Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em năm nay gần 32 tuổi, đã có 1 trai 1 gái. Chúng em quen 7 năm, cưới nhau 5 năm. Lúc tụi em lấy nhau, ba mẹ em cũng có lời ngăn cản, vì gia đình vợ em phức tạp, sợ rằng đời em sẽ khổ.
Lúc đấy em cũng nhìn ra vấn đề, nhưng em nghĩ chúng em yêu thương nhau là được. Cô ấy cũng tốt, biết lo toan, sống có tình có nghĩa. Cả hai đều có học thức, có công việc ổn định. Thế là chúng em về chung một nhà.
Em và gia đình vợ sống chung nhà ở thành phố. Tiền nhà, chi phí sinh hoạt, tiền ăn học của các em vợ, đa phần vợ chồng em chi trả. Nhiều lần phát sinh ra nợ nần trước kia của ba mẹ vợ, vợ chồng em cũng phải gánh tiếp.
Công việc của gia đình cô ấy có nhiều vấn đề, quản lý không tốt, không rõ ràng. Em cũng chỉ dạy, khuyên bảo, nhưng đâu lại vào đấy. Tính tình, tư duy, cách sống của em và gia đình bên vợ cũng không tương đồng. Em hay nói với vợ, rằng vợ chồng đã lấy nhau rồi, thì hỗ trợ gia đình một thời gian thôi, giờ phải tách riêng ra. Cô ấy thích làm gì, em cũng luôn ủng hộ. Nhưng cả hai lại không có tiếng nói chung.
Em cảm thấy cô đơn trong chính gia đình của mình. Nhiều lúc thèm cơm vợ nấu, nhưng những bữa cơm ấy chắc đếm trên đầu ngón tay. Công việc kinh doanh của em cũng tốt, thỉnh thoảng em đi triển khai dự án ở các tỉnh thành, lúc vất vả, thèm được vợ hỏi thăm ân cần, nhưng cũng ít khi nhận được. Em dặn lòng thôi thì cô ấy cũng phải lo lắng đủ điều nên thông cảm cho cô ấy. Em tôn trọng, tin tưởng vợ, chuyện gì cũng đều bàn bạc trước với vợ.
Nhưng 2 năm trở lại đây, em thấy tính tình cô ấy thay đổi, hay suy tư, nóng giận vô cớ, đôi lúc giấu giếm em những việc không đáng. Sau em mới vỡ lẽ, cô ấy giấu em vay tiền đầu tư vào những khoản phi lý, gây thất thoát nghiêm trọng. Sau lưng chồng thì so sánh, nói xấu chồng đủ điều, nói chuyện với những người đàn ông khác còn nhiều hơn chồng.
Biến cố xảy ra nhưng gia đình cô ấy cũng không giúp được gì ngoài những lời khó nghe. Họ giành tiếp quản lại công việc rồi cũng phá nát tất cả. Em và gia đình em bị ảnh hưởng rất nhiều, tình cảm, tiền bạc để giải quyết vấn đề.
Bây giờ, em và cô ấy đã ly thân hơn 7 tháng. Mẹ em vẫn thương cô ấy, vì mẹ cho rằng bản tính cô ấy không xấu, chỉ vì phải lo toan nhiều quá nên mới sai lầm, mong tụi em cho nhau cơ hội vì con cái. Em thì vẫn còn tình cảm với cô ấy, thậm chí thương hơn là trách.
Nhưng vài hôm nay liên hệ với cô ấy, em thấy cô ấy không thay đổi gì cả, vẫn lối suy nghĩ ấy, vẫn vướng bận. Hỏi cô ấy muốn về lại với em không, cô ấy trả lời con cái có cha có mẹ thì tốt hơn.
Em khá buồn, mất niềm tin và cả sợ nữa. Em không muốn quay lại với nhau chỉ để làm tròn trách nhiệm, mà phải tôn trọng, yêu thương, lo lắng cho nhau, biết cái sai của mình ở đâu để hoàn thiện hơn. Hàn gắn là từ đôi bên chứ không phải từ một phía. Còn yêu thương thì hãy quay lại, hết yêu thương thì dứt khoát và tôn trọng lẫn nhau, cùng lo cho bản thân và con nhỏ.
Em cảm ơn chị đã lắng nghe, mong chị cho em lời khuyên lúc này. Cảm ơn chị!
Vĩ Thanh
|
Ảnh minh họa |
Em Vĩ Thanh thân mến,
Em xin Hạnh Dung lời khuyên, nhưng chính em đã tự trả lời được điều mình trăn trở rồi còn gì. Trên cơ sở của những suy nghĩ rất đúng đắn về sự hàn gắn gia đình, nhìn lại mối quan hệ vợ chồng, em thấy "khá buồn, mất niềm tin và cả sợ nữa".
Làm sao có thể quay lại sống cùng nhau khi em hoang mang, không tin tưởng, thậm chí sợ hãi? Khi em thấy rằng cô ấy không có gì thay đổi? Và dù em còn thương, thì em cũng hiểu rằng, một mình em có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể tạo nên một mái ấm thật sự.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất là còn tình thương yêu với nhau, không trách giận nhau, thì Hạnh Dung nghĩ vẫn còn nhiều cơ hội hàn gắn.
Câu nói của cô ấy: "con cái có cha có mẹ thì tốt hơn" khiến em suy nghĩ và băn khoăn. Nhưng Hạnh Dung nghĩ đó chỉ là một cách trả lời cho bớt... tự ái, bớt tỏ ra vồ vập muốn quay lại thôi, chứ điều quan trọng là cô ấy cũng muốn quay về, để có một gia đình trọn vẹn.
Tuy nhiên, đọc thư em, Hạnh Dung nhận ra một điều, rằng em nghĩ em còn thương, không trách cô ấy, và muốn tiếp tục cuộc sống gia đình, thế nhưng, em phê phán và chê trách cô ấy rất nhiều. Thậm chí, khi nói về gia đình cô ấy, em dùng từ "chỉ dạy", khiến Hạnh Dung nghĩ rằng, phải chăng mâu thuẫn, xung đột xảy ra, với những nguyên nhân không chỉ phát xuất từ phía cô ấy? Và đó cũng là điều khiến cô ấy dù mong muốn một gia đình đầm ấm vì con, thì vẫn không thể nào trả lời em một cách hào hứng như em mong chờ?
Cho nên, lời khuyên của Hạnh Dung dành cho em, không phải là những cách để em "chỉ dạy" vợ thay đổi, sống như em mong muốn, mà cả hai vợ chồng hãy cùng hướng tới một điều các em mong muốn: sống cùng nhau.
Với thiện ý tốt đẹp đó, các em sẽ có thể nhìn lại những vấn đề của gia đình mình một cách công bằng, thẳng thắn nói những điều cả hai cùng buồn, thất vọng... về nhau. Từ đó mới kết luận các em có thể cùng thay đổi để quay về bên nhau hay không.
Còn với suy nghĩ của em bây giờ, là chỉ vợ có lỗi, cô ấy phải thay đổi theo như em muốn, thậm chí cô ấy phải sẵn sàng thể hiện sự mong muốn, vui vẻ, hạnh phúc vì được đoàn tụ, thì Hạnh Dung thấy sẽ còn nhiều khó khăn lắm, em à.
Theo phụ nữ TPHCM