Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Tháng Tám mang cái nắng nhẹ nhàng len lỏi qua những đám mây, thời tiết đã thôi bỏng rát. Ngồi bên thềm giếng, dưới giàn chè dây sum suê bóng mát, những mẩu chuyện của tôi và mẹ liên miên không đầu không cuối.
Sẻ chia, kể lể những thứ vụn vặt thôi, thế mà mẹ con tôi có thể kéo chuyện dài hết ngày này qua tháng khác. Tạm gác những nhọc nhằn cơm áo, về lại mái nhà thân thuộc là được trở về nơi trú ngụ an toàn nhất.
Nơi đây, tôi nhìn cuộc đời mình rộng lượng bằng đôi mắt của mẹ tôi. Đôi mắt rặt một màu xanh ngô lúa và bầu trời. Mấy năm gần đây, đôi mắt ấy đã không còn tinh tường như trước, nhưng lúc nào cũng thế, luôn ăm ắp niềm thương.
Tôi chưa bao giờ được cha mẹ tổ chức sinh nhật, cũng chẳng lần nào nhận được phần thưởng khi mang về chiếc giấy khen học sinh giỏi như cô bạn hàng xóm.
Nhiều lần cũng muốn so bì, đòi hỏi, nhưng nghĩ đến cảnh mẹ bó gối ngồi bên bếp lửa với nồi ngô bung sôi lục bục mỗi mùa bão về, vẻ mặt hoang mang nhìn con suối trước nhà cuồn cuộn nước đổ, thì tôi lại kìm lòng không dám.
Mưa như thể đất trời đang trút giận, đường ngập nước, nhão nhoét bùn lầy. Mẹ trao cho chúng tôi tấm áo mưa tận dụng từ mảnh ni-lông lót bên trong những bao phân bón hóa học đã được ngâm giũ sạch sẽ. Cứ thế, mấy chị em lụi cụi dắt díu nhau đi học.
Khói bếp luồn qua mái tranh ướt sũng rồi tan ra không dấu vết. Đôi mắt mẹ đăm đắm trông bầy con đang phụng phịu với món ngô bung trộn muối, nghe mưa gió quật xác xơ cây lá, bà nuốt nỗi lo toan vào sâu trong ngực.
Quanh năm, người đàn bà quê - là mẹ tôi, thân thể vương mùi cây cỏ, rạ rơm, mùi bùn non, mùi củi mục… Đôi bàn tay xương xẩu nổi hằn gân xanh, ngón tay cuộn vào những sợi chỉ, vá áo cho cha, vá những đôi dép nhựa rách mép cho chị em tôi, vá những chiếc bao xác rắn, thấp thỏm đợi mùa.
Suốt mùa gặt bà chỉ mặc chiếc áo bộ đội phai màu mưa nắng, cứ tranh thủ nghỉ trưa giặt vội ở mương rồi vắt ngang lều rơm nơi bờ ruộng, chỉ cần ăn xong bữa cơm “dã chiến” thì áo đã khô. Đôi dép cả ngày nằm im lìm một góc, chỉ đến khi mâm cơm cuối chiều dọn lên, tôi mới thấy mẹ luồn dưới chân mình.
Những khi tất bật với mùa màng, tối muộn mẹ vẫn chân trần sảy lúa. Tiếng gà gáy sáng báo hiệu một ngày chật cứng lo toan, chưa bao giờ tôi thấy mẹ trì hoãn việc thức dậy. Nghèo khó bủa vây khiến mẹ tôi phải kiên cường, mạnh mẽ như một chiếc máy.
Nhiều năm, bữa ăn của mẹ đơn giản, quen thuộc là dưa cà, cá kho để nhiều ngày, đậu phụ chưng tương hạt, canh rau hái trong vườn đôi khi có muối mà thiếu bột ngọt… Mẹ tôi sẽ chẳng thể tin, rằng ở đâu đó trong bàn tiệc hàng chục món ngon, lại có người uể oải gẩy đũa, chê bai.
Cả đời mẹ không biết về những mùi hương quyến rũ của nước hoa Latino, Paris EDP, Carnival…; không phân biệt được thời trang công sở, vintage, váy maxi…; dẫu chỉ là mơ cũng không dám nghĩ về những món trang sức đắt tiền.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng và bất nhẫn, thế giới của mẹ khác biệt và cũng thật đặc biệt. Mùi mồ hôi ấy đã ấp ôm để tôi quen hơi mà không giật mình mỗi đêm.
Đôi bàn tay gân guốc đã không ngừng bươn bải để chúng tôi có những vốc gạo trắng ăn thay ngô bung, thoát khỏi nỗi ám ảnh cơm độn khoai sắn. Những bữa ăn thiếu thốn đã dạy chúng tôi bài học về sự cố gắng, nỗ lực thế nào…
Đã có lúc trong hành trình tuổi trẻ, tôi từng ước giá như mình có một thân phận, một gia cảnh khác. Đó là khi tôi lần đầu ra phố thi học đại học, một mình xoay xở tìm địa điểm thi, tìm nơi ở trọ, đong đếm từng đồng mua cơm.
Là khi phải tự lo toan tiền sinh hoạt và học phí, tôi chạy đua với học hành, làm thêm sáng tối, mỗi ngày chỉ được ngủ chưa đầy năm tiếng. Khi công việc áp lực, yêu thương trắc trở, tôi không thể giãi bày với mẹ hay bất cứ ai trong gia đình.
Ảnh minh họa
Cái cảm giác tủi thân, đơn độc và thua thiệt cứ thế cuốn tôi đi. Tham lam, vô tâm, có những ước mong tôi xây đắp trong nhiều năm, yêu thương, hờn giận, vứt bỏ, níu giữ… Cứ mê mải rong chơi cùng một vài người không xứng đáng, đến khi tỉnh mộng thì mọi thứ đã tuột khỏi tay mình không còn dấu vết.
Những cơn sốt nửa đêm, những chiều mưa rát mặt nơi đất lạ. Cô đơn, rệu rã, vô thức tôi gọi “mẹ ơi”. Từ lúc chạm mặt nỗi đau cho đến khi kiệt cùng chịu đựng, khi tưởng như mình sắp đánh rơi mình… tôi tìm về với mẹ, về dưới mái nhà rêu phong chất chồng kỷ niệm này.
Mẹ vẫn dịu dàng ngồi đó, trước hiên nhà, đã và sẽ tiếp tục gom giữ tất cả những thiệt thòi, khó nhọc để chúng tôi vững vàng sống, đi và yêu theo cách của riêng mình.
Chuông chùa vọng từng nhịp thảnh thơi, mùi nhang trầm phảng phất cho người ta cảm giác bình lặng và vô ưu. Sư cô tuổi độ chừng mười lăm, mười sáu cài lên ngực áo tôi bông hồng màu đỏ và mỉm cười.
Thêm một mùa Vu lan tôi còn có mẹ trên đời. Đặt tay lên ngực áo, tôi nói lời cảm tạ đất trời. Tôi tin rằng hạnh phúc sẽ chẳng tồn tại định nghĩa chung nào, cho bất kỳ ai cả.
Hạnh phúc với tôi, ngay lúc này, không phải ở những thứ bao năm ngược xuôi tìm kiếm, là tiền tài, địa vị, danh tiếng… Hạnh phúc là hôm nay, ngực áo tôi được cài bông hồng màu đỏ.
Theo phunuonline