Mẹ tôi kể, năm 18 tuổi dì đẹp rực rỡ như một đóa hoa dưới nắng, đẹp lung linh như trăng rằm. Trai làng si mê dì, chiều nào cũng có kẻ lấp ló ngoài sân.
Gia cảnh nhà ngoại khó khăn, dì học khá nhất nhà nên chỉ mình dì được ông bà cho lên thành phố trọ học, dù ông bà không ngừng lo cô con gái ngây thơ sớm rơi vào cạm bẫy.
|
|
Không tiền, không nghề, không nơi nương tựa, không dám để lại con cho nhà chồng nuôi nên mắc kẹt trong cuộc hôn nhân bất hạnh gần 30 năm (ảnh: Freepik) |
Mới nhập học được một tháng, dì đã xiêu lòng bởi dượng - chàng thanh niên thành phố hào hoa, đi xe máy xịn, ra sức tán tỉnh tặng quà, đưa đón đi chơi. Khi phát hiện chuyện dì yêu đương, ông bà lập tức đưa dì về quê, yêu cầu cắt đứt mọi liên lạc với chàng thanh niên kia, nhưng dì một hai đòi cưới dượng, thề sống thề chết: “Cứ để con lấy anh ấy, khổ con chịu, có chết cũng không về phiền ba mẹ".
Rồi dì có thai. Ông bà tức giận, đau đớn, bế tắc, và đã nói ra lời cay đắng: “Lỡ có bầu thì phải cho cưới. Từ nay xem như không có đứa con này, muốn sống muốn chết cũng mặc kệ. Có khổ thì tự chịu, mai mốt đừng dắt díu con cái về báo hại cha mẹ".
Chưa chồng mà có bầu hồi ấy là chuyện nặng nề. Nhà trai cũng bị đặt vào thế đã rồi mới đành làm đám cưới. Có bầu trước, bước vào gia đình người ta bằng cửa sau, dì tôi bị cả nhà chồng coi thường.
Lấy nhau lúc cả 2 chẳng có công ăn việc làm ổn định, dì như cái gai trong mắt cha mẹ chồng. Cưới được 2 tháng, dượng theo người bác làm ăn xa ở tỉnh nên 2-3 tuần mới về nhà một lần. Bầu bì bơ vơ, dì tủi thân giữa nhà chồng, nhớ ba mẹ, nhớ anh chị em nhưng nào dám về.
Bầu được 7 tháng, có người báo cho dì biết thấy dượng qua lại với một cô gái trẻ cùng chỗ làm. Dì bắt xe lên gặp, cô gái trẻ ấy không hề biết dượng đã có vợ. Dượng dỗ dành xin lỗi, hứa không tái phạm. Dì sắp đến ngày sinh nở, giận chồng nhưng chẳng biết về đâu, nương nhờ ai, nên đành nhẫn nhịn cho qua chuyện.
Nhưng đó mới chỉ là mở đầu cho chuỗi ngày đau khổ đắng cay ê chề về sau, vì dượng như ngựa quen đường cũ, hết thân thiết với người này đến ngang nhiên cặp với người khác. Mẹ chồng dì biết, nhưng chẳng buồn can thiệp.
Bà còn nói: “Tính thằng D. từ xưa vậy rồi. Ai bảo không tìm hiểu kỹ mà vội vàng đòi cưới, lại có chửa trước thì ráng chịu. Nhắm ở với nhau được thì ở, không ở được thì thôi". Dì cắn răng nín nhịn.
Chắc có lẽ không nhiều người ngang nhiên ngoại tình hết lần này đến lần khác như dượng và chắc cũng không nhiều người nhu nhược chấp nhận trong thời gian dài như dì.
Dì cũng biết, nếu không vì 2 đứa con, có lẽ dượng và nhà chồng đã đuổi dì ra khỏi nhà từ lâu. Tờ giấy ly hôn lúc nào dượng cũng để sẵn trong hộc tủ, chỉ cần dì ký thì ra đi tay trắng, không được đưa con theo. Dì tôi như con cá mắc cạn, thoi thóp yếu ớt. Mỗi lần dượng ngoại tình như thêm một vết cứa, dì ngọ nguậy một chút rồi lại nằm yên, chẳng muốn vùng vẫy. Không tiền bạc, không nghề nghiệp, không dám ra đi làm lại từ đầu, không biết nương tựa vào ai, không có nơi nào khác để về, hay nói đúng hơn là không mặt mũi nào để về với nhà cha mẹ ruột.
Ông bà ngoại tôi biết con gái chịu tủi nhục, bị chồng ngang nhiên phản bội, bị nhà chồng khinh rẻ đã đau lòng vô cùng. Mẹ tôi kể, khi biết chuyện, ông ngoại bần thần cả ngày. Ông ra ngõ ngắt lá mơ nhưng ngắt nhầm cả lá lốt nhà người ta mà không hay biết. Bà ngoại đêm đêm nằm khóc thương con.
Mẹ tôi nói, ông bà thương con, nhưng không đủ mạnh dạn tới đón dì về. Còn dì thì tủi hổ không dám trở về nương tựa vì lời thề "có chết cũng không về phiền ba mẹ" năm xưa. Cứ thế, cuộc đời dì kẹt trong bế tắc.
Nhìn cuộc hôn nhân của dì, tôi ngẫm ra nhiều bài học. Nếu khi xưa dì không yếu lòng sa vào lưới tình khi còn quá trẻ, không cãi lời ông bà đòi cưới sớm; nếu dì học hành tới nơi tới chốn, để rồi có công việc, có nghề nghiệp tự nuôi sống bản thân, và nếu như biết trở về với gia đình nếu chẳng may đổ vỡ, tôi nghĩ dì không bị mắc kẹt trong bất hạnh lâu như vậy.
Theo phụ nữ TPHCM