Nhận được thùng thịt heo dưới quê gửi lên, vợ hồ hởi sơ chế để cất vào tủ lạnh. Thấy địa chỉ người gửi, tôi nhắc nhẹ: “Em tính toán xem hết bao nhiêu tiền thì gửi lại cho cô Út nhé!”.
Vợ sa sầm mặt nói: “Có mấy kí thịt, đâu nhiều nhặn gì mà trả tiền, mất tình cảm chị em đi”.
Tôi bực mình: “Nhưng em mua chứ có phải cô Út tự gửi đâu”. Vợ khựng lại, ngập ngừng: “Cô Út nói với anh như thế à? Lần sau em chẳng nhờ cô nữa”.
|
Mỗi lần về nhà nội, vợ luôn tìm cách để xin đồ đạc rồi nhờ mua thứ này thứ kia nhưng không thanh toán tiền (ảnh minh họa) |
Trước đây, tôi không để ý đến chuyện bếp núc, nhưng trong một lần về quê ăn giỗ, vô tình nghe mấy chị em họ bàn tán về vợ tôi. Tôi tìm cách hỏi mẹ và em gái tôi mới vỡ lẽ rằng vợ tôi thường xuyên gọi điện về quê nhờ mua thứ này, thứ kia, nhưng không chuyển trả tiền. Vợ không chỉ nhờ chị em trong nhà mua sắm mà còn cả họ hàng xa.
Mọi người ngại nên không nói gì, cho đến một lần, vợ nhờ em họ tôi gửi tiền mừng đám cưới cho cháu. Lần đó, vợ chồng tôi bận việc không về dự được, vợ thông báo đã gửi quà rồi nên tôi yên tâm.
Mấy tháng sau, em họ không thấy vợ tôi chuyển tiền trả mua quà hộ mới nhắn tin nhắc. Dù vợ trả tiền ngay, nhưng cô ấy nói những lời khó nghe khiến em họ phật ý và phàn nàn với nhiều người. Từ đó nhiều người họ hàng mới kể rằng họ từng được vợ tôi nhờ mua đồ, nhưng chờ mãi không thấy trả lại tiền.
Tôi giận tím mặt khi biết chuyện, trong khi vợ tỉnh bơ: “Mấy bó rau, mớ cá, ký thịt mà làm như vàng bạc”. Sau đó, tôi phải nhờ mẹ đi hỏi từng nhà để trả lại tiền từng món vợ đã gửi mua.
Lúc mới yêu, tôi cũng đã thấy sự tính toán của vợ, nhưng cứ nghĩ phụ nữ ai cũng như cô ấy, đấy chỉ là đặc điểm luôn thu vén cho gia đình. Mỗi lần về quê tôi chơi, vợ hay nhờ mẹ mua thức ăn để đem lên thành phố rồi xin thêm đồ đạc. Vợ nhờ em gái mua mỹ phẩm, thuốc thang, nhưng sau đó tôi phải gửi tiền trả.
Tuy vậy, không phải vợ luôn nhờ vả tất cả mọi người. Tôi để ý thấy, khi về nhà ngoại, vợ lại không bao giờ lấy món gì. Hồi mới yêu, cô ấy luôn kể gia cảnh nghèo khó, cha mẹ vất vả. Tôi rất thương bạn gái, nên hàng tháng dù lương mới đi làm ít ỏi, nhưng tôi luôn san sẻ. Đến khi về nhà cô ấy chơi, tôi ngỡ ngàng trước cơ ngơi bề thế và cách tiêu dùng thoải mái của cha mẹ vợ.
Không riêng chuyện tiền bạc, trong nhiều việc, vợ cũng chỉ muốn nhờ vả nhà chồng. Khi con chúng tôi còn nhỏ, vợ năn nỉ nhờ bà nội lên trông cháu, dù bà bị bệnh khớp, đi lại khó khăn.
Mẹ tôi thương cháu, nhưng chỉ ở được vài tuần thì đổ bệnh. Bí bách quá tôi mới nói vợ nhờ bà ngoại lên giúp, nhưng vợ không đồng ý. Vợ nói để bà ngoại nghỉ ngơi vì bà đã vất vả cả đời, trong khi bà ngoại còn trẻ, trông khá khỏe mạnh. Sau đó chúng tôi phải tốn tiền thuê người giúp việc.
|
Vì cách cư xử của vợ nên vợ chồng tôi cãi nhau liên tục (ảnh minh họa) |
Ngay chuyện mừng tân gia mới đây, tiền bạc quà cáp của nhà nội thì vợ nhận cất đi, còn của nhà ngoại thì vợ tìm mọi cách trả lại, quyết không lấy. Tôi không đồng ý vì làm như thế là thiếu tôn trọng khách mời. Vợ giải thích: “Nhà ngoại ở xa, mọi người tốn kém tiền xe đến chơi lại còn lấy tiền mừng. Coi sao được!”.
Từ đó, tôi luôn phải để mắt đến mấy thùng hàng dưới quê gửi lên, để nhắc vợ trả tiền. Như chuyện sáng nay, tôi chú ý thùng thịt heo vì mấy hôm trước, thấy vợ bình luận trên Facebook em gái tôi: “Chị lấy 2 ký thịt ba chỉ, 2 ký thịt mông, 2 ký sườn non, 1 giò heo trước, nửa ký cốt lết” dưới bài đăng thông báo sắp có thịt heo.
Vì những chuyện này mà vợ chồng tôi liên tục cãi nhau, tôi không biết làm sao để vợ thay đổi suy nghĩ. Chẳng lẽ lại cấm cản vợ dính dáng chuyện bán mua với bên nội?
Theo phụ nữ TPHCM