Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi kiếm tiền rất nhiều, vợ không đi làm. Gia đình tôi cũng gọi là khá giả, sống ở penthouse. Việc nhà thì tôi cũng làm nốt. Ngày nào tôi cũng tự dọn dẹp nhà sạch sẽ gọn gàng mà không thuê giúp việc. Con cái cũng một tay tôi lo. Vợ hay bệnh tật cũng chính tôi chăm sóc, đưa đi đón về. Từng chi tiết nhỏ của vợ tôi đều để ý và âm thầm làm giúp, vì cô ấy tính rất hay lộn xộn. Tôi lại không rượu chè, cờ bạc, gái gú gì.

Nhưng rồi sau tất cả, điều tôi nhận lại được là vợ tôi ngoại tình với lý do chồng không biết tâm sự sẻ chia. Phản bội chồng, bị chồng phát hiện thì cô còn trách ngược lại, không có một chút biểu hiện nào là hối lỗi.

Từ khi cưới về 10 năm nay, tôi không được động vào người vợ, lý do là "ăn nói cộc cằn nên bị ám ảnh". Rồi cô ấy cặp với người khác từ lúc sinh con xong, đến nay cũng được 7-8 năm.

Nhân tình của cô ấy cũng có vợ con rồi, cũng lén lút nên đâu thể chăm sóc cô ấy lúc ốm đau. Bao nhiêu khó chịu, đau ốm, áp lực tiền bạc thì tôi chịu; còn bao nhiêu tình cảm, vui vẻ thì nhân tình hưởng. Cái nhân danh “cảm xúc” đó, nó cao đẹp hơn tất cả giá trị khác hay sao?

Mong chị cho tôi câu trả lời vì thực sự tôi thấy nó quá khó hiểu?

P/S: Tôi cộc cằn không biết ăn nói xuôi tai, tôi nhận. Nói lý lẽ mà người khác không chịu hiểu theo logic thì tôi cáu, nhưng không bao giờ động chân động tay. Rồi sau tôi tập nhịn. Nói gì tôi thấy không đúng thì tôi im lặng, cô ấy lại trách là khinh vợ, không nói chuyện.

Tuấn Anh

leftcenterrightdel
 

Anh Tuấn Anh thân mến,

Hạnh Dung thấy anh rất tự tin, rằng mình hoàn toàn không có lỗi, mình đã kiếm ra tiền nhiều, cho vợ con một cuộc sống vật chất đầy đủ, mình có chia sẻ việc nhà với vợ, chăm sóc vợ khi cô ấy ốm đau...

Nói tóm lại, Hạnh Dung không biết những điều anh nói về mình có hoàn toàn chính xác hay không (vì đương nhiên ai cũng sẽ chỉ nhìn thấy mình tốt và đúng). Nếu sự thật là vậy, thì Hạnh Dung thừa nhận anh đã làm rất tốt trách nhiệm của một người chồng.

Thế nhưng, chính anh cũng thừa nhận mình cộc cằn, không biết ăn nói xuôi tai, khi cáu kỉnh, bực bội thì sẽ im lặng, không nói chuyện. Lại cũng từ nguyên tắc "nói về mình bao giờ cũng nhẹ đi", Hạnh Dung nghĩ có lẽ anh cũng hơi ỷ y mình đã làm tốt mọi việc, và vì thế trong cách cư xử với vợ, anh cũng có nhiều điều khiến cô ấy không thể hạnh phúc, vui vẻ, thậm chí còn tủi thân, đau khổ, vì nghĩ mình không làm ra tiền, nên bị chồng khinh.

Từ những phân tích này, Hạnh Dung xin làm người đứng giữa để nhìn nhận mọi việc thật khách quan, giúp anh giải quyết được vấn đề của gia đình.

Người ta luôn có khuynh hướng muốn có được những điều mà người ta thiếu thốn, mong cầu. Vợ anh cũng vậy thôi. Cô ấy không thiếu thốn vật chất, vì đời sống kinh tế đã có anh lo. Nhưng cô ấy thiếu thốn sự chia sẻ, trò chuyện, thông cảm của anh. Cô ấy cô đơn một mình trong căn penthouse của anh. Và vì thế, cô ấy hướng về phía mang đến cho cô ấy những cảm giác ấm áp, được quan tâm, chăm sóc, ngọt ngào.

Trong khi hướng tới những gì mình mong có được, cô ấy quên đi những gì cô ấy đang có đủ, thậm chí là thừa từ người chồng mà cô ấy nghĩ là rất cộc cằn, gia trưởng, và coi thường cô ấy. Người ta thường có khuynh hướng đó mà anh: quên đi cái mình đang có, mà mơ cái mình chưa có.

Cô ấy thậm chí mất lý trí, sáng suốt, để hiểu rằng cái sự ngọt ngào chăm sóc kia rất có thể chỉ là chuyện chót lưỡi đầu môi của một người đàn ông cũng đang thừa mứa vật chất, nhưng thiếu đi sự ngọt ngào tinh thần. Và anh ta cũng chỉ đang chơi một trò chơi tình ái vui vẻ, để có thêm những điều mình thiếu mà thôi.

Là người đứng giữa, Hạnh Dung phân tích chuyện ngoại tình của vợ anh như vậy, nhằm chỉ ra một điều: cả anh và cô ấy đều có những sai lầm của mình trong cách suy nghĩ, nhận định, mong ước. Cả hai đều chỉ nhìn thấy những thiệt thòi của mình, và cùng trách móc, đổ lỗi cho nhau.

Căn cứ vào cách kể chuyện của anh, vào những "đôi co" của hai vợ chồng về tình huống hiện tại, Hạnh Dung nghĩ rằng, ngay cả sự gọi là "ngoại tình" của vợ anh, cũng không phải là trầm trọng. Có thể chỉ là cách anh nói quá lên những hành động "ngoại tình tư tưởng" của những người phụ nữ có thời gian cho những cuộc chat chit trên mạng mà thôi. 

Vậy thì điều anh và vợ nên làm lúc này không phải là cân đong xem ai có lỗi hơn ai, ai phải nhận lỗi như một tội đồ, ai được quyền lớn tiếng, cao giọng... mà là cùng nhau nhìn lại, giải quyết cho hết những mâu thuẫn, những điều người này làm tổn thương người kia, và hàn gắn lại những chỗ rạn nứt.

Để làm được như vậy, cả hai phải hiểu cho tâm lý của người kia, sự yếu đuối của người kia và cả những sai lầm, ảo tưởng của mình. Trò chuyện bình tĩnh, và nếu có cân đong, thì là cân đong xem giữa hai người còn bao nhiêu tình cảm, nghĩa gắn bó, để có thể giữ lại cho mình, cho con cái một gia đình êm ấm.

Theo phụ nữ TPHCM