“Có tiền không, bơm anh một ít”, đó là đoạn tin nhắn anh Minh thường gửi cho bạn bè trong gần 1 năm qua. Những người chơi lâu cùng anh mới hiểu người đàn ông 39 tuổi này đang "gồng lỗ" để chờ ngày sóng bất động sản lên giá.

Anh Minh thú nhận: “Chưa bao giờ tôi nghèo như vậy, trong tài khoản có khi chẳng đủ 100 ngàn mua gà rán cho 2 con”.

Vốn là người kinh doanh tự do, anh Minh đã trải qua nhiều nghề từ buôn bán xe hơi cũ tới hàng vật tư y tế. 6 năm trở lại đây, anh Minh chuyển sang kinh doanh bất động sản. Trúng lớn, anh phất lên nhanh chóng. Anh mua được nhiều lô đất ở Phú Quốc, Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang, Đắk Lắk. Từ tay trắng lập nghiệp, anh có tài sản tới hàng trăm tỉ, cả chục cuốn sổ đỏ lớn nhỏ, chưa kể tiền đầu tư chung với bạn bè.

Trong cơn say về đất cát, anh vay thêm ngân hàng mua thêm ở các địa phương như Vũng Tàu, Đồng Nai… để lướt sóng. Mọi thứ đang trong tính toán "tiền đẻ ra tiền" bỗng dưng... mất sóng. Hơn 1 năm nay, đất đai khắp nơi tuột giá cả, ế ẩm.

Anh Minh phải gồng lãi khoản nợ ở ngân hàng, mỗi tháng anh phải chạy vạy 200 triệu tiền lãi. Sinh hoạt phí cả nhà dựa vào lương từ cơ quan nhà nước của vợ không đủ. Các con đang học trường quốc tế không thể đưa về trường công lập.

Anh cầm cố chiếc xe hơi xịn đang đi được 800 triệu đồng, nhưng chỉ trang trải được một thời gian ngắn, và không có tiền chuộc xe.

Trong khi đó, các mảnh đất ở tỉnh của anh bán không được, cho thuê cũng không xong, cỏ mọc um tùm. Mảnh đất ở Đắk Lắk, cao điểm người ta trả 6 - 7 tỉ đồng anh Minh chưa bán. Đến nay, anh nhớ môi giới rao giúp 4 tỉ đồng cũng không có khách muốn mua.

Anh Minh bàn với vợ kêu gọi bạn bè đầu tư xây khách sạn cho thuê. Thời buổi suy thoái, người có tiền ngại đầu tư, ai cũng né khéo. Người trong gia đình anh đều đã kẹt đất, cả chục cuốn sổ đỏ đã gửi vào ngân hàng. Dự án khách sạn vậy là không thành.

Căn hộ shop-house ở Phú Quốc lúc cao điểm khách trả 25 tỉ đồng, anh Minh không bán và hiện tại được định giá chưa tới 10 tỉ. Người đàn ông này chọn “gồng lỗ”, quyết không bán rẻ.

Nợ vây tứ bề, mỗi sáng ngủ dậy anh Minh đã đầy áp lực vì không kiếm đâu ra tiền lãi trả ngân hàng. Thời gian đầu, anh nhắn tin bằng hữu còn giúp đỡ, nhưng gần đây bạn bè cũng né, hẹn hò uống ly cà phê đôi khi anh còn phải nhờ bạn thanh toán giùm.

Gần 2 năm nay, gia đình 4 người sống trong nợ nần mệt mỏi. Con đòi sắm, đòi ăn món đắt tiền, anh không biết trả lời chúng như thế nào, cuộc sống rơi vào bĩ cực.

Rất nhiều nhà đầu tư có đất trong tay nhưng sống khổ sở vì nợ nần (ảnh minh họa)
Rất nhiều nhà đầu tư có đất trong tay nhưng sống khổ sở vì ngập trong nợ nần (ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia bất động sản, sau các đợt sốt đất ở các điểm nóng như Phú Quốc, Phan Thiết, Bình Phước, Bảo Lộc, Di Linh..., không ít trường hợp người đã vỡ nợ vì lao theo cơn sóng đầu tư sốt đất ảo.

Hai có 2 yếu tố nhầm lẫn khi lướt sóng đất dẫn đến nợ nần, nguy cơ vỡ nợ là người đầu tư lầm giá đất sốt ảo như giá thật, tin vào đà tăng của thị trường. Thứ hai là họ vay nóng lãi suất cao để đầu tư, dùng đòn bẩy tài chính quá đà. Khi thị trường đứng chựng, họ vẫn phải trả lãi suất trong khi tương lai mịt mù.

Vợ anh Minh gần đây rất tích cực nghe đài đọc báo để phân tích thị trường cùng chồng. Chị nói, các chuyên gia đều khuyến nghị nhà đầu tư nếu chấp nhận ôm đất, cần chuẩn bị tâm lý phải chờ đợi ít nhất từ 6-12 tháng nữa mới có thể có thanh khoản trở lại. Nếu nền tảng tài chính không thể cầm cự thêm, nên chấp nhận bán bớt một phần. Chị tha thiết mong anh hãy vì vợ con mà bán rẻ một số lô đất, chấp nhận thua lỗ còn hơn chết đói.

Lần này thì anh Minh đành nghe vợ, anh tìm gặp từng người trong nhóm bạn thuyết phục và bàn tính cách cắt lỗ sao cho ít đau xót nhất. Rồi anh nhận ra, không chỉ nhà mình mà nhà khác cũng đang "ngập lụt trong nợ nần", các nhà đầu tư đều đang bị vợ ép bán bớt sổ đỏ...

Theo phụ nữ TPHCM