Vì quá tháo vát, con dâu "ôm sô" chơi lễ cho nhà chồng
Cập nhật lúc 21:44, Thứ tư, 26/04/2023 (GMT+7)
Dịp lễ nghỉ dài, nhà chồng dự định đi đảo Phú Quý chơi, con dâu đau đầu vì phải sắp xếp lo xe tàu, khách sạn và vô vàn thứ không tên khác.
Với nhiều người, lễ là dịp nghỉ ngơi, đoàn tụ, về quê. Còn với chị, lễ tết là những ngày vô cùng mệt mỏi, ám ảnh. Năm nào chị cũng bị “đẩy” vào vai lo liệu những chuyến đi chơi của đại gia đình bên chồng.
Nhà chồng đông người, đều ở thành phố. Mỗi lần nghỉ dài ngày, các gia đình đều tụ họp trên các nhóm online để bàn xem đi đâu chơi, ăn gì, lên núi hay đi biển?…
Năm đầu làm dâu chị hào hứng lắm, xung phong lập kế hoạch đi Đà Lạt cho đại gia đình. Hồi sinh viên, chị cũng từng tổ chức mấy phong trào cho lớp, nên chị tận dụng mọi kinh nghiệm lo nào ăn uống, xe cộ, chỗ đi chơi. Từng chai nước, trái quýt, mảnh khăn giấy đều được chị lo lắng tỉ mỉ. Thế mà chuyến đi vẫn phát sinh đủ chuyện.
|
|
Những chuyến đi gia đình nhiều niềm vui nhưng càng đông càng nhiều vấn đề phát sinh (Ảnh minh họa) |
Dì Hai bên chồng trách sao không chọn phòng chỗ nào gần chợ đêm để thuận tiện đi lại. Cô Ba thì muốn ở sát thiền viện Trúc Lâm để vãn cảnh chùa. Mấy đứa trẻ trong họ thì thích sống ảo, muốn đến mấy quán cà phê nổi tiếng. Ban đầu chỉ là những lời nói đùa, rồi dần dần thành trách móc. Cháu của anh buông một câu: “Biết thế ở nhà cho khỏe”. Chị chưng hửng, thấy tủi thân, chuyến đi cũng chẳng còn vui vẻ.
Chuyện không chỉ dừng ở đó, sau vài ngày ăn chơi hết mình, người lớn tuổi và mấy em bé lăn ra bệnh do di chuyển nhiều, thay đổi thời tiết. Dâu rể bắt đầu xì xào đổ lỗi cho nhau. Chị nghe loáng thoáng vài câu: “Đã bảo đi biển mà không nghe, lên Đà Lạt toàn ăn rau, chẳng bổ béo gì nổi, trời thì lạnh, không cảm mới lạ”.
Tới đoạn tổng kết chia tiền, dù đã bỏ bớt những chi phí lặt vặt thì vẫn bị nhà này nhà kia bóng gió rằng sao phát sinh nhiều, ăn chỗ này mắc, chỗ kia không đáng… Chị thở dài, tự thấy mình quá dại khi ôm mệt mỏi vào người.
Đi chơi 9 người 10 ý, chị cũng đã cố gắng thu xếp, nhưng tất nhiên sẽ không thể làm hài lòng tất cả. Những năm sau, dù không còn lo liệu tất, nhưng vì đã từng đảm đương nên họ hàng lại quyết định cắt cử chị lo các khâu quan trọng.
Thành ra cứ lễ lạt mà nghỉ dài ngày là chị phát bệnh vì lo lắng. Lúc chưa có con thì khác, còn giờ chị bận bù đầu. Một nách 2 đứa nhỏ mà cứ phải lo từng chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt...; từng cái bánh bao bữa sáng cho đến viên thuốc say xe... Chị mệt mỏi thật sự vì nếu giao cho người khác thì bị nói là thiếu trách nhiệm. Mà không giao thì mình chị sắp xếp không nổi, cũng bị bóng gió đủ điều.
Mấy hôm nay, cả nhà vui vẻ bàn chuyện đi đảo Phú Quý chơi, yêu cầu chị sắp xếp kế hoạch. Để đến đảo, phải đi xe, đi tàu, ăn ở trên đảo thì ai cũng biết sẽ không nhiều lựa chọn như ở đất liền. Chị dò dẫm mấy ngày, tìm đủ loại thông tin, xem tình hình dự báo thời tiết, sợ biển gió nhiều... Chị tính hay là chọn nơi khác, đi tour cho có người vun vén cho khỏe.
Vừa nói ý này lên nhóm thì cả nhà phản đối quyết liệt. Chị thở dài, đúng là lấy chồng trúng nhà neo đơn thì buồn. Mà lấy phải gia đình đông cô dì chú bác, đông đúc thành viên cũng oải.
|
|
Biết vậy năm đầu chị không quá xông xáo (Ảnh minh họa) |
Chị do dự rồi “dụ" chồng xung phong đứng ra làm "chủ xị". Đàn ông lo thì ít nhiều thiếu sót, nhưng anh là con cháu ruột thịt trong nhà, cũng không bị trách nhiều như chị. Nói là để anh đứng ra, chứ đằng sau vẫn có chị hỗ trợ. Chị sẽ dần dần rút khỏi vai trò chuẩn bị những buổi đi chơi. Hoặc là lần này, chị để anh đề xuất chia nhau ra mỗi người mỗi việc, để mấy gia đình không trách cứ nữa.
Nghĩ thế, nhưng chị vẫn nhiều trăn trở, ước gì năm đầu làm dâu chị không quá xông xáo. Giờ nghĩ lại, chị thấy ngán ngẩm thật sự. Ở trên nhóm chat, những thành viên của đại gia đình vẫn hân hoan bàn tán về chuyến đi, chỉ có chị và chồng là đầy mỏi mệt.
Theo phụ nữ TPHCM