng, xâm hại, lừa đảo. Cũng có người dùng rượu bia, thuốc lá hoặc chơi tốc độ để xua đi cảm giác buồn chán…

Cháu đã nhận ra vấn đề của mình. Vậy hãy bắt đầu từ việc chia sẻ cảm xúc với người thân trong nhà:

- Mỗi ngày, hãy dành thời gian mỉm cười, hỏi thăm ba mẹ và em gái vài lời.

- Bớt chạm vào điện thoại, hãy chạm vào tay nhau nhiều hơn. Bớt đeo tai nghe (nghe tiếng máy), hãy nghe tiếng người (trò chuyện) nhiều hơn. Tổ chức những hoạt động kết nối gia đình sẽ giúp mọi người gần gũi hơn. Chưa cần làm những điều to tát, đó có thể chỉ là dành thời gian làm việc nhà, đi xem phim cùng nhau...

- Xây dựng một không gian gia đình chất lượng.

- Chăm sóc tinh thần cho bản thân, duy trì sự cân bằng giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi, đặt mình vào trạng thái tích cực.

- Nếu cảm giác cô đơn quá lớn và không thể tự giải quyết, hãy tìm đến sự giúp đỡ từ người có uy tín trong họ hàng hoặc các nhà chuyên môn.

Người ta nói rằng gia đình là nơi không ai bỏ rơi ai và yêu thương nhau vô điều kiện, cháu ạ!

Theo phụ nữ TPHCM