Những khu chợ nổi là nơi giao thương của nhiều quốc gia ở Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam... Hình thức này xuất phát từ việc các phương tiện giao thông trên sông nước từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống thường ngày.
Các quốc gia có chợ nổi đều nằm ở vùng đất thấp với nhiều sông nước, có biển đảo liền kề. Thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới, Đông Nam Á từng có địa hình chủ yếu là rừng rậm. Nơi con người tới sống là vùng gần kề với các dòng sông, sử dụng thuyền để di chuyển nhiều hơn là làm đường xuyên rừng. Mặc dù hiện nay hệ thống đường sá có thể kết nối tới hầu hết thành phố, thị trấn, thuyền bè vẫn được nông dân dùng để đi lại và làm nơi mua bán.
Những người nông dân mang sản vật của họ tới chợ bằng thuyền và bán cho thương lái địa phương ngay trên thuyền nên không cần phải mở cửa hàng ở các bến tàu. Họ có thể bán hàng và trở về nhà nhanh hơn. Thương lái mua hàng xong thì bán lại cho các hàng quán nhỏ lẻ trong vùng. Không chỉ là địa điểm tụ họp mua bán, chợ nổi cũng là một nơi hấp dẫn du khách.
Khu chợ nổi danh tiếng nhất Thái Lan, được ví như thiên đường cho du khách, là chợ ở Damnoen Saduak, cách Bangkok 100 km về phía tây nam. Nơi đây thu hút tới hàng trăm người mua, kẻ bán lẫn khách du lịch trên những chiếc thuyền nhỏ chở đầy nông sản, món ngon địa phương. Chợ mở từ sáng sớm và tan trước buổi trưa khoảng một giờ.
Chợ nổi Amphawa thuộc quận Amphawa, cách Bangkok 72 km, không rộng bằng chợ Damneon Saduak nhưng vẫn thu hút đông đảo du khách, chủ yếu là người Thái Lan. Đó là khu chợ mở buổi tối, tuy vậy bạn vẫn thấy nhiều hàng mở vào buổi trưa.
Quanh thủ đô Bangkok bạn còn có thể tìm thấy chợ nổi Wat Sai cách 10 km, chợ Bang Phli được thành lập từ 150 năm trước hay chợ Taling Chan…
Tại Việt Nam, một trong những chợ nổi lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long là Phụng Hiệp, với hàng trăm thuyền bè mua bán tấp nập.
Cái Bè, Cái Răng cũng là những chợ nổi danh tiếng và đông đúc ở khu vực miền Tây.
Theo Amusingplanet/ VnExpress