Bộ tộc Bajau sống chủ yếu trên vùng biển ở Philippines, Malaysia và Indonesia, dành phần lớn thời gian để lặn bắt cá, cầu gai, hải sâm và các loại thực phẩm khác. Cuộc sống cả nghìn năm lênh đênh trên biển của họ đã thu hút nhiều sự chú ý của các nhà khoa học trên thế giới. Ảnh: Matthieu Paley/NatGeo.

 

Hầu như con người chỉ có thể nín thở dưới nước trong vòng vài giây tới vài phút. Tuy nhiên, người Bajau có thể lặn rất sâu, duy trì dưới nước tới 13 phút và ở độ sâu khoảng 60 m. Họ có thể lặn để bắt hải sản,  tìm kiếm những nguyên liệu tự nhiên để làm đồ thủ công. 

Trên hình là Dido, một người Bajau trẻ tuổi đang lặn bắt cá và các loại sò ốc ở ngoài khơi đảo Mantabuan, Malaysia. Ảnh: Matthieu Paley/NatGeo.

 

Vì bơi lặn tự do từ rất sớm nên lá lách của người Bajau cũng lớn hơn người bình thường, cho phép họ có thể di chuyển và làm việc lâu hơn dưới nước. Theo Melissa Llardo, Trung tâm Geogenetics của Đại học Copenhagen, Đan Mạch, nghiên cứu và so sánh cho thấy lá lách của người Bajau lớn hơn tới 50% so với người Saluan sống trên đất liền ở Indonesia. Kết quả của nghìn năm sinh sống trên biển đã giúp người Bajau tiến hóa để thích nghi với môi trường sống. Ảnh: Matthieu Paley/NatGeo.
Tarumpit, một "người cá" Bajau đang bắt bạch tuộc ở ngoài khơi đảo Boheydulang, Malaysia. Ảnh: Matthieu Paley/NatGeo.

 

Sống phân tán nhiều nơi khác nhau, người Bajau thường ở trên những ngôi làng nổi xây giữa các vùng có san hô. Ngày nay, họ di chuyển tới các bờ biển và sống gần các đảo nhỏ, tuy nhiên lối sinh hoạt gắn liền với biển vẫn được gìn giữ. 

Trên hình là những ngôi nhà sàn dựng bằng gỗ, tre trên bờ biển xung quanh đảo Bodgaya, Malaysia. Mực nước dưới chân nhà của họ có độ cao từ vài chục cm cho tới vài mét, tùy theo thời điểm thủy triều lên xuống. Ảnh: Matthieu Paley/NatGeo.
Bajau là những con người của biển cả, có thể lặn bắt hải sản không cần dụng cụ hỗ trợ. Họ chỉ thường mang theo kính và xiên dài để bắt cá.

Trẻ em Bajau sinh ra đã được quan sát và dần tích lũy kinh nghiệm bản thân để học bơi, lặn. Đặc biệt có nơi như ở làng Sampela, thuộc Vườn quốc gia Wakatobi, Indonesia, người lớn còn chọc thủng màng nhĩ trẻ em để chúng lặn sâu sẽ bớt đau đớn. Ảnh: Cory Richards.

Theo vnexpress