Chị Hạnh Dung thân mến,

Mình vì các con nên đã chấp nhận tha thứ cho người vợ ngoại tình. Nhưng vợ mình không hề biết hối lỗi hay có ý thức bù đắp lỗi lầm. Cô ấy coi mọi chuyện như chưa từng xảy ra.

Mình rất đau lòng và chỉ muốn vợ mình tỏ vẻ ăn năn để mình có niềm tin quên hết mọi chuyện. Nhung cô ấy cứ dửng dưng làm mình không sao quên được chuyện cũ. Mình có cảm giác nếu mình quá nhu nhược, dễ tha thứ, thì người ta không trân trọng và sẽ dễ dàng tái diễn.

Mong chị Hạnh Dung giúp mình làm sao để thay đổi vợ mình? Mình không tha thiết hàn gắn, nhưng mình lại rất yêu thương các con, không muốn chúng lớn lên mà không có một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Bù lại, mình thiệt thòi quá.

Tuy vợ mình ngoại tình chưa vượt giới hạn, nhưng đây là lần ngoại tình thứ 2 rồi. Lần đầu họ tự kết thúc, mãi mình mới biết, còn lần này thì mình bắt được.

Nhưng lần này lại làm mình đau dữ dội, vì vợ nói yêu và không quên được người kia, vào đúng sinh nhật mình, rồi muốn tạm thời ly thân. Chỉ khi mình không đồng ý ly thân mà đòi ly hôn luôn, cô ấy mới sợ và hứa từ bỏ, nhưng với thái độ như chưa làm gì sai cả.

Sao các cô vợ tham lam vậy? Kiếm đâu ra một người vừa làm chồng, vừa làm cha, lại còn phải lãng mạn và nhiệt tình như người tình được? Mình chăm sóc các con, gia đình và cuộc sống của vợ, còn họ chỉ phải chăm sóc tình cảm của cô ấy, thì làm sao có để đặt lên bàn cân so sánh được?

Mong chị Hạnh Dung chỉ mình cách nào để được bình tâm mà chăm sóc các con trọn vẹn nhất.

Nguyễn Tùng Lâm

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Anh Tùng Lâm thân mến,

Anh nói anh chấp nhận tha thứ, nhưng nói thật là đọc thư anh, Hạnh Dung thấy trong lòng anh chưa hề có sự tha thứ nào. Lòng không muốn tha thứ, mà lại cứ bắt mình phải tha thứ, thì làm sao mà tha thứ được hả anh? 

Người ta nói rằng, tha thứ có nghĩa là bạn phải bỏ qua được cảm giác lép vế, thiệt thòi mà ai cũng phải gánh chịu khi bị người khác làm tổn thương. Là bỏ qua được cảm giác tức giận, hận thù người làm mình đau đớn. Là hướng mọi cảm xúc của mình vào chính con người mình, chứ không hướng về người làm mình đau. Là tự giải thoát cho mình khỏi những cảm xúc xấu, cho mình sự tự do.

Khi anh muốn tha thứ, anh sẽ không đòi hỏi người ta phải như thế nào để đáp ứng điều anh mong mỏi rồi anh mới chịu tha thứ. Mà là anh làm sạch tâm hồn mình. Có người đã dùng một hình ảnh mà Hạnh Dung thấy nó rất hay: Khi bạn tha thứ, là bạn rút con dao mà người kia đâm vào bạn.

Và như vậy, nó sẽ không có ý nghĩa như anh muốn: vợ anh phải tỏ ra ăn năn hối lỗi, phục thiện thì anh mới rút con dao ra, mà anh không cần quan tâm đến thái độ của cô ấy, chỉ quan tâm đến việc của mình: tự chữa lành vết thương trong lòng mình.

Khó quá phải không anh? Vì nó khó như thế, nên anh cần phải cân nhắc mình có làm được không? Trong lòng anh còn quá nhiều tức giận. Anh cũng nói rằng mình không muốn hàn gắn, còn vợ anh tuyên bố vẫn còn yêu, chưa thể quên được người kia, cả hai đều đang bước những bước đi ngược về phía nhau, thì có căn cứ nào cho sự miễn cưỡng của cả hai được đây? 

Còn khó hơn khi anh muốn thay đổi vợ, vì chuyện thay đổi người khác là chuyện đâu mấy dễ dàng? Người ta vẫn thường nói khi không thay đổi được người khác, thì mình hãy thay đổi chính mình, thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ của mình. Thậm chí, khi cần, người ta còn phải quyết định thay đổi chính mối quan hệ của mình với người đó: chấp nhận hay rời bỏ?

Theo phụ nữ TPHCM