Kính gửi chị Hạnh Dung,
Tôi năm nay 43 tuổi, có vợ và 2 con nhỏ, gia đình nếu nhìn từ bên ngoài thì khá yên ấm. Tự nhận xét, tôi thấy mình hiền lành, không bao giờ muốn áp chế người khác hay cãi vã to tiếng. Chắc cũng vì vậy mà vợ tôi luôn là người quyết định trong mọi chuyện.
Công bằng mà nói, vợ tôi giỏi làm ăn, kinh tế gia đình đảm bảo, các con được học hành ở những môi trường tốt. Bên cạnh những ưu điểm, vợ tôi có tật xấu là coi thường gia đình chồng.
Gia đình tôi làm nông, nhưng không phải không có tiền. Ngôi nhà hiện tại, gia đình vợ cho đất, nhưng tiền xây nhà là do cha mẹ tôi hỗ trợ. Vợ tôi ít khi về thăm cha mẹ chồng. Mỗi lần ông bà lên thăm cháu, cô ấy lấy lý do bận công việc, giao khoán hết cả nhà cho tôi tự lo. Cô ấy đi về cũng chỉ hỏi thăm qua loa rồi vô phòng đóng cửa, bảo là bận làm việc tiếp.
Vợ tôi tự cho rằng cô ấy giỏi giao tiếp nên cha mẹ chồng sẽ không nhận ra suy nghĩ thật trong lòng cô ấy; những lần có việc cúng giỗ, lễ, tết, cô ấy mua quà, bỏ bao lì xì “nặng” và cho thế là đủ.
Nhưng tôi nghĩ cha mẹ tôi biết vợ không có tình cảm thật sự với bên chồng. Mấy lần mẹ tôi hỏi vợ bận việc gì mà không cùng về thăm gia đình chồng, tôi cũng tìm cớ trả lời cho suông. Còn nếu có vợ đi cùng, tôi lại thấp thỏm không yên, cứ sợ cha mẹ nhận ra thái độ coi thường của vợ rồi buồn lòng.
Tôi cảm thấy mình là một thằng đàn ông rất hèn khi không dạy bảo được vợ. Lâu dần, vợ chồng không cãi vã, nhưng cũng không nói chuyện với nhau nhiều nữa. Tôi thấy hạnh phúc cũng dần ra đi, sự trống rỗng giả tạo tràn ngập trong gia đình.
Tôi quen nhường nhịn vợ con, không muốn đối đầu với căng thẳng, xung đột; nhưng dạo gần đây tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi nên tiếp tục cuộc sống như vậy không?
Ngọc Đức (TPHCM)
Anh Ngọc Đức thân mến,
Ông bà có câu “Yêu ai yêu cả đường đi. Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”. Khi mối quan hệ của vợ với cha mẹ chồng có vấn đề, ta nên giải quyết chứ không nên nhắm mắt ngó lơ, vì mối quan hệ ấy cũng phản ánh bản chất của tình cảm vợ chồng.
Việc cho là “tôn trọng quan điểm riêng” hay lấy kỹ năng giao tiếp để che đậy không thể bền được. Các cụ là người từng trải, chắc chắn rồi sẽ nhận ra thôi. Các cụ chưa nói với anh có thể vì sợ anh buồn.
Giữa vợ chồng, không phải lúc nào tranh luận, xung đột cãi vã mới là cách để chấn chỉnh tình hình hay “dạy vợ”. Anh hoàn toàn có thể chọn những giải pháp hòa bình, nhẹ nhàng, phù hợp với tính cách của anh.
Ví dụ, anh hãy tìm cách hâm nóng lại tình cảm vợ chồng, rủ vợ cùng đi chơi xa, tách biệt khỏi guồng công việc của vợ. Hãy chia sẻ với cô ấy nỗi băn khoăn của anh về tương lai, khi mỗi người có vẻ đang đi dần xa nhau.
Anh tôn trọng và thể hiện tình yêu với vợ, với thế giới riêng của vợ; nhưng anh cũng nên thể hiện mong muốn được chia sẻ, đồng điệu với vợ.
Lưu ý một chút: vợ anh giỏi công việc, đôi khi anh cho rằng vợ có thể đảm nhiệm hết mà không cần đến mình, đó cũng là thiếu chia sẻ. Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu đi nữa, vẫn cần một bàn tay, một bờ vai, một hơi ấm. Sự gắn kết về thể xác sẽ thắt chặt hơn những gắn kết về tinh thần.
Nhận ra sự trống rỗng trong ngôi nhà mình, đó là do sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình đang lỏng lẻo, đứt đoạn. Anh cần củng cố lại mối dây gắn kết giữa vợ với chồng, giữa vợ chồng anh với con cái.
Bữa cơm chung, chuyến đi chơi cả nhà, ngày nghỉ cuối tuần, sinh nhật của vợ, sinh nhật của con, ngày cưới… là những sự kiện có thể lấp đầy khoảng trống trong nhà. Gia đình hòa hợp, gắn kết sẽ tạo nên sức thuyết phục mạnh mẽ để vợ anh thay đổi thái độ, củng cố tình cảm với cha mẹ chồng, với gia đình lớn của cả hai bên.
Việc này nên bắt đầu càng sớm càng tốt và cần nhiều kiên nhẫn, tinh tế - những điều phù hợp với tính cách của anh. Chúc anh thành công.
Theo phụ nữ TPHCM