Bagan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới
Cập nhật lúc 23:10, Chủ nhật, 07/07/2019 (GMT+7)
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc vừa đã công nhận cố đô của Myanmar là Bagan là Di sản thế giới sau gần 25 năm quần thể chùa tháp này được đề cử vào danh sách.
Bagan điểm đến được nhiều người yêu thích chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới - Ảnh: REUTERS
Quyết định công nhận này rất quan trọng đối với Bagan, một thành phố cổ với 3.500 chùa tháp, đền đài và các công trình khác được xây dựng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13 và có thể sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho ngành du lịch Myanmar.
UNESCO công nhận Bagan của Myanmar là Di sản thế giới trong cuộc họp diễn ra ở Baku, Azerbaijan từ ngày 30-6 đến ngày 10-7 thảo luận về 43 đề cử cho nhiều hạng mục.
Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế đề nghị công nhận Bagan và ghi nhận các nỗ lực của Myanmar trong việc bảo vệ di sản như thông qua luật di sản mới, có kế hoạch để giảm tác động của các khách sạn và sự phát triển du lịch xung quanh các ngôi đền cổ, phục hồi một số can thiệp nhằm bảo tồn nhưng không phù hợp ở Bagan. Hội đồng khẳng định Bagan có vai trò lịch sử quan trọng và sẽ tiếp tục là nơi tôn vinh Phật pháp.
Nhiều trận động đất mà gần nhất là trận động đất mạnh 6,8 độ năm 2016 đã phá hủy gần 200 ngôi đền ở Bagan. Nhà ngoại giao Kyaw Zeya đại diện Myanmar tại Baku cho biết "Bagan là một di tích sống, đã trải qua rất nhiều thách thức trong hơn 1000 năm và sẽ tiếp tục tồn tại thêm 1.000 năm nữa".
Theo Tuổi Trẻ