Anh Huỳnh Hào Huy (tên thường gọi là Huy Huynh, 27 tuổi) hiện là thực tập sinh sống và làm việc tại TP.Tamano (tỉnh Okayama, Nhật Bản). Anh là chủ nhân của những bức ảnh đang nhận được sự chú ý của cư dân mạng. Vốn là người có một tình yêu đặc biệt dành cho thiên văn, khi hay tin sao chổi xanh lá cây C/2022 E3 đi ngang qua trái đất vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 này, anh chàng đã chuẩn bị đầy đủ “đồ nghề” để... đi săn.
“Những bức ảnh tôi chụp vào ngày 29.1. Lẽ ra thời điểm chụp hoàn hảo nhất là 2.2 nhưng vì dự báo thời tiết xấu nên tôi chụp sớm hơn. Tôi chụp sao chổi này vào lúc trời vừa tối và chụp xuyên suốt trong vòng 1 tiếng. Tôi có biết sau gần 50.000 năm, nó mới đi qua trái đất và tôi chỉ có thể chứng kiến một lần trong đời mình nên bằng mọi giá phải chinh phục được nó, không thể bỏ lỡ", chàng trai Việt cho biết.
Theo anh Huy Huynh, do sao chổi rất nhỏ và khó quan sát nên phải dùng những thiết bị hỗ trợ chuyên dụng cho thiên văn gồm máy ảnh, ống kính dài quan sát tầm xa, chân máy ảnh và bộ thiết bị bám nhật động (tracker).
Chàng trai chia sẻ việc căn chỉnh tọa độ để chụp được sao chổi này là rất cần thiết. Do chụp vật thể nhỏ và cần phải dùng ống kính tầm xa nên việc bắt vật thể trong phạm vi hẹp là khá khó khăn, cần nhiều thời gian. Về môi trường chụp thì bị nhiễm sáng kha khá do vị trí chụp nằm trong khu dân cư nên việc quan sát canh tọa độ cũng khá khó khăn với anh.
“Dù gặp không ít trở ngại khi chinh phục sao chổi này, nhất là thời tiết lạnh, cũng như nhiều ngày trước đó thất bại do không bắt được vật thể nhưng cuối cùng cũng “tóm” được nó. Đây là lần đầu tiên tôi chụp lại được ảnh sao chổi nên rất vui và là một trải nghiệm thú vị", anh bày tỏ.
Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), đây là một sao chổi rất hiếm. Nó được phát hiện vào năm ngoái bởi các nhà thiên văn ở Nam California và được đặt tên là C/2022 E3. Lần cuối sao chổi này đi ngang qua trái đất là cách đây khoảng 50.000 năm.
Theo đó, sao chổi này tới gần trái đất nhất vào lúc 1 giờ 11 phút sáng 2.2 theo giờ Việt Nam, khi đó nó ở cách chúng ta khoảng 42 triệu km. Để quan sát, người yêu thiên văn cần tới ống nhòm tốt hoặc kính thiên văn nhỏ để thấy được sao chổi này hoặc cũng có thể quan sát bằng mắt thường vào thời điểm nó đến gần trái đất nhất, nhưng phụ thuộc vào tình hình thời tiết ở các khu vực.
Trước đó, NASA cũng thông tin sao chổi này có quỹ đạo quanh mặt trời và bay ở rìa ngoài của Hệ mặt trời, vì thế nó phải mất nhiều năm như vậy mới có thể bay qua trái đất một lần nữa. NASA nhận định thiên thể này bay gần trái đất nhất trong thời gian từ ngày 1 - 2.2, với khoảng cách 42 - 44 triệu km. Kể cả lúc bay gần nhất, sao chổi vẫn xa trái đất với khoảng cách gấp 100 lần so với mặt trăng.
Các nhà nghiên cứu cho biết khi sao chổi đến gần trái đất nhất, những người quan sát thiên văn nhận ra nó trong hình dạng một vệt mờ màu xanh gần ngôi sao Polaris, còn gọi là sao Bắc đẩu. Sao chổi phản chiếu nhiều màu khác nhau do vị trí trong quỹ đạo và thành phần hóa học. Bầu trời buổi sáng sớm, sau khi mặt trăng đã lặn ở Bắc bán cầu, là thời gian tối ưu để quan sát sao chổi. Trong khi đó, những người ở Nam bán cầu khó quan sát thiên thể hơn.
Theo Thanh niên