Các vụ trộm cắp ở châu Âu nhằm vào du khách đặc biệt là người nước ngoài không còn là điều hiếm gặp. Theo thống kê từ The Global Economy năm 2016, các nước châu Âu chiếm tới 6 suất trong top 10 nơi có tỷ lệ trộm cắp lớn nhất thế giới tính trên 100.000 người.
Tháng 10/2018, chuyên trang du lịch nổi tiếng Trip Savvy thậm chí dành nguyên bài viết nói về những thành phố ở châu Âu - nơi nạn móc túi được "nâng tầm nghệ thuật".
Tại đó có những "cao thủ" trà trộn vào những điểm du lịch hút khách, hay xuất hiện tại các phương tiện giao thông công cộng. Và 3 thành phố được chỉ "đích danh" gồm Rome (Italy), Barcelona (Tây Ban Nha) và Prague (Cộng hòa Séc).
Thời gian gần đây, việc bị mất trộm ở "trời Tây" và kinh nghiệm tránh không bị trở thành "con mồi" của đối tượng móc túi đang trở thành chủ đề được thảo luận nhiều trên các diễn đàn du lịch.
Nhiều "dân du lịch" đã chia sẻ lại câu chuyện của mình với đủ tình huống "dở khóc dở cười". Và Lý Phương Thanh, cô gái sinh năm 2000 đến từ Long An, cũng có kỷ niệm thú vị không kém.
Ở tuổi 22 nhưng cô gái trẻ đã có kinh nghiệm đặt chân tới hàng chục quốc gia trên thế giới nhờ giành học bổng chính phủ. Tranh thủ thời gian rảnh giữa các kỳ, cô "thưởng" cho bản thân bằng những chuyến đi. Có dịp tới Barcelona, một trong những thành phố lớn ở Tây Ban Nha vào tháng 3/2022, cô đã có một kỷ niệm khó quên.
"Khi qua trạm tàu điện ngầm, tôi chuẩn bị quẹt vé để vào cổng an ninh. Lúc đó, một người đứng trước chỉ tôi cách quẹt nhằm đánh lạc hướng người phía sau đi cùng. Rất nhanh, kẻ đứng sau kịp móc túi bên phải có điện thoại. Kẻ gian chỉ kịp nhấc điện thoại ra khỏi túi được vài cm thì tôi phát hiện ra nên chúng đành bỏ lại", cô kể.
Lúc bị kẻ trộm "nhòm ngó" đồ cá nhân, cô gái 22 tuổi vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. Tại đây luôn có hệ thống an ninh giám sát và cảnh sát tuần tra. Nhưng vì chỉ đi một mình và cũng đã tối muộn nên cô vội vã đi luôn, không có ý định trình báo. Tuy nhiên, khi chỉ đi được vài bước, các cảnh sát tới, chặn đường cô với thái độ khá cương quyết.
Cách đó không xa, một số người khác mặc thường phục, có thể là cảnh sát cải trang, chặn hai tên kẻ gian lại. Điều này khiến Thanh rất bất ngờ. Cô cho rằng việc mình vừa suýt bị móc trộm rất bình thường. Dù sao, món đồ cá nhân vẫn còn nguyên và không ảnh hưởng tới tính mạng.
Thời điểm bị cảnh sát yêu cầu dừng lại, ban đầu họ trao đổi với cô bằng tiếng Tây Ban Nha. Do thấy cảnh sát mặc thường phục nên cô còn nhầm tưởng đây là "đồng bọn" của kẻ gian cố tình dàn cảnh để trộm cướp thêm. Khi đó, cô mới bắt đầu thấy run và sợ hãi.
Nhưng sau đó, cô kịp lấy lại bình tĩnh và hỏi lại bằng tiếng Anh xem chuyện gì xảy ra. Thấy vậy, các cảnh sát đã lấy thẻ ngành cho cô xem và trao đổi bằng những từ tiếng Anh cơ bản nhất giúp hai bên hiểu nhau hơn.
Theo giải thích từ nhóm cảnh sát, họ quan sát thấy hai tên kẻ gian định ăn trộm đồ và muốn cô ký vào biên bản để buộc tội. Dù cho rằng "tiếng Anh của cảnh sát Tây Ban Nha khá tệ", nhưng cuối cùng, hai bên cùng hiểu về đối phương. Sau đó, các nhân viên trạm tàu điện ngầm cũng chạy tới hỗ trợ, khiến cô thấy tin tưởng hơn.
Sau khi Thanh ký vào các biên bản, cô được cảnh sát thông báo sẽ nhận tài liệu về phiên tòa xét xử qua email. Ngoài ra, các cảnh sát còn nhắc nhở cô nên thận trọng với các món đồ cá nhân có giá trị như ví tiền, thẻ ngân hàng, điện thoại, cần bỏ vào balo, đeo trước ngực. Nhờ google dịch bằng điện thoại, cô được cảnh sát tiết lộ thêm thông tin, có thể nhóm tội phạm này sẽ bị phạt tiền và nhận 3 tháng tù giam.
Thanh nhận thấy đây là "kỷ niệm rất dễ thương" khi ở Barcelona, bởi từ đầu cô nhầm tưởng "nhóm người là đồng bọn của kẻ trộm", nhưng rốt cuộc lại là "cảnh sát hóa trang".
Từng có kinh nghiệm đặt chân tới hàng chục quốc gia trên thế giới, khi đứng trước tình huống bị mất trộm, cô thường im lặng mà cho qua bởi khả năng lấy lại đồ và bắt được kẻ gian rất thấp, nhưng tại "thành phố nguy hiểm như Barcelona", mọi chuyện lại diễn ra ngoài sức tưởng tượng của cô.
Theo dantri.com.vn