Tên gọi A Lý Sơn được cho là bắt nguồn từ “Alit”, một từ trong ngôn ngữ của một số bộ tộc thổ dân Đài Loan, có nghĩa là “Núi Tổ”.

Những ca từ đầy mời gọi trong bài hát “Cô gái A Lý Sơn” nổi tiếng xứ Đài khiến chúng tôi quyết đến chốn này. Anh Vương, một người dân bản địa từng nhiều lần sang Việt Nam, khuyên chúng tôi nên đi tàu hỏa thay vì đi bằng đường bộ. Bởi theo anh, đó là con đường thuận tiện và cũng thú vị nhất để lên tới tận đỉnh núi.

Tầu lên A Lý Sơn

Tuyến đường sắt được người Nhật khởi công xây dựng vào năm 1899 nhằm vận chuyển gỗ xuống núi. Năm 1912, đoạn đường có chiều dài 66,6km chạy từ TP Chiayi (Gia Nghĩa) đến thị trấn Erwanping ở lưng chừng núi. Đến năm 1914, chiều dài đoạn đường được kéo dài thêm 5km, lên đến tận đỉnh núi. Tuyến đường sắt từ độ cao ban đầu chỉ 30m so với mực nước biển, dần lên đến độ cao 2.216m, vượt qua 47 đường hầm, 72 cây cầu.

Từ Chiayi, đoạn đường sắt khá bằng phẳng với chiều dài 14,2km, trước khi leo lên độ cao 200m với chiều dài 5km, uốn lượn quanh ngọn đồi Mt. Duli. Từ trạm Oingjena, con tàu leo lên núi qua những đoạn đường quanh co khúc khuỷu, như muốn thử thách sự can đảm của con người. Con tàu băng giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh rờn, rậm rạp, toàn những thông, bách, tuyết tùng ngàn năm tuổi. Buổi chiều tà, khu rừng chìm trong vẻ đẹp huyền bí. Không gian hẹp dần theo bóng nắng mờ khuất sau dãy núi. Những làn sương khói mỏng manh bay là là ngay bên khung kính cửa sổ con tàu. Bầu trời ngả sang màu xanh sẫm… Hình ảnh đoàn tàu màu đỏ thẫm chạy giữa rừng hoa anh đào hồng phớt bạt ngàn trong mùa xuân là một biểu tượng nổi tiếng của A Lý Sơn.

Mất khoảng 3 giờ 15 phút cho chuyến hành trình lên đỉnh núi A Lý Sơn, cũng là hành trình trải qua nhiều vùng khí hậu: Ở phía dưới là vùng cận nhiệt đới, nhưng từ lưng chừng núi trở lên như bước vào vùng ôn đới, với cái lạnh ngọt ngào…

Chúng tôi tỉnh giấc từ khá sớm. Bên ngoài cửa sổ khách sạn là mênh mông sương khói, mây mù. Những đám mây trắng đặc quánh bay là là xung quanh. Xa xa, những đỉnh núi xanh ngắt như hòn đảo nhỏ nhô lên giữa biển mây, tạo nên khung cảnh thần tiên hiếm thấy. Bình minh đang ló rạng trên đỉnh núi, những tia nắng đầu tiên từ cánh rừng phía xa ùa về xóa tan màn đêm, xuyên qua làn mây và sương vẽ nên những vệt sáng thẳng tắp trên nền xanh mướt của rừng núi. Nơi trời và đất gần nhau như thế này, vẻ huy hoàng của vầng thái dương quả vô cùng lộng lẫy!

Một lát sau, màn mây thưa dần, hiện ra những đồi chè bạt ngàn trải rộng giữa rừng thông cao vút. Ngay dưới triền đồi là những con đường lát gỗ thơ mộng, thỉnh thoảng lại có vài cây cầu gỗ nhỏ duyên dáng bắc qua lạch nước trong veo.

Chúng tôi rảo bước trên con đường luồn lách giữa cánh rừng thông, rồi lạc bước vào khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cối hình thù kỳ quái, dẫn dắt trí tưởng tượng đến với những câu chuyện cổ tích. Mới hiểu vì sao A Lý Sơn được coi là “vương quốc” của những cây đại thụ, mà người dân địa phương gọi là “cây thần”. Không quá khó để có thể tìm thấy những cây có tuổi thọ lên đến 700-800 năm, một số cây đã sống 1.500 năm, thậm chí cây già nhất tới 3.000 năm tuổi!

Đầm Tỷ Muội

Mải mê với tiếng chim kêu vượn hú, tiếng suối róc rách xa gần, bước chân vô thức đưa chúng tôi đến bên 2 hồ nước nhỏ xinh đẹp có tên Đầm Tỷ Muội. Chuyện xưa kể rằng, có 2 chị em là người của một bộ tộc trên vùng núi A Lý, đã tự nguyện trầm mình xuống hồ để tìm cách cứu bộ tộc của mình khỏi sự xâm lăng của các bộ tộc khác. Sau khi 2 chị em chết đi, kẻ thù đến gây chiến đi ngang đây thì nước tự dâng lên chặn đường, làm cho chúng không thể đi tiếp được. Từ đó, hễ vào mùa đông, nước trong hồ rút xuống khá thấp, còn trong suốt mùa hè thì lại dâng lên rất cao, như minh chứng cho câu chuyện cũ.

Sống giữa khung cảnh gần gũi với thiên nhiên nên người dân bản địa ở đây rất ôn hòa và thân thiện. Phần lớn cư dân ở đây là thổ dân, tổ tiên họ đã có mặt trên các triền núi A Lý từ hàng nghìn năm trước. Ban ngày, họ tỏa về các sườn núi hái chè. Đây chính là quê hương của loại trà Cao Sơn nổi danh khắp thế giới. Đêm đêm, họ tập trung lại thành từng nhóm nhảy múa, hát ca, tái hiện lại cuộc sống cổ xưa, mặc dù “làng” của họ giờ đây đã trở thành một thị tứ xinh xắn, cuộc sống hiện đại với siêu thị 24/24 Seven-Eleven, cửa hàng McDonald’s. Những ngôi nhà gỗ lợp mái ngói nâu ấm áp, hầu hết các nhà đều có xe hơi và kết nối thông tin với khắp thế giới… Đây cũng là nơi đầu tiên ở Đài Loan có những khu resort được xây dựng trên triền núi cheo leo.

Chúng tôi dừng chân bên một quán ăn nhỏ. Cô chủ quán xinh đẹp trong bộ trang phục dân tộc mang những món đặc sản địa phương ra đãi khách: Ngoài trà sấy khô, còn có món tre ngâm dấm (như các loại dưa cải ngâm của người Việt), patê wasabi và mấy loại thảo dược. Nhấm nháp tre ngâm dấm, nhấp hớp rượu cao lương nóng bừng ngạt ngào hương, đủ chếnh choáng để cảm nhận vẻ đẹp huyền hoặc như chốn bồng lai tiên cảnh lãng đãng xung quanh. Rồi chợt ngỡ ngàng khi ánh mắt chạm vào sắc hồng phớt nhẹ của những rặng anh đào đang nở rộ phía xa xa. Tưởng như chốn đào nguyên hiển hiện ở nơi hạ giới!

Thông tin cho bạn

A Lý Sơn là một hương (xã) của huyện Gia Nghĩa, Đài Loan (Trung Quốc). Tổng diện tích của A Lý Sơn là 427,8471km², dân số khoảng 7.000 người.

Để đến A Lý Sơn từ Việt Nam, trước hết bạn phải xin visa tại Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc ở Hà Nội hoặc TPHCM, lệ phí 50 USD/người. Sau đó, bạn có thể mua vé máy bay từ Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ tới Cao Hùng, Đài Trung hoặc Đài Bắc. Giá vé từ TPHCM đi Đài Loan từ 4,4 triệu đồng; từ Hà Nội đi Đài Loan từ 4,2 triệu đồng.

Nhiều khách sạn và công ty lữ hành ở Đài Trung có tổ chức tour thưởng ngoạn cảnh đẹp A Lý Sơn. Thời điểm khởi hành từ Đài Trung đến Gia Nghĩa tốt nhất là vào buổi chiều, để nửa đêm có thể đi tàu lên đỉnh núi và kịp đón bình minh.

Theo Thế giới Phụ nữ