Chị Hạnh Dung thân mến,

Sống chung 4 năm có 1 con, nhưng vì người cũ nghiện ma túy nên vợ em chia tay. Lòng cô ấy lo lắng cho người cũ nhiều lắm. Mẹ chồng cũ vẫn gọi bằng mẹ. Nghe chồng cũ bị công an bắt, cô lo lắng ra mặt, lén em chở mẹ chồng cũ đi thăm. Li dị 1 năm thì về với em. Tụi em kết hôn được 3 tháng. Xin hỏi chị Hạnh Dung nên làm như nào ạ? Xin cảm ơn chị.

Minh Khôi

 

Em Minh Khôi thân mến,

Có hai lý do mà em có thể nghĩ tới trong việc vợ em rất hay lo lắng cho chồng cũ. Đầu tiên, có thể chắc chắn một điều: cô ấy là người sống có tình có nghĩa, có trước có sau, nên việc chồng cũ nghiện ngập và bị bắt sẽ khiến cô ấy bận lòng. Những người sống bằng tình nghĩa như vậy, thì không chỉ chồng cũ hay vợ cũ, mà kể cả chỉ là bạn bè cũ, người quen cũ có việc gì xảy ra, họ cũng sẽ bận tâm và tìm cách giúp đỡ.

Trong trường hợp này, người đang có chuyện không chỉ là một mối quen biết đơn thuần, mà còn là bố của con cô ấy. Đây là một lý do thật ra rất dễ hiểu và đơn giản, mà nhiều người lại không thể chấp nhận khi rơi vào tình cảnh như em. Tương lai của anh ta thế nào, sẽ ảnh hưởng không ít đến con chung của cô ấy, ít ra là về mặt tinh thần. Và đó là một lý do khiến cô ấy còn quan tâm đến cuộc sống của anh ta.

Việc cô ấy còn gọi mẹ chồng cũ là mẹ cũng không có gì đáng phải bận tâm. Có rất nhiều phụ nữ hay đàn ông sau ly hôn vẫn gọi bố mẹ người cũ là bố mẹ. Bởi thứ nhất, họ đã từng coi họ là bố mẹ thật của mình, và mối quan hệ đó không hề thay đổi kể cả khi họ đã ly hôn. Những người coi trọng tình nghĩa sẽ luôn cư xử như vậy, chứ không phải vừa quay lưng, chia tay là đổi giọng.

Mối quan hệ của vợ em với mẹ chồng cũ có lẽ từng rất tốt, họ chung một nỗi lo, và dù bây giờ cô ấy đã ly hôn, nhưng vẫn đồng cảm với mẹ chồng cũ, nên cô ấy đưa mẹ chồng cũ đi thăm con trai vì lo lắng cho bà, thương bà, điều đó cũng dễ hiểu.

Cũng không loại trừ trường hợp vợ em vẫn còn chút tình cảm với chồng cũ. Nhưng điều đó không có nghĩa là cô ấy sẽ quay lại hay làm gì đó phản bội em. Bởi cô ấy dù có thương anh ta cách mấy, cũng đã chọn con đường dứt khoát chia tay, để mình và con mình có cuộc sống tốt hơn. 

Cuộc sống tốt hơn đó chính là em. Cô ấy yêu em, chọn em và cần em, mong nhận được từ em những điều tốt đẹp. Và nếu em thật lòng yêu thương cô ấy, thì hãy cố gắng mang đến cho cô ấy những điều cô ấy mong chờ.

Tất nhiên, Hạnh Dung hiểu tâm trạng của em. Nó có thể vừa là lo lắng, vừa buồn, vừa khó chịu, bực bội... Và em hoàn toàn đúng chứ không có gì sai. Tuy nhiên, cũng mong rằng em hiểu cho cô ấy, thông cảm và chia sẻ với cô ấy những lý do khiến cô ấy xử sự như vậy. Cũng là thương cho đứa con của cô ấy, chấp nhận phần nào lý do mà cô ấy hành động như vậy.

Tuy nhiên, em cũng hoàn toàn có quyền thể hiện cho cô ấy hiểu cảm xúc của em, để cô ấy nhận ra chừng mực mà mình cần phải giữ, để không làm em tổn thương và nghi ngờ, để hạnh phúc mới của em và cô ấy không bị ám ảnh và tối màu vì mối quan hệ cũ, mà cô ấy không thể dứt khoát hoàn toàn được.

Hãy cho cô ấy biết rằng em hoàn toàn hiểu cô ấy và thông cảm với những nỗi lo lắng của cô ấy, thậm chí chấp nhận phần nào những gì cô ấy làm với lý do giúp mẹ chồng cũ an tâm, và giúp chính bản thân cô ấy an lòng.

Nhưng tốt hơn hết, là cô ấy cần phải tin tưởng vào em, chia sẻ với em, thậm chí hỏi ý kiến em, để em thấy mình được tôn trọng. Quan trọng hơn cả là cô ấy phải làm sao để em có được lòng tin vào cô ấy, vào tình cảm của cô ấy với em, với cuộc hôn nhân này.

Hãy hết sức điềm đạm, bình tĩnh, tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với cô ấy. Hãy giúp cô ấy nhận ra mình nên ưu tiên cho điều gì, cho ai nhiều hơn. Giúp cô ấy hiểu rằng điều gì mới đang là cuộc sống thật sự của cô ấy, và có những cách xử sự cân bằng những lo lắng, quan tâm của mình, để nó đừng ảnh hưởng đến mối quan hệ với chồng mình hiện tại.

Theo phụ nữ TPHCM