“Yêu bản thân vừa thôi” là câu nói tôi hay nghe gần đây. Mỗi thế hệ có mỗi “khẩu lệnh” khác nhau thì phải.
Trong khi thế hệ các anh chị tôi nhìn đâu cũng thấy đói nghèo, không có cái ăn, tính tiết kiệm ăn sâu vào máu, đến khi có tiền vẫn chẳng thay đổi thói quen chi tiêu, chi xài đồng nào cho bản thân cũng ngập ngừng, so đo, rồi cuối cùng là cất để dành.
|
|
Có đồng lớn đồng nhỏ nào cũng chỉ muốn cất để dành (ảnh minh họa) |
Khi người ta qua châu Á, châu Âu du lịch rồi, các anh chị tôi có người còn chưa một lần bước lên máy bay. Tôi nhớ, hồi cháu trai yêu một cô gái ở Sa Pa, mối tình đầu của đôi trẻ chỉ có tiếng nói trái tim, nhưng đến khi người lớn tham gia vào thì hoàn toàn là lý trí. Chị gái tôi than ngắn thở dài rằng sao không lấy vợ gần, hay xa lắm thì cũng là ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ cho thuận tiện đi lại, chứ lấy xa vậy, riêng việc đi máy bay qua lại dạm hỏi thôi cũng đã mất đống tiền.
Đó là nhìn gần, chứ nhìn xa hơn là đám cưới, mình không tới họ thì họ cũng tới mình, đều tốn kém như nhau. Xa nữa là sau này lễ tết đưa con cái về bên ngoại. Chưa kể những lúc cha mẹ vợ già cả, ốm đau chẳng lẽ chỉ ở nhà gọi điện.
Chị kết lại bằng quyết định không cho cưới. Quyết định của chị có lẽ chỉ đau lòng đôi trẻ không đến được với nhau, còn bao nhiêu người thở phào. Người lớn cũng có cái nhìn khác, quen nhau, kết hôn chẳng phải cứ yêu nhau thôi là được. Về chung sống mới thấy tình yêu chỉ chiếm một phần không lớn, “tuổi thọ” của hôn nhân phụ thuộc vào hàng trăm thứ khác, trong đó nhiều nhất là kinh tế. Điều này, có lẽ chính cháu trai cũng dần nhận ra sau khi va vào đời sống hôn nhân với ngồn ngộn thứ liên quan cơm áo gạo tiền.
Trở lại chuyện tiết kiệm, mỗi lần đi du lịch cùng gia đình lớn, đám cháu của tôi lại ngao ngán nhìn người lớn chuẩn bị nào thùng to thùng nhỏ, toàn thức ăn. Có khi thức ăn gần đủ cho chuyến đi. Từ bữa sáng, trưa, tối đều có những món chuẩn bị sẵn để yên tâm no bụng mà không phải lấn cấn đến những hóa đơn ngất ngưởng con số.
Mà thật, thứ gì bên ngoài gian bếp nhà mình đều đắt đỏ. Các chị tôi lại đều là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, nắm rất rõ giá cả thực phẩm và những thứ liên quan. Lại hay có tính ước lượng: bằng đó tiền có thể mua được bao nhiêu ký thịt heo, thịt gà, trong khi tô hủ tiếu giá hơn năm chục ngàn mà tủn mủn vài miếng thịt cắt lát mỏng nhất có thể. Cứ nhìn vuông thịt nằm gọn trong lòng bàn tay của người đứng bếp, cho ra bao nhiêu tô hủ tiếu mà miếng thịt chẳng vơi đi bao nhiêu là đủ biết...
Thành ra, đám cháu ngán ngẩm vì đi chơi mà chẳng biết địa phương đó có món gì ngon, đặc sản là gì. Những đứa cháu thuộc thế hệ gen Z đều không thể hiểu được tại sao cha mẹ chúng phải sống khổ như vậy, trong khi gia đình cũng không đến nỗi khó khăn. Chẳng bù cho cách xài tiền của tụi trẻ.
|
|
Chi tiêu hợp lý vẫn là bài học cho mọi thế hệ (ảnh minh họa) |
Thảo nào trên hầu hết trang mạng xã hội, đám cháu đều không kết bạn với người nhà. Lý do tôi được biết là không muốn nghe cha mẹ hay cô dì chú bác phàn nàn chuyện tiêu xài hưởng thụ. Cháu nói, mình làm ra thì mình có quyền hưởng thụ, miễn đừng vay nợ gì. Đã không đi ăn hàng quán thì thôi, đi thì phải chọn nhà hàng sang trọng để người ta phục vụ mình. Nơi đó còn phải có view đẹp, món ăn không cần đầy ắp cho no bụng mà phải được trang trí bắt mắt thì mới là đẳng cấp.
Nói về lối sống hưởng thụ của giới trẻ ngày nay, tôi nghe được cuộc trò chuyện của một chuyên viên tâm lý. Chị ấy nhận định: “Yêu bản thân là quá tốt. Vì có yêu bản thân mới biết yêu thương người khác. Nhưng đối với thời nay thì phải có thêm vế sau: yêu bản thân vừa thôi, để còn yêu người khác”.
Tôi đồng tình với cách nghĩ này. Mọi thứ cần phải có chừng mực, sống hưởng thụ đến mức ích kỷ chỉ biết đến bản thân thì không nên, hoặc tiết kiệm quá mức như thế hệ trước chỉ khổ bản thân mình. Cả những đứa con thừa hưởng tài sản của cha mẹ tích góp để lại ấy, niềm vui cũng chẳng trọn vẹn khi trong tâm thức luôn trỗi dậy những hình ảnh từ lối sống tằn tiện của cha mẹ.
Theo phụ nữ TPHCM