Dù biết về con người và đất nước Nepal qua chuyến đi 4 năm trước, Phan Quốc (29 tuổi, Quảng Ngãi), travel blogger, có trải nghiệm khác biệt khi đến thăm lại nơi này trong dịch.

“Nepal là quốc gia du lịch, mỗi năm thu hút rất đông khách quốc tế. Lần này, tôi bất ngờ vì ra đường gặp toàn dân bản địa. Biết là ít du khách do dịch bệnh nhưng vẫn cảm thấy lạ. Mọi thứ ở đây gần như đã trở lại bình thường, chỉ khoảng 30% người đeo khẩu trang”, anh nói với Zing.

Đây là chuyến xê dịch đầu tiên của Phan Quốc sau 2 năm tạm dừng du lịch nước ngoài vì Covid-19. Trước đó, anh từng đặt chân tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi.

leftcenterrightdel
 Phan Quốc đặt chân tới Nepal sau hành trình bay kéo dài hơn một ngày.
Thủ tục phức tạp hơn

Thủ tục phức tạp hơn

 
Đầu tháng 12, khi tiêm xong mũi vaccine Covid-19 thứ 2, Phan Quốc rời Cao Bằng sau khoảng 6 tháng “mắc kẹt” ở đây. Sau khi trở về quê Quảng Ngãi và vào TP.HCM thăm người thân, anh nhanh chóng đặt vé đi Nepal.

Trước khi lên đường vào ngày 18/12, Phan Quốc tìm hiểu thông tin liên quan qua đại sứ quán.

“Trong mùa dịch, số lượng chuyến bay hạn chế, thủ tục cũng phức tạp hơn. Từ TP.HCM, tôi bay qua Singapore, Malaysia rồi mới tới Nepal, tổng hành trình khoảng 30 tiếng. Ngoài quy định của chính phủ mỗi quốc gia, tôi còn phải chú ý đến yêu cầu của từng hãng hàng không và sân bay. Tất cả giấy tờ đều được nhân viên kiểm tra rất nghiêm ngặt và tốn khá nhiều thời gian”, anh kể.

Phan Quốc cho hay anh cần test Covid-19 trước khi khởi hành và thỏa mãn điều kiện của từng sân bay, ví như ở Singapore yêu cầu kết quả trong vòng 48 giờ, trong khi Nepal là 72 giờ.

“Tôi làm IT, mỗi ngày có thể phải xem hàng trăm trang tài liệu. Bởi vậy, việc tìm hiểu chính sách, đọc nhiều văn bản để bay trong dịch không đáng ngại. Tôi đã chờ đợi gần 2 năm rồi nên tinh thần rất thoải mái”.
Điều khiến Phan Quốc có phần “sốc” là trong chuyến bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Nepal, anh gần như là khách du lịch duy nhất, còn lại là dân bản địa. Không chỉ ngồi kín ghế, nhiều người còn không đeo khẩu trang trừ khi được tiếp viên nhắc nhở. Các chuyến bay trước, anh ngồi khá thoải mái vì vắng vẻ.

Theo Phan Quốc, Nepal hiện mở cửa chào đón khách du lịch nên không có chính sách gì quá nghiêm ngặt. Với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, điều kiện nhập cảnh không khác nhiều so với trước kia.

Ở nội địa, nam travel blogger cũng không gặp khó khăn gì.

“Nhiều bạn bè quốc tế bất ngờ vì tôi có thể di chuyển lúc này. Với tôi, điều khó nhất là phải luôn cập nhật chính sách vì có thể thay đổi liên tục, nhất là khi xuất hiện biến chủng mới Omicron”, anh nói.

Đón Tết xa nhà

Chia sẻ lý do chọn Nepal là điểm dừng chân đầu tiên sau 2 năm nghỉ dịch, Phan Quốc cho hay anh từng tới đây và hiểu nhất định về người dân, đất nước này. Hơn nữa, nhờ chính sách mở cửa với khách du lịch, khả năng nhập cảnh của anh rất cao.

Từ Nepal, chàng trai cũng có thể di chuyển sang Pakistan, Ấn Độ hoặc nhiều đất nước khác.

Trong chuyến đi 4 năm trước, Phan Quốc lưu lại Nepal một tuần. Lần này, anh vừa đi, vừa làm việc online nên di chuyển chậm hơn.

“Tuần đầu tiên, tôi cần làm quen công việc với múi giờ mới và xem chính sách ra sao mới đi tiếp. Tôi vẫn làm việc theo giờ hành chính và dành thời gian còn lại trong ngày, cuối tuần hay tận dụng ngày phép để khám phá các địa danh. Nepal giờ vắng khách du lịch nên không có nhiều hoạt động. Buổi tối, thay vì đi dạo trên đường phố, tôi thường về khách sạn sớm để tranh thủ làm việc”, anh cho hay.

Do du lịch chưa phục hồi, Phan Quốc nhận thấy tình trạng chèo kéo nhắm vào số ít khách du lịch hiện tại. Điều này khiến anh đôi khi không có cảm giác thoải mái như trước.

Bên cạnh đó, quy định về khẩu trang, quét mã QR hay rửa tay sát khuẩn cũng không được thực hiện tại nhiều địa điểm công cộng.

leftcenterrightdel
 Phan Quốc dự định ở Nepal một tháng và lựa chọn điểm đến tiếp theo tùy vào tình hình dịch bệnh.

“Gần 2 năm ở Việt Nam, tôi dường như quên mất cảm giác đi du lịch nước ngoài. Khi ở sân bay, mọi thứ trở lại, giống như được về nhà. Có lẽ khoảng tháng 4-5 năm sau, tôi mới trở về Việt Nam để quay mùa lúa chín”, nam travel blogger nói.

Xác định năm nay ăn Tết xa nhà nhưng Phan Quốc chưa có kế hoạch cụ thể.

“Vào dịp Tết Dương lịch, có lẽ tôi đang ở vùng biên giới của Nepal. Còn Tết Nguyên đán, tôi có thể sang Ấn Độ hoặc đến đất nước nào đó có những người bạn để countdown cùng nhau. Hiện nay, nhiều bạn bè của tôi đã muốn đi du lịch trở lại. Tết của nước mình nhưng họ có thể cùng tham gia”, anh cho biết.

Theo Phan Quốc, trong thời gian dịch bệnh biến động, mọi người muốn xê dịch nên chọn đất nước có tình hình ổn và mở cửa chào đón khách du lịch. Kế hoạch cũng cần lên rõ ràng và chuẩn bị kỹ giấy tờ, thủ tục bay vì có thể được kiểm soát rất chặt chẽ.

Theo Zing