Nhìn nhận nỗi đau
Các bậc cha mẹ ở Anh đã trải qua khoảnh khắc chia ly do sảy thai sớm trong thai kỳ giờ đây có thể nộp đơn để xác nhận sự mất mát, bất kể việc nỗi đau của họ đã trôi qua bao lâu. Chính phủ Anh đã công bố vào đầu tháng Mười rằng sẽ mở rộng chương trình chứng nhận mất con, vốn được triển khai vào tháng 2/2024. Giờ đây, bất kỳ cha mẹ nào mất con trước 24 tuần thai hoặc 28 tuần vào giai đoạn trước tháng 10/1992 đều có thể nộp đơn xin chứng nhận. Các chứng nhận này không mang tính pháp lý. Chúng chỉ là những tài liệu chính thức công nhận tác động của việc mất con sớm trong thai kỳ đối với cha mẹ. Bộ trưởng Y tế Anh Wes Streeting nhận định, việc mất con trong thời kỳ mang thai “có thể vô cùng đau khổ”. Ông nói: “Tôi rất vui vì giờ đây chúng ta có thể đảm bảo rằng mọi bậc cha mẹ đều đủ điều kiện nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận mất con, bất kể thời gian”.
|
|
Sự đồng cảm và hỗ trợ từ xã hội giúp cha mẹ sớm vượt qua nỗi đau mất con khi chúng còn trong bụng mẹ - Nguồn ảnh minh họa: Shutterstock |
Bên cạnh đó, Luật Lao động của Anh cũng lưu ý: nếu mất con sau 24 tuần đầu tiên của thai kỳ, người mẹ vẫn có thể được nghỉ thai sản theo luật định và hưởng lương lên đến 52 tuần, trong khi người cha có thể được nghỉ thai sản và hưởng lương 2 tuần. Ngoài ra, cả cha và mẹ đều được hưởng 2 tuần nghỉ phép tang sự sau khi kỳ nghỉ thai sản của họ kết thúc. Người sử dụng lao động được yêu cầu lưu ý đến việc sử dụng ngôn ngữ tinh tế, phù hợp trong các chính sách nội bộ áp dụng cho tình huống này và nên tạo điều kiện nhân viên bày tỏ nguyện vọng của mình khi thảo luận về việc nghỉ phép.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và can thiệp sức khỏe gia đình có trụ sở tại Quebec, Canada, mỗi năm, xứ sở lá phong ghi nhận gần 100.000 gia đình mất con trong thai kỳ hoặc trong vòng 6 tuần sau khi sinh.
Vào ngày 15/10 hằng năm, Désirée McGraw và gia đình thường đến thăm mộ của cô con gái chết lưu Catherine. Năm 2024, chuyến đi thường niên của bà đã trở thành sự kiện, được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền tỉnh. Là một nghị viên của vùng Quebec, dự luật do bà McGraw đề xuất nhằm chính thức công nhận Ngày nâng cao nhận thức về mất mát khi mang thai và sau sinh - 15/10 đã được thông qua vào tháng Hai với sự ủng hộ 100%. Bà cho biết: “Hầu hết mọi người đều biết tôi là một bà mẹ của 3 cậu con trai khỏe mạnh, năng động. Tôi rất biết ơn vì điều đó, nhưng tôi cũng là mẹ của 1 cô con gái. Đối với nhiều gia đình phải trải qua nỗi đau mất con, họ thường tự trách bản thân. Tôi nghĩ trong trường hợp của tôi và đối với những người phụ nữ đã trải qua mất mát trong chính cơ thể mình, điều đó rất khó để vượt qua. Vì vậy, việc công nhận ngày kỷ niệm và tăng cường những chính sách hỗ trợ gia đình là điều rất quan trọng trong quá trình giúp các bậc cha mẹ vơi bớt nỗi đau”.
San sẻ để vượt qua
Ashley Lieser ở Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ) thường xuyên đan khăn đắp trẻ em và tặng cho bạn bè trước đây. Giờ thì những chiếc khăn do Ashley đan còn được trao cho những người phải rời khỏi bệnh viện trong hoàn cảnh giống như cô từng trải qua: đau buồn và trống rỗng vì mất con. Người phụ nữ chia sẻ: “Tôi dồn tất cả tình yêu vào những chiếc khăn đan.
Quá trình sáng tạo thực sự là liều thuốc tốt cho nỗi đau”. Trong một lần siêu âm vào tuần thai thứ 14, Ashley phát hiện bào thai trong cô đã ngừng phát triển. Ashley nhớ lại: “Cả thế giới của tôi như sụp đổ”. Để đối phó với nỗi đau của chính mình, cô quyết định giúp đỡ những phụ nữ khác đang trải qua hoàn cảnh tương tự. Những chiếc khăn của Ashley được các y tá phân phát cho các thai phụ vừa mất con. Điều dưỡng viên chăm sóc tiền sản Jenny Burgers kể: “Khi tôi mang những chiếc khăn đến cho bệnh nhân, tôi nói rằng đây là tấm lòng của Ashley, cô ấy muốn bạn biết rằng bạn được bao quanh bởi tình yêu thương và cô ấy không muốn bạn cảm thấy cô đơn”.
Kết quả một số nghiên cứu cho thấy nhờ được thăm khám và tư vấn y tế, khoảng 10 - 20% thai phụ đã biết việc sảy thai sẽ xảy ra trước tuần thứ 20. Ashley bộc bạch: “Tôi không thể tự mình sửa chữa nhưng ít nhất tôi có thể mang lại sự thoải mái và ấm áp cho những phụ nữ đang trải qua nỗi đau này ngày hôm nay”.
Theo phụ nữ TPHCM