Khái niệm ly thân được hiểu một cách đơn giản là hai vợ chồng sống chung hoặc sống riêng nhưng không có quan hệ vợ chồng. Nếu sau quá trình ly thân, cuộc hôn nhân không thể cứu vãn, sẽ tiến hành thủ tục ly hôn. Nhiều người cho rằng nếu cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và không muốn tiếp tục sống cùng, tuy nhiên chưa đến mức phải ly hôn thì có thể ly thân, vì ly thân không cần thực hiện bất cứ thủ tục nào. Tôi không nghĩ như vậy.
Về lý thuyết, đôi khi việc ly thân lại là một quyết định để hai bên có khoảng thời gian để suy nghĩ lại khắc phục sai lầm, ăn năn hối cải, sửa đổi tính tình, để trong khoảng thời gian đó có thể quyết định tiếp tục sống với nhau hay quyết định ly hôn. Nhưng thực tế thường chẳng như mong muốn.
Bạn tôi làm ở tòa án, nơi giải quyết các trường hợp ly hôn nói thẳng rằng 95% các cặp có ly thân đều sẽ ly hôn. 5% còn lại không ly hôn không phải đã hòa giải với nhau, mà là chấp nhận dừng lại ở thỏa thuận thuận tình ly hôn do không thể giải quyết được những vướng mắc về con cái, tài sản…
Có những người không ly hôn vì không muốn gia đình đôi bên biết, không muốn con cái xấu hổ hoặc đang làm trong lĩnh vực mà nghề nghiệp/danh dự/chức vụ không thể để vết sẹo ly hôn, sẽ ảnh hưởng đến con đường thăng tiến. Gần như không có trường hợp nào sau khoảng thời gian ly thân lại có thể hàn gắn trở lại.
|
Một vết cắt tuy đau nhưng sẽ qua nhanh. Còn một về cứa kéo dài ngày này tháng nọ sẽ để lại vết thương nham nhở, khó lành. (Ảnh minh họa) |
Chứng kiến nhiều bạn bè kết hôn rồi ly thân, ly hôn, tôi đều thấy rằng ly hôn là giai đoạn hành hạ, chà đạp, bào mòn cảm xúc và tình cảm đôi bên một cách kinh khủng.
Những tháng ngày ly thân, đôi bên mạnh ai nấy sống, mỗi người chật vật tìm cách chối bỏ sự quan trọng của đối phương, hay đơn giản để cố thích nghi với cuộc sống một mình. Nó chẳng khác gì một cuộc thi gan. Nếu như trước khi ly thân, những tật xấu, những lỗi lầm đôi khi chỉ xảy ra một cách vô ý thì ở giai đoạn ly thân, nó đã thực sự xảy ra một cách có điều kiện. Kiểu như “tôi thế đấy, rồi sao?”.
Còn nếu cặp nào không tuyên chiến thẳng thừng thì sẽ là kiểu chiến tranh lạnh. Chỉ nói những chuyện cần thiết phải giải quyết, còn lại thì im. Ai ở phòng nấy, ai ngủ giường nấy, càng tránh mặt nhau được chừng nào càng tốt chừng ấy. Tôi chưa hề thấy có cặp đôi nào cố gắng hàn gắn mối quan hệ trong giai đoạn này.
Vậy thì, có phải chăng ly thân chỉ phù hợp cho những trường hợp bất khả kháng ly hôn? Vậy thì, ly thân để làm gì khi chắc chắn sẽ ly hôn?
Thông thường, thử việc là giai đoạn chuyển tiếp để tiến đến nhân viên vị trí nhân viên chính thức, phó phòng là giai đoạn chuyển tiếp để lên trường phòng; phó giáo sư là giai đoạn chuyển tiếp lên giáo sư… những giai đoạn chuyển tiếp thường là bước đệm chuẩn bị để tiến đến những bước ngoặt cao hơn, tốt đẹp hơn, tích cực hơn, tươi sáng hơn. Còn ly thân thì không phải vậy. Nó là giai đoạn “giảm tốc” để rồi hoàn toàn chấm dứt một mối quan hệ. Một vết cắt tuy đau nhưng sẽ qua nhanh. Còn một về cứa kéo dài ngày này tháng nọ sẽ để lại vết thương nham nhở khó lành. Tôi nghĩ như vậy.
Vài năm trước, luật giao thông ra quy định mới là sẽ phạt nếu phương tiện không dừng khi có tín hiệu đèn vàng. Nhiều người có ý kiến sao không chuyển thẳng qua đèn đỏ luôn mà còn phải cần đến đèn vàng trong khi đèn vàng hay đèn đổ đều có ý nghĩa như nhau là dừng lại.
Thói quen của tôi là khi thấy đèn xanh chỉ còn 5 giây là sẽ giảm tốc và dừng lại mà không cần đến tín hiệu đèn vàng. Có lẽ trong hôn nhân, tôi cũng sẽ như thế, sẽ không cần đến giai đoạn ly thân một khi đã nhận thấy không thể chung sống. Để còn giữ cho nhau những điều tốt đẹp. Còn hơn là phơi bày hết những xấu xí trong giai đoạn ly thân giãy chết.
Theo phụ nữ TPHCM