Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi 50 tuổi, vợ tôi 38 tuổi. Khoảng cách tuổi tác từng là vấn đề lớn bởi vợ tôi luôn thích sự lãng mạn, chiều chuộng, quà cáp và cả những chuyến du lịch trong khi tôi thích trầm lặng, hướng nội, tập trung cho đời sống thường nhật và giữ phong độ công việc.

Thế nhưng bây giờ, vấn đề của chúng tôi lại đảo ngược. Vợ tôi học theo triết lý sống nào đó mà quay về “tập trung vào bản thân”. Thời gian rảnh, cô ấy dành phần lớn để luyện tập: thể dục, thiền, học hành. Cô ấy vẫn làm việc nhà, vẫn chăm con, nhưng thời gian để vợ chồng gần gũi, chuyện trò hầu như không còn.

Sau giờ cơm tối, cô ấy ôm cuốn sách hoặc mở những bài giảng về “phát triển bản thân” trên mạng để nghe. Đợt lễ vừa rồi, tôi được nghỉ dài ngày nên rủ vợ đi du lịch, cô ấy cũng từ chối. Cô ấy nói: “Muốn đi dài ngày thì phải lên kế hoạch sớm, vì em cũng có lịch của em”.

Chuyện tưởng như không có gì, nhưng tôi thấy sự gắn bó vợ chồng tụt dốc không phanh. Vợ tôi từ việc đòi hỏi tôi dành thời gian, sự lãng mạn thì quay sang đòi tôi phải “lên kế hoạch sớm”, “phải có tổ chức”, đi đâu cũng hỏi kỹ xem điểm đến có những ai, đôi khi cô ấy từ chối đi chỉ vì “đang không có tâm trạng gặp người A người B nào đó” trong cuộc gặp.

Vợ chồng dần xa cách. Tôi luôn cảm giác va vào lý trí, nguyên tắc của vợ mỗi khi trò chuyện. Cô ấy cũng khó khăn hơn với gia đình 2 bên. Mỗi lần ba má cô ấy lên chơi, cô ấy cũng đòi “hẹn trước để con sắp xếp”.

Có hôm ba má đi khám bệnh phải ở lại thành phố chờ kết quả. Việc này ngoài dự kiến nên đêm ấy vợ tôi đi đến khuya mới về dù tôi biết, cô ấy hoàn toàn có thể thu xếp về sớm để gặp ba má.

Vợ càng “yêu bản thân”, tôi thấy gia đình càng nguội lạnh, ít tình cảm. Tôi nên làm gì để vượt qua chuyện này, hay là tôi cũng phải “thích nghi”?

Thanh Quang (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Anh Quang mến,

Có lẽ đó không phải là biểu hiện của một người yêu bản thân, mà là những phản ứng của người muốn thoát khỏi sự lệ thuộc tâm trí, cảm xúc, tình cảm vào một nơi không mang lại niềm vui cho cô ấy.

Theo lời anh kể, có lẽ vợ anh đã trải qua những ngày tháng buồn bã vì luôn chờ đợi quan tâm và vì không thể chịu đựng thêm, cô ấy đã tìm cách thoát ra, tìm sự chủ động, xóa bỏ sự lệ thuộc vào chồng, vào người khác.

Nếu nhìn tổng thể, có thể nói anh đã thoát khỏi áp lực phải chiều vợ, làm những điều mà anh không thích. Bây giờ, cô ấy cũng như anh, cũng có lịch sinh hoạt và những nhu cầu riêng. Việc phải sắp xếp, lên kế hoạch khi cần làm chung một việc gì đó là cần thiết. Nghĩ như vậy, anh sẽ có cách để trước hết là làm quen với việc này, rồi sau đó mới có thể điều chỉnh để hài hòa giữa cũ với mới, giữa vợ với chồng.

Có thể vợ anh đang hơi độc lập thái quá, ít nhất là so với khả năng thích nghi của anh. Nhưng đây là giai đoạn khó tránh khi một người cố thoát ra khỏi những lề lối cũ. Ban đầu, sự vượt thoát sẽ có phần mạnh mẽ, cực đoan. Nhưng môi trường sống và những trải nghiệm sẽ giúp họ từ từ cân bằng, sàng lọc xem đâu là điều nên làm hoặc nên tránh. Và trải nghiệm của vợ chắc chắn luôn có anh dự phần.

Nếu anh muốn vợ “bớt xa cách, bớt nguyên tắc”, anh có thể chủ động tạo ra những cuộc hẹn, cuộc du lịch hay mọi cuộc gắn bó khác mà anh mong muốn. Muốn vậy, hãy bỏ xuống những khó chịu về việc “lên kế hoạch”, “xếp lịch”. Hãy tôn trọng những nguyên tắc của cô ấy trước. Khi đã vượt qua các nguyên tắc để có thể gần gũi với nhau trong một không gian riêng, vợ chồng hoàn toàn có thể trao đổi để hiểu nhau, điều chỉnh vì nhau.

Tất cả những điều trên chỉ khả thi khi thâm tâm anh thực sự tôn trọng vợ cùng những nỗ lực của cô ấy. Từng biểu hiện có thể là chưa đúng mực, chưa cân bằng, nhưng hãy tôn trọng ý muốn độc lập và tự xây dựng cuộc đời an vui của cô ấy.

Từ đó, anh có thể là một người chồng nhiều trải nghiệm và đầy bao dung để dự phần vào khao khát sống hạnh phúc của vợ, hỗ trợ và đồng hành cùng cô ấy trong hạnh phúc. 

Theo phụ nữ TPHCM