Chị nấu cơm trong bếp, đứa con trai 5 tuổi líu lo hỏi đủ thứ chuyện. Vốn đang đau đầu chuyện cơ quan, cộng nỗi ấm ức chồng về muộn, chị mắng con té tát.
Vừa hay lúc đó anh về đến cửa, thấy con khóc, anh nhẹ nhàng hỏi: “Bo nghịch nên mẹ la hả? Lại đây ba ôm nào”. Anh cõng con lên vai đưa vào phòng. Thằng bé nín khóc, chị thở dài.
|
Dù đã về nhà nhưng chị vẫn ám ảnh chuyện công việc và đổ bực bội lên chồng con (Ảnh minh họa) |
Trong bữa cơm tối, khi anh vừa ăn vừa hỏi han 2 con chuyện ở trường thì chị cau có: “Ăn nhanh đi để còn dọn rửa, còn bao nhiêu là việc”. Anh nghe vậy ôn tồn trả lời: “Em bận thì để đó anh dọn cho”.
Chị buông đũa đứng dậy, thấy áy náy trong lòng, không biết đến bao giờ chị mới bỏ hết được áp lực công việc khi trở về nhà. Hơn 2 tháng nay, từ khi chuyển sang làm ở bộ phận mới của công ty, chị luôn trong trạng thái bất an lo lắng. Ngày trước, chị ao ước được đổi vị trí vì có thu nhập tốt hơn, nhưng bây giờ chị mới hiểu, cái gì cũng có cái giá của nó. Tuy lương tăng lên, nhưng công việc rất căng thẳng, trưởng phòng khó tính, khắt khe.
Ở bộ phận cũ, chị đã có vị trí cứng cáp, còn ở đây, chị là người mới, ai cũng có thể giao việc vặt cho chị khi cần. Chị rơi vào tình trạng về nhà rồi nhưng trong đầu óc chỉ nghĩ đến việc công ty. Một lời nói của đồng nghiệp cũng khiến chị mất ngủ.
Chị thấy hối hận, muốn xin trở lại chỗ cũ. Nhưng điều đó không dễ dàng, vả lại chị phải có thành tích tốt, mới được sếp cân nhắc chuyển bộ phận, bây giờ xin về lại thì hóa ra mấy năm phấn đấu thành công cốc. Vậy là bao nhiêu mệt mỏi ở công ty, chị mang hết về nhà, trút lên chồng và con.
Ban đầu, anh còn động viên vợ, nào là cứ hoàn thành tốt công việc được giao, đừng quá quan tâm chuyện bên ngoài, nào là phải chịu khó hòa đồng, rồi dần dần sẽ quen. Nhưng một thời gian trôi qua, chị vẫn cáu gắt, than thở, về nhà là đá thúng đụng nia, khiến anh chán nản.
Anh nói: “Anh sẽ lo hết chuyện con cái, việc nhà nhưng em đừng mang bực tức ở công ty về nhà nữa”. Chị nghĩ, chồng không hiểu và cảm thông cho mình. Chị bắt đầu suy diễn rằng anh làm lái xe, đâu biết đến áp lực hoàn thành chỉ tiêu khó như thế nào. Trong mắt chị, anh đi làm như đi chơi, chẳng mệt mỏi gì nên vợ chồng không thể thấu hiểu nhau.
Cho đến tối hôm đó, em họ của chị làm cùng cơ quan với anh nhắn tin hỏi han thì chị mới biết, chồng đang đối mặt với nguy cơ mất việc. Cô em kể, ban giám đốc đang sắp xếp để cắt giảm một lái xe và anh bị đưa vào tầm ngắm. Mấy tháng gần đây, anh làm việc không tập trung, có khi vượt đèn đỏ rồi bị phạt nguội, thậm chí đổ nhầm xăng vào xe chạy dầu. Em hỏi chị gia đình có chuyện gì không mà anh như thế, bởi trước đây anh rất chỉn chu, cần mẫn.
Chị chợt giật mình. Không thấy anh than thở gì, chị cứ nghĩ công việc của anh vẫn ổn. Nhìn thấy anh vui vẻ chơi đùa với con, chị nghĩ chắc anh phải kìm nén nhiều lắm.
|
|
Công việc chỉ là một phần của cuộc sống, điều quan trọng là gia đình luôn vui vẻ (Ảnh minh họa) |
Khi vợ hỏi han, anh cũng kể lại tình hình, nhưng với thái độ lạc quan.Anh nói: "Công việc chỉ là một phần của cuộc sống, làm gì miễn kiếm được tiền là ổn, sao cứ phải áp lực nặng nề. Nếu anh bị cắt giảm, anh sẽ tìm việc khác làm, hàng tháng đưa lương cho em. Em cũng vậy, đừng suốt ngày căng thẳng lại đổ bệnh ra đó thì khổ. Anh nghĩ, kiếm tiền ít một chút nhưng không khí gia đình vui vẻ sẽ tốt cho con hơn".
Nếu trước đây nghe anh nói thế, chị sẽ trách anh chỉ biết an phận, nhưng bây giờ chị thừa nhận anh đúng. Trong cuộc sống, phải biết cân bằng mọi thứ, đừng bao giờ mang áp lực công việc về nhà.
Theo phụ nữ TPHCM