Chào chị Hạnh Dung!

Em năm nay 46 tuổi, vợ em 36 tuổi. Vợ chồng em có hai con, một đứa lớp 6, một đứa lớp 2.

4 tháng nay, tụi em sống ly thân, lý do vợ đưa ra là do em làm tổn thương cô ấy quá nhiều. Cô ấy đã phải chịu đựng em từ lúc cưới đến giờ. Qua tết, cô ấy sẽ nộp đơn ra tòa. Trong thời gian này, vợ chồng mỗi người ở một nơi.

Em cũng có đến xin lỗi để cô ấy quay về với gia đình, nhưng không được. Gia đình hai bên cũng khuyên bảo, nhưng không kết quả. Cô ấy nói em có về cũng không thể sống hạnh phúc với anh được, nhìn anh, em thấy khó thở...

Em rất muốn cô ấy suy nghĩ lại, nên đã cố gắng thay đổi bản thân từng ngày, nhưng cô ấy lại nói anh sẽ không bao giờ thay đổi được. Bây giờ em nhắn tin, cô ấy không trả lời, gọi cũng không nghe máy.

Xin chị cho em lời khuyên. Hai đứa con đang ở với em, và cô ấy vẫn gọi cho con qua số máy của em. Nhưng em mà xin nói chuyện thì cô ấy cúp máy.

Trần Thế Đức Toàn

leftcenterrightdel
 

Bạn Trần Thế Đức Toàn thân mến,

Hạnh Dung biết khuyên bạn thế nào, khi bạn không hề nói rõ những mâu thuẫn của hai vợ chồng dẫn đến đổ vỡ hôm nay. Bạn đã làm gì khiến vợ bị tổn thương sâu sắc đến mức cô ấy sẵn sàng rời đi sớm, dù chưa thể mang con theo ngay được? Và khi bạn xin lỗi cô ấy là xin lỗi về điều gì, bạn có thật sự nhận ra lỗi của mình không, hay chỉ xin lỗi để mong níu kéo cô ấy quay trở lại?

Điều quan trọng bây giờ là bạn làm sao cho cô ấy tin vào sự thay đổi của bạn, tin vào sự ân hận của bạn, và tin rằng có thể bắt đầu lại từ đầu một cuộc sống mới - cuộc sống mà trong đó cô ấy được trân trọng, yêu thương và quên đi những tổn thương của mình.

Để cô ấy tin được điều đó và cho anh một cơ hội, anh không thể nói suông được, mà phải có những hành động cụ thể. Tiếc là Hạnh Dung không thể khuyên anh một cách chi tiết phải làm gì, bởi Hạnh Dung không phải là người trong nhà để rõ ràng mọi việc.

Tuy nhiên, Hạnh Dung nghĩ nếu anh yêu thương cô ấy và thật sự muốn hàn gắn gia đình, thì anh phải hiểu được những điều khiến cô ấy sợ hãi đến thế khi ở gần anh. Và biết rằng mình phải sửa chữa điều gì.

Có thể giờ đây cô ấy không muốn nghe anh thề thốt hứa hẹn nữa, và cũng không cho anh cơ hội chứng minh, thì hãy làm sao "gửi gắm" điều anh đã và đang làm tốt hơn cho cô ấy qua các con, qua người thân. Biết đâu cô ấy sẽ "động lòng" khi thấy sự gắn bó của những người cô ấy yêu thương với người mà cô ấy không còn muốn ở cạnh.

Còn nước, còn tát, hãy cố gắng hết sức mình. Bằng như nếu không thể thuyết phục được cô ấy, thì anh hãy điềm tĩnh chuẩn bị tinh thần cho việc cô ấy đưa đơn ly hôn ra tòa.

Thái độ hợp tác, hiểu chuyện và sẵn sàng chấp nhận giải quyết sự việc theo cách tốt nhất cho cô ấy và các con, cũng là một cách chứng minh cô ấy sẽ không bị tổn thương nữa, nếu cho anh một cơ hội.

Ngay cả khi việc ly hôn đã được giải quyết, thì vẫn không phải là không còn cơ hội nào cho việc hàn gắn, níu kéo. Bởi vì các con anh vẫn là một cầu nối tốt đẹp của hai người, khi anh có thể làm cho cô ấy hiểu rằng anh là người cha tốt nhất của các con, và là người đàn ông luôn quan tâm và trân trọng cô ấy.

Chỉ có điều, phụ nữ ghét nhất là sự quỵ lụy, van xin, đeo bám... của một người mà mình đã không còn chút tình cảm nào. Nên anh hãy cân nhắc mọi hành động của mình. Làm sao cho cô ấy thấy ở anh một người đàn ông dù đau buồn, tiếc nuối, nhưng vẫn mạnh mẽ, bản lĩnh. Biết đâu, vào những phút cuối cùng, cô ấy nhìn thấy ở anh những điều mà cô ấy mong chờ.

Theo phụ nữ TPHCM