Tôi vào bệnh viện thăm bà ngoại. Bà nằm điều trị đã hơn hai tuần tôi mới được gặp. Do dịch dã nên hầu như không ai được phép thăm bệnh nhân, ngoại trừ một người thân túc trực chăm sóc. Má tôi và các cậu dì luân phiên thay nhau ở bên cạnh bà. Hôm nay đến lượt tôi được phép ở một đêm sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm tra sức khỏe.
Mấy ngày trước khó ngủ, thấm mệt, nên tối nay mới hơn 19 giờ ngoại đã ngủ sâu. Tôi ngồi cạnh giường ngoại vừa xem điện thoại vừa lắng nghe câu chuyện của những bệnh nhân nằm kế bên.
Qua sự đối đáp, tôi biết họ là vợ chồng. Thì ra những vết sưng tấy trên khuôn mặt cô vợ là vết nhiễm trùng do bị té xe. Một nữ bệnh nhân khác, trạc tuổi cô vợ, cũng đang lắng nghe như tôi. Cô buột miệng làm quen bằng cách tham gia câu chuyện: “Chị đi đứng làm sao mà té nặng quá vậy?”.
|
Ảnh minh họa |
Cô vợ cười cười rồi vội đưa hai tay giữ má vì chuyển động cơ mặt khiến cô bị đau. Anh chồng lặng im không nói gì. Đợi khi chồng ra khỏi phòng, cô vợ chớp ngay cơ hội, kể lể một tràng dài. Thì ra họ mới cưới được vài tháng, những vết thương kia không phải do tai nạn, mà do… người.
Trước khi cưới cô, anh đã sống vài năm với một phụ nữ khác. Họ sinh một bé gái. Do mâu thuẫn chồng chéo, gia đình nội ngoại của bé đều không muốn họ kết hôn. Nhiều việc không vui xảy ra. Cuối cùng anh dứt khoát đơn phương chia tay và lập gia đình mới.
Mẹ của bé không chấp nhận, cô cho rằng mình mới là vợ chính thức vì đã sinh con cho anh. Cô làm mọi cách để đánh phá hạnh phúc mới của anh.
Người vợ mới cũng không phải tay vừa. Biết mình danh chính ngôn thuận, cô tranh thủ sự ủng hộ của gia đình chồng rồi bêu rếu người cũ của anh, liên tục khiêu khích và bày ra những cái bẫy để tình địch sa vào cơn ghen.
Cô bàn với chồng cách giành quyền nuôi con, khiến mâu thuẫn ngày càng sâu. Bị dồn vào đường cùng, vợ cũ tìm đến tận nhà tình địch, lao vào đánh nhau một trận.
Vợ cũ - vợ mới, anh chồng không biết đứng về phe nào. Cuối cùng, anh trở thành phe thứ ba, bị chỉ trích bởi cả hai người phụ nữ. Trong lúc ẩu đả, mẹ đứa trẻ cào cấu, đánh đập vào mặt đối thủ. Cuộc hỗn loạn chưa kết thúc nếu không có hàng xóm can ngăn.
Vết cào bị nhiễm trùng ngày càng nặng, anh chồng phải đưa vợ đến bệnh viện. Bác sĩ nói tình trạng của cô là nguy hiểm và khó hồi phục mà không để lại các sẹo, vì vậy sẽ còn một quá trình điều trị thẩm mỹ lâu dài sau khi khỏe lại.
Cô tuyên bố sẽ đưa mẹ đứa trẻ ra tòa. Anh chồng chăm sóc vợ từng li từng tí để bù đắp, nhiều lần năn nỉ cô vì đứa trẻ mà bỏ qua mọi việc. Nắm chắc trái tim chồng, cô có vẻ nguôi ngoai.
Thật ra, cô nói cô không thể sinh con nên rất thương đứa bé. Cháu là cầu nối duy nhất khiến cô cảm thấy bản thân không phải không có lỗi. Nhưng cô không kiềm chế được, cô biết mình đã quá háo thắng.
Hai bệnh nhân nữ đang say sưa nói chuyện thì anh chồng trở lại phòng, mang theo phần cháo gà. Thấy dáng anh, họ lập tức im bặt.
Cô hỏi chồng mua gì, anh nói khe khẽ: “Của mẹ bé Nhi nấu đem vô thăm, bị bảo vệ chặn ở cửa không cho vào.” “Sợ làm thêm một trận ở đây chứ gì?” Cô liếc xéo chồng, anh phản ứng ngay: “Tầm bậy, người ta phòng ngừa, sợ dịch bệnh lây lan khó kiểm soát”.
Điện thoại của cô sáng lên. Cô nhìn chồng trìu mến, chuyển đề tài, giọng nhẹ nhàng hơn: “Chị có nhắn thăm em rồi, dặn ăn liền để cháo nguội”.
Đêm khuya trời lạnh, anh chồng nằm cong queo trên chiếc ghế xếp ở hành lang. Người đàn ông hiền lành này đã làm khổ hai người phụ nữ. Nhìn anh vừa đáng tội vừa đáng thương.
Theo phunuonline.com.vn