Là con gái lớn trong nhà đông chị em, chị tháo vát từ bé. Lớn lên, chị có nghề nghiệp ổn định, kết hôn với anh chồng vui tính, lo được cho các em nhỏ.
Sự năng động, lúc nào cũng nhanh tay nhanh chân đem lại cho chị không ít cơ hội trong sự nghiệp. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, chị biến mình trở thành trụ cột trong nhà, lúc nào cũng càm ràm anh chồng lóng nga lóng ngóng.
Ai tới nhà chơi cũng phải thừa nhận chị là nữ tướng, là “nóc nhà” xịn. Việc gì chị cũng biết làm, từ nấu nướng, chăm con đến mấy việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông như sửa quạt, nối dây điện, lát lại cái khoảng sân trước nhà.
Chồng chị là công tử bột… chính hiệu. Từ nhỏ tới lớn, anh sống ở đất Sài Gòn, nhìn con gián anh còn sợ. Nhiều lần chị bóng gió với chồng rằng nhà này thiếu anh thì không sao, chứ thiếu chị thì chắc không ổn quá 3 ngày.
Cũng có khoảng thời gian, chị rèn cho anh làm thứ này thứ kia, nhưng chỉ được một hai bữa là chị lại... ngứa mắt. Cứ thế, chị hay cằn nhằn vì anh vụng về, còn anh thì hay lảng tránh mỗi lần thấy vợ bắt đầu sửa sang cái gì đó.
|
|
Anh rất hay nịnh nọt mỗi lần lỡ làm vợ không vừa ý - Ảnh minh họa |
Thế nhưng cuộc sống đúng là không lường trước được chuyện gì. Hồi tháng 5, anh có chuyến công tác ở Đà Nẵng, đùng một cái dịch bệnh bùng phát. Anh mắc kẹt lại, không thể về TPHCM.
Vì lo lắng, anh gọi cho vợ thông báo tình hình, còn sợ chị buồn, sợ nhà cửa thiếu vắng đàn ông. Chị khi ấy còn tỉnh queo trêu anh: “Trời, anh cứ lo xa, trước giờ vẫn là em xử hết mà”.
Ai mà ngờ, từ bữa anh kẹt lại đến nay đã 4 tháng. Chị bắt đầu nhận ra sự thiếu vắng chồng là... nghiêm trọng. Anh vẫn đều đều gọi về, chụp cho chị coi vài thứ linh tinh, nói chuyện với các con và đôi lúc mắt đượm buồn vì xa và vì nhớ. Chị ở nhà, vẫn chu toàn tất cả, nhưng sao thấy thiếu thiếu lạ kỳ. Là những lời anh trêu chọc mỗi lúc chị làu bàu, là anh ngồi kế bên phụ chị lau chùi cái quạt, là những hôm khó ngủ, anh nhẫn nại bóp vai…
Đúng là chồng chị chẳng giỏi việc nhà, nấu ăn cũng chẳng ngon, sửa điện máy không rành. Nhiều người nói tại chị cứ giành hết tự làm, tự cực. Nhưng mấy ai biết rằng, anh khéo quá chừng mỗi khi chơi với con, mỗi lúc vợ mệt mỏi, mỗi lần hai vợ chồng xích mích, anh đều lấy sự vui vẻ của mình mà xoa dịu căng thẳng hôn nhân.
Mấy hôm nay, anh hay gửi cho chị hình mấy món anh tự nấu. Cũng may ở đó anh có người quen cho thuê nhà tạm. Thế là anh tập tành bày biện, bởi ăn ngoài mãi cũng chán. Hôm thì anh gửi đĩa trứng chiên khét nhẹ một góc, hôm thì anh làm cá kho chẳng có tí màu đường nào. Vậy mà anh tự tin hứa rằng hết dịch, trở lại TPHCM anh sẽ nấu một bữa thật ngon mời cả nhà.
Có đêm đã khuya, anh nhắn cho chị, nói rằng vì ở xa vợ xa con mà anh mới biết trân trọng những việc vợ làm, mới hiểu rằng người tháo vát luôn tay luôn chân rất mệt. Chị đọc mà cảm động, bản thân chị cũng vì xa anh mà nhớ những lúc anh lóng ngóng, vụng về, nhớ cả những lần anh làm sai, rối rít xin lỗi, nịnh nọt vợ.
|
|
Chị nhận ra vai trò quan trọng của chồng trong tổ ấm - Ảnh minh họa |
Nếu không có 4 tháng xa cách này, có lẽ chị vẫn sẽ càm ràm anh với bạn bè, đồng nghiệp về anh. Chị nhớ nhiều lần chị đã than vãn với họ rằng chị như đàn ông trong nhà, có anh cũng vậy, mà không có anh thì mọi thứ cũng chẳng suy chuyển gì.
Bây giờ chị mới hiểu, dù vụng về thì anh cũng là bạn đời của chị, anh cũng đang cố gắng cải thiện mình, lấy điểm mạnh bù điểm yếu. Như mấy đêm nay con sốt, lúc chuẩn bị đi ngủ cứ đòi gọi cho ba, nửa đêm con cũng tỉnh dậy, ôm lấy chị mà hỏi khi nào ba về? Chị chợt nhận ra mình đã phóng đại vai trò của mình.
Kỳ thực, anh luôn là một mảnh ghép quan trọng không thể thiếu. Vậy mà trước kia chị không nhận ra, cứ nặng nhẹ bóng gió anh, cứ tưởng mình giỏi giang, tháo vát là ghê lắm.
Chị tự nhủ, khi anh về sẽ san sẻ việc nhà với anh, sẽ kiên nhẫn làm mọi thứ cùng anh. Và tất nhiên, chị sẽ trân trọng mọi khoảnh khắc các thành viên trong nhà ở bên nhau - như trước kia chưa từng có dịch.
Theo phunuonline.com.vn