Chùa Vàng ở Nhật Bản

Chuyện ghi ở Nhật

Tôi đến Nhật Bản lần này không đúng dịp hoa anh đào nở hay mùa thu lá đỏ. Thiên nhiên nước Nhật mùa hè không có gì ấn tượng, nhưng con người Nhật thì càng đi, càng gặp lại càng ngưỡng mộ.

Đi nhanh, nói khẽ

Đến Nhật Bản ai cũng khen đất nước này vô cùng sạch sẽ. Tôi đã lần mò vào tận ngóc ngách đường phố và quả nhiên như vậy. Không phải họ giàu, không phải công nghệ xử lý rác của họ hiện đại mà đơn giản, mỗi con người đều tự giác về việc làm sạch cho môi trường sống bắt đầu từ hành vi ném mẩu rác vào thùng nào để thùng đựng rác giấy báo không lẫn với vỏ chuối hay lon bia.

Vừa xuống sân bay, sắp hàng để kiểm tra thủ tục nhập cảnh. Trong lúc chờ đợi, có vài người già mang băng đỏ đi dọc hàng đề nghị mọi người cho xem tờ khai nhập cảnh. Họ làm công việc là hỗ trợ khách xem trong tờ khai đã điền đầy đủ các yêu cầu chưa để đi qua hải quan được nhanh chóng. Họ làm việc tỉ mỉ, chu đáo, mẫn cán và đặc biệt niềm nở khiến khách thật cảm tình.

Hôm chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh, bạn tôi có một món đồ bị giữ lại bởi không được phép đưa vào Nhật Bản. Nhân viên hải quan giải thích cặn kẽ về điều này, bạn tôi cũng vui vẻ chấp hành, không chút phàn nàn. Đi được một đoạn, nhân viên kia chạy theo. Tưởng có chuyện gì, anh ta lại gập người một lần nữa như là xin lỗi về “sự cố” đó. Anh ta cảm thông mãi ý là rất áy náy và mong bạn tôi đừng buồn về chuyện đó. Dường như họ không muốn khách đến nhà mà khi bước vào cổng đã gặp phải chuyện không vui, dù nhỏ!

Khắp nơi ở chốn công cộng, cứ 2 người là y như rằng có 1 hàng được sắp, trật tự trước sau lập tức thiết lập. Khi đi trên thang cuốn xuống các trạm tàu điện ngầm, người ta đứng vào một bên, chừa bên kia một lối đi thông suốt để dành cho những người quá bận bịu không thể đi mà phải chạy. Điều này, có ở nhiều nơi trên thế giới nhưng có lẽ ở Nhật là “nghiêm” nhất.

Sau 2 ngày làm việc tại Tokyo, chúng tôi tự “du lịch bụi” qua Kyoto, Nagoya, Osaka... Vì thế, có nhiều trải nghiệm, nhất là vụ đi tàu điện. Suốt ngày cứ quần dưới ga tàu điện ngầm, khi đi xa như từ Tokyo đến Osaka gần 600km phải đi tàu tốc hành, khi đi về Nagoya thì đi tàu địa phương, còn trong nội ô thì đi tàu chặng ngắn. Với mạng lưới tàu như mạng nhện dưới đất, suốt ngày chúng tôi phải hỏi đường, hỏi ga, hỏi tuyến. Khổ nỗi người Nhật, nhất là những người lớn tuổi thì nhiều người không biết tiếng Anh, nhưng họ vẫn hiểu được ý của chúng tôi và sẵn lòng giúp đỡ.

Lần tại ga Kyoto, chúng tôi loay hoay đi tìm chỗ gửi va li để rảnh tay đi chơi. Hỏi một nhân viên nhà ga lớn tuổi, anh ta không biết tiếng Anh, nhưng tỏ ra hiểu nguyện vọng của chúng tôi và chạy lại nhiệt tình giúp đỡ. Sau một hồi hoa chân, múa tay chúng tôi mới biết anh ấy tưởng là chúng tôi nhờ trông đồ cho mình! Trời ạ, chúng tôi chỉ hỏi chỗ gửi đồ thôi, nhưng mà hình như anh ấy có vẻ đã sẵn sàng trông đồ giúp. Cuối cùng gặp được anh chàng trưởng tàu trẻ tuổi, anh ta dẫn thẳng chúng tôi tới dãy tủ sắt, hướng dẫn cách cho đồng xu vào mở tủ. Đẩy va li vào tủ khóa lại, đút chìa khóa vào túi quần, chúng tôi tung tẩy cả ngày ở cố đô Kyoto cổ kính.

Hành trình trên một đất nước dù xa lạ, nhưng ta có cảm giác thoải mái, không lo lắng vì xung quanh sẵn có người giúp đỡ. Cũng chuyện hỏi đường đến trạm xe buýt đi Chùa Vàng, gặp một nhóm nữ sinh đi ngược chiều vừa đi vừa chuyện trò rôm rả, khi chúng tôi hỏi, thay vì chỉ đường, họ quay lại đi cùng chúng tôi gần cả cây số đến điểm cuối và chỉ cho chúng tôi nhìn thấy trạm xe buýt rồi mới quay lại hành trình cũ. Hình như họ không yên tâm khi chỉ đường qua loa cho khách mà phải chắc chắn là khách phải đến được đích. Chữ “thân thiện” đối với họ không đơn giản chỉ là “nhe răng” ra cười với khách hay vẫy tay và nói hello!

Trong mỗi ngày, có lẽ thời gian đi bộ trong ngày của người Nhật chiếm khá nhiều khi họ phải di chuyển giữa ga tàu này đến ga tàu khác, rồi từ mặt đất xuống đến bến tàu. Không biết có phải vậy không mà nhìn trên phố, ít có người Nhật... béo mà hầu hết dáng gầy, đi nhanh, nói khẽ và... ăn ít. Tôi tò mò nhìn suất ăn của một công chức trên tàu cao tốc, hộp đồ ăn thật ít ỏi: Mấy thìa cơm, vài miếng cá, đậu và một ít rong biển. Tất cả được bày trong một chiếc hộp xinh xắn làm bằng tre, trông đẹp mắt nhưng thật khó no đối với “bụng” người Việt Nam.

Bất ngờ về… sự bất ngờ

Người Nhật vừa kỷ niệm 3 năm thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng cướp đi mạng sống của hơn 15.000 người dân vùng Đông Bắc Nhật Bản. Những tháng ngày đau thương ấy, cả thế giới xúc động trước hình ảnh cả vùng đất rộng lớn, trù phú phút chốc đổ nát, tan hoang... 3 năm sau, hàng chục ngàn gia đình không thể trở về nơi mình đã sống bởi nhiều nơi ở Fukushima bị nhiễm phóng xạ nặng.

Dù thế, những con đường ven biển đã trở nên sạch sẽ không còn bóng dáng của những đống rác khổng lồ cao như núi. Cả thế giới bất ngờ về sự đứng lên thần kỳ, ngoạn mục của người Nhật sau thảm họa. Còn người Nhật thì cũng bất ngờ vì thái độ đó, bởi đối với họ chẳng có gì phải bất ngờ cả mà đó là phẩm chất của họ - có lẽ vì thế mà họ là một dân tộc thực sự lớn?

Tokyo - Osaka, hè 2014

Theo Mai Nam/ Kiến thức