leftcenterrightdel
 Chị không có thời gian để làm bạn cùng mẹ (ảnh minh họa)

Bà cứ lấn cấn mãi vấn đề này cho đến sinh nhật lần thứ 72 vừa qua. Hôm ấy cô con gái dẫn theo 2 đứa con, một đứa 12 tuổi, một đứa 10 tuổi, về chúc mừng sinh nhật bà ngoại.

Mẹ con bà để 2 đứa cháu tự chơi, cùng ra bếp nấu ăn. Cơm nước xong chị con gái hối thúc 2 bé chào bà ngoại rồi đưa chúng ra xe. Ra đến cửa, thấy bà lưu luyến nhìn theo, chị trở lại ôm chặt lấy mẹ rồi nhanh chóng vào xe, đóng cửa.

Nhà chị cách nhà mẹ khá xa. Muốn đi thăm mẹ, chị phải đợi ngày nghỉ cuối tuần, nhưng có tuần đi được, tuần không, vì phải dọn dẹp, chợ búa cho cả tuần sau. Nhiều lúc chị tăng ca ngày thứ Bảy, chỉ còn lại ngày Chủ nhật, không thể "phân thân" cho mẹ và gia đình nhỏ của mình.

Bà thương con gái, hiểu hoàn cảnh con, nên ít khi nhờ vả hay gọi điện hối thúc con về chơi. Khi mới sang Mỹ, bà hơn 60 tuổi. Thấy mình còn khỏe, bà xin vào một cửa hàng bán bánh làm phụ bếp. Thấm thoắt hơn 10 năm trôi qua. Giờ sức khỏe bà giảm nhiều, mặc dù còn đi đứng nhanh nhẹn, nhưng xương khớp bà đau nhức, trí nhớ cũng sa sút hơn trước. Bà nghỉ làm 2 năm nay.

Trước đây bà nghĩ đơn giản, về già mình sẽ nương tựa con gái duy nhất. Bà dự định đợi các cháu vào đại học, con gái bà thảnh thơi, có thể chăm sóc bà. Nhưng xem ra, bà không thể đợi được. Bà phải tính cho mình.

Cuối tuần sau hôm sinh nhật đó, bà gọi điện bảo con gái về nhà nói chuyện. Con gái bà hớt hải lái xe về, chị sợ mẹ có chuyện gì nên kết thúc buổi đi chợ sớm hơn thường lệ. Bà bảo chị chở bà đi thăm người bạn ở viện dưỡng lão gần đó.

2 bà bạn già ngồi nói chuyện thật lâu. Khi chị tới đón, chị thấy mẹ ngồi yên lặng trên băng ghế dưới gốc cây. Bà lên xe, lặng lẽ lau nước mắt rồi đề nghị chị chở đến viện dưỡng lão thứ 2.

Chị bần thần nhìn mẹ qua kiếng xe. Mấy lần định hỏi mẹ, nhưng chị thấy nghèn nghẹn nơi cổ. Ba chị mất khi chị 5 tuổi, một mình mẹ vất vả nuôi chị trưởng thành. Lấy chồng xa xứ, khi cuộc sống tạm ổn, chị tức tốc đón mẹ sang Mỹ. Những tưởng mẹ con được nương tựa lúc mẹ về già nhưng cuộc sống xứ người tất bật, vất vả nên chị xao nhãng trách nhiệm làm con.

Ra khỏi viện dưỡng lão thứ 2, mẹ chị trầm ngâm thật lâu rồi nói bà muốn về Việt Nam sinh sống những ngày cuối đời. Chị thảng thốt nhìn mẹ: “Sao mẹ bỏ con?”.

Hỏi xong, chị bật khóc. Không phải mẹ bỏ chị, mà là chị bỏ bà. Chị không đưa mẹ về nhà chung sống với gia đình mình, vì nhà cửa chật chội, chồng con chị sống ở nước ngoài từ nhỏ nên cách cư xử cũng không tình cảm. Khi mới sang, mẹ chị đã viện đủ lý do để ra ngoài thuê căn phòng nhỏ xíu. Bà đi làm, tự trang trải cuộc sống, không nhận tiền bạc chị chu cấp.

Bà bảo chị ngồi đối diện khi 2 mẹ con về tới nhà. Chị nhìn thấy sự kiên quyết trong mắt mẹ. Bà nói: “2 năm trước giá đất rẻ, mẹ nhờ dì Sáu mua miếng đất gần nhà dì. Năm ngoái mẹ đã gửi tiền nhờ dì xây một căn nhà nhỏ. Mẹ già rồi, không thích hợp sống bên này. Bây giờ mẹ còn khỏe, nhưng vài năm nữa đi đứng không nổi, nhớ nhớ quên quên thì biết làm sao. Mẹ muốn đi xem thử viện dưỡng lão, nhìn rồi mẹ thấy mình cũng không chịu nổi cảnh hiu quạnh ở viện dưỡng lão bên này”.

Chị bất ngờ khi biết mẹ đã chuẩn bị trước cho tuổi già. Đến lượt chị lại trầm ngâm. Chị nghĩ đón mẹ sang đây là báo hiếu cho mẹ, chị cũng nghĩ đến khi mẹ già yếu vào viện dưỡng lão thì chị ra vào thăm mẹ thường xuyên. Tuy nhiên, chị đã không quan tâm đến cảm xúc của mẹ. Người già không sợ thiếu ăn thiếu mặc mà chỉ sợ cô đơn, sợ làm gánh nặng cho con cái. Chị không có thời gian để làm bạn cùng mẹ. Có lẽ về quê hương để bà gần gũi họ hàng, để nghe tiếng nói thân quen sẽ tốt hơn là ở xứ người, một tiếng bẻ đôi bà cũng không hiểu.

Sau cùng, chị thưa với mẹ: “Hè này con sẽ thu xếp để cùng mẹ về Việt Nam. Con muốn nhìn thấy chỗ ở của mẹ”. Chị không nói cho mẹ biết là tiền chị tặng mẹ mỗi tháng bà không chịu nhận, được chị gửi vào một tài khoản riêng trong ngân hàng. Chị muốn dành tiền đó cho mẹ dưỡng già.

Theo phụ nữ TPHCM