Đôi chân không đứng yên

Nguyễn Nhật Ninh Khánh là cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Học giỏi ngoại ngữ nhưng đam mê kiến trúc, cô gái trở thành sinh viên ngành Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và còn là Phó chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM trong khoảng 2 năm.

Tốt nghiệp ĐH, Khánh làm việc trong một công ty tư vấn thiết kế kiến trúc. Không chỉ hoàn thành tốt công việc, cô luôn muốn mở mang kiến thức xuyên biên giới. Khánh tận dụng lợi thế tiếng Anh của mình để tìm cơ hội giành các học bổng, chương trình trao đổi văn hóa, hợp tác với thanh niên nhiều quốc gia.

Cô gái đi Mỹ, châu Phi và khắp châu Âu… không tốn một đồng - ảnh 1

Khánh (thứ 2 từ phải qua) tại Mỹ

Mùa xuân năm 2017 Khánh đi Mỹ khi trúng tuyển học bổng chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á YSEALI của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chủ đề của học bổng về tinh thần tích cực của công dân, các vấn đề môi trường, cộng đồng doanh nhân và phát triển kinh tế.

Năm 2018, Khánh tới Ấn Độ 10 ngày trong chương trình giao lưu sinh viên ASEAN - Ấn Độ năm 2018 (AISEP 2018). Đây là chương trình do Chính phủ Ấn Độ tài trợ, được Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ phối hợp với Ban thư ký ASEAN và cơ quan phụ trách công tác thanh niên của các nước ASEAN tổ chức.

Năm 2019 cô được tới Ninh Ba, Trung Quốc tham gia hội thảo về thiết kế dự án, thiết kế đô thị Young Planning Professionals. Sau đó, Khánh giành học bổng V-Lir do chính phủ Bỉ tài trợ toàn phần để tới quốc gia này học thạc sĩ thiết kế đô thị. “Học ở Bỉ, tôi cũng tranh thủ thời gian đi khắp Đức, Hà Lan, Pháp, Hungari, Áo, Bồ Đào Nha, Ý, Czech”, Khánh kể.

Đáng chú ý, trong chương trình học thạc sĩ của Khánh có đồ án phải đi tới một quốc gia khác để thực hiện. “Năm ấy học viên có 2 sự lựa chọn, về Cần Thơ của Việt Nam hoặc Kenya (châu Phi). Tôi lựa chọn tới châu Phi để thực hiện đồ án thiết kế đô thị tại đây”, Khánh chia sẻ.

Nhiệm vụ của mỗi học viên là dựa vào đặc điểm của thành phố, địa hình, con người, văn hóa nơi này để thiết kế không gian xây dựng, đường sá, nơi trồng cây… phù hợp. Khánh quan tâm tới vấn đề bảo tồn động vật hoang dã ở Kenya, làm sao để khi thiết kế công trình xây dựng vẫn đảm bảo luồng di chuyển của động vật để bảo vệ được tự nhiên.

Cô gái đi Mỹ, châu Phi và khắp châu Âu… không tốn một đồng - ảnh 2

Ninh Khánh, nữ kiến trúc sư không muốn đôi chân đứng yên

Kinh doanh trải nghiệm trồng cây

Khánh sống ở Bỉ hơn 1 năm thì có vài tháng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Sống chậm trong nhà, ăn gì trồng nấy, cô có được trải nghiệm tuyệt vời khi trồng cà chua, chanh, dâu tây, thanh long hay cả một vườn bơ thủy canh trong nhà. Nếu như cà chua, chanh chỉ cần lấy hạt gieo vào chậu đất và chờ chúng nảy mầm thì thanh long có cách trồng thú vị hơn. Lấy ruột quả cho vào chiếc khăn rồi vắt nước, tách lấy một ít hạt gieo vào trong chậu. Mấy ngày sau những chiếc mầm xanh nhú lên trông rất thích mắt. “Trồng cây vui như vậy, tại sao không thử kinh doanh?”, nữ kiến trúc sư tự đặt câu hỏi khi vẫn đang ở Bỉ.

 Ninh Khánh cũng sáng lập dự án The Green Dots (Những chấm xanh), xuất bản cuốn sách Bắt đầu với một cái cây có nhiều tác giả, họa sĩ tham gia. Cuốn sách lan tỏa hành trình tái kết nối với thiên nhiên, thế giới và chính mình của những cư dân đô thị. Cuốn sách này nhận tài trợ từ cuộc thi Quỹ YSEALI Seeds for the future 2021 - Hạt giống cho tương lai của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Khánh đã lập dự án tham gia và thành công.
Cô và 2 người bạn cùng sở thích lập dự án. Cuối năm 2020, Khánh trở về TP.HCM, sản phẩm chính thức được ra mắt. Khánh gọi đây là bán “trải nghiệm trồng cây”. Những hạt giống từ đậu biếc, hướng dương, húng quế, hoa sao nhái… nằm trong những chiếc túi giấy được vẽ bắt mắt, một chiếc chậu đất nung, gói xơ dừa, tất cả được gói trong một chiếc hộp vuông.

Kiến trúc sư trẻ quan niệm sức hút từ thị giác có thể khiến người ta thêm tò mò và có thể thử ngay việc gieo hạt. Bên cạnh đó, vỏ hộp được thiết kế đẹp còn giúp vòng đời của chúng lâu hơn khi người trẻ có thể dễ dàng tái chế chúng thành đế lót ly, hộp đựng bút…

“Trồng cây là chuỗi ngày rất thú vị, có thất bại, có thành công, không phải gieo hạt là sẽ nảy mầm. Nhưng khi trồng cây này hỏng, ta lại trồng cây khác và không từ bỏ. Cảm giác chờ đón một chiếc mầm cây vươn lên từ đất không gì vui sướng bằng, nó có thể khiến một em bé cho tới một cụ già cảm thấy tim mình rung động”, Khánh chia sẻ.

“Ôm earth, ôm us”

Hiện tại Khánh đang ở TP.HCM, làm việc từ xa cho một doanh nghiệp của Hà Lan, công ty chuyên về tư vấn phát triển bền vững (tư vấn, cung cấp chiến lược cho các công ty để giảm phát thải carbon, phát triển bền vững…).

Bên cạnh đó cô cũng tổ chức các triển lãm, tổ chức workshop hướng dẫn nhân viên văn phòng trồng cây đơn giản tại nhà, nơi làm việc để cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

Nữ kiến trúc sư quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững còn thiết kế ra những chiếc đĩa mầm làm từ gốm thủ công, giúp cho trải nghiệm trồng cây dễ dàng hơn ở phố thị. Lấy một ly nước, đặt đĩa mầm lên, sau đó chỉ việc đặt hạt bơ, sầu riêng đã nảy mầm… lên đĩa và chờ những chiếc lá nhú lên.

Khánh gọi dự án về hạt giống, đĩa mầm và các workshop của mình là Ôm, thông điệp là một cách chơi chữ “Ôm earth, ôm us”. Từ trải nghiệm trồng một cái cây, mỗi người biết yêu thương cách sống bền vững với trái đất và yêu thương, biết cách chữa lành cho chính chúng ta.

Theo Thanh niên