Chị Hạnh Dung thân mến,

Vợ chồng em cưới nhau 10 năm, có với nhau 2 đứa con. Nhưng càng về sau này, 2 đứa em không còn nói chuyện được nhiều như trước nữa, vì không cùng chung quan điểm sống.

Chồng em rất gia trưởng, hay khinh thường và chì chiết vợ con, không chia sẻ quan tâm đến bất cứ 1 việc nào trong nhà. Mong chị cho em lời khuyên hợp lý với ạ.

Huyền Trang

 

Em Huyền Trang thân mến,

Trong mối quan hệ hôn nhân, việc "truyền thông giao tiếp vợ chồng", đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nó giúp người ta gắn kết, đồng cảm, thấu hiểu nhau hơn.

Ông bà nói rằng: "Chén bát trong chạn còn khua", thì việc vợ chồng sống bên nhau sẽ nảy sinh vấn đề là chuyện hết sức bình thường. Chính lúc này, truyền thông giao tiếp vợ chồng rất cần thiết. Khi vợ chồng nói chuyện với nhau một cách bình tĩnh, sẵn sàng cởi mở, hiểu biết, thông cảm, thì sẽ có nhiều vấn đề được giải quyết một cách nhẹ nhàng.

Nhiều người nghĩ là vợ chồng rồi thì không cần cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, nghĩ gì nói nấy, mới là sống thật. Hay có những người khi bực tức khó chịu với người thân, thì lại nghĩ rằng họ phải tự đoán ra vấn đề của mình. Và cứ thế im lặng trong sự bực bội, tức giận. Cả hai điều đó đều hoàn toàn sai.

Những vấn đề của vợ chồng em, như em đưa ra, hầu như gia đình nào cũng có. Lời khuyên hợp lý của Hạnh Dung là hãy tìm mọi cách kết nối với chồng, làm sao để vợ chồng có thể trò chuyện được với nhau.

Các nhà tâm lý đã nói rằng không thể coi một đôi vợ chồng là hạnh phúc nếu một ngày họ không nói chuyện được với nhau ít nhất 30 phút. Những khoảng lặng quá lớn sẽ là môi trường ủ những bất hòa gia tăng. Vấn đề còn lại chỉ là nói chuyện với nhau như thế nào mà thôi.

Ai cũng từng có một thời yêu nhau, trò chuyện với nhau có khi thâu đêm suốt sáng mà không chán, có chuyện gì xảy ra trong ngày cũng muốn kể cho người kia nghe... Vì lúc đó họ muốn thể hiện tình cảm của mình. Cả hai khi đó hướng về một mục đích chung là tình yêu, là đám cưới, là cảm xúc của người kia... Lúc đó, mình thấy người kia quan trọng hơn cái "tôi" của mình.

Vậy thì bây giờ vợ chồng em có thể tìm lại được những lý do đó hay không? Gia đình là điều vô cùng quan trọng cơ mà? Yêu còn có thể chia tay dễ hơn là khi đã kết hôn chứ? Còn con cái, còn gia đình hai bên. Vậy tại sao mình không thể vì những điều đó mà dẹp bớt những cái "tôi" của mình, tìm một tiếng nói chung, nhường nhịn và nhẹ nhàng với nhau?

Hãy học cách tranh luận một cách ôn hòa. Thất bại trong các cuộc tranh cãi đa phần là do sự ích kỷ, hiếu thắng của một trong hai, hoặc là cả hai. Hãy thử đặt câu hỏi: Mình thắng anh ấy (hay cô ấy) thì mình sẽ được cái gì? Khi đó cả hai sẽ nhận ra sự phi lý của chuyện tranh giành hơn thua trong đối thoại gia đình.

Đừng để tiếp tục có khoảng lặng trong đời sống hôn nhân của mình. Những lo lắng, băn khoăn, mệt mỏi của em, chồng em phải được biết. Và em cũng cần biết những điều anh ấy muốn cho cuộc sống gia đình. Hy vọng chồng em cũng sẽ nhận ra điều anh ấy cần làm với em, hy vọng là anh ấy cũng đang muốn hạnh phúc thật sự.

Theo phụ nữ TPHCM