Quỳnh Trang (21 tuổi) hiện là du học sinh tại Rostock, Đức. Tháng 7, cô dự định dành thời gian nghỉ hè về Việt Nam thăm gia đình, song phải hủy bỏ kế hoạch vì đợt dịch thứ 4 bùng phát và quy định cách ly dài ngày.
Thay vào đó, lúc này 27 nước thành viên EU đã thông qua "chứng chỉ Covid-19" để du khách đã tiêm vaccine có thể du lịch giữa các nước mà không cần cách ly hay xét nghiệm. Vì vậy Trang lên kế hoạch tới các nước châu Âu khám phá cảnh đẹp, văn hóa và ẩm thực sau một năm rưỡi sống tại Đức.
Trang đã có nhiều chuyến đi suốt mùa hè và mùa thu. Điểm đến đầu tiên trong hành trình của cô là Praha, thủ đô CH Czech. Từ Rostock cô đến đây bằng tàu, thời gian di chuyển khoảng 7 tiếng. Ở lại Czech 7 ngày, cô tới thăm 2 thành phố khách là Pardubice và Olomuc. Sau khi về Đức, cô tiếp tục các chuyến đi tới Paris (Pháp) rồi Venice, Milan (Italy), Budapest (Hungary) và Copenhagen (Đan Mạch).
Trang chia sẻ, những điểm du lịch ở châu Âu đã bình thường trở lại, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê đã mở cửa nhộn nhịp. Du khách có thể mang theo sổ tiêm chủng hoặc cài đặt ứng dụng CoVPass để quét mã QR khai báo y tế. Người dân các nước, đặc biệt ở Budapest và Copenhagen không còn đeo khẩu trang. Điều này khiến Trang nhiều lần quên rằng đang có dịch bệnh. Nhưng để đảm bảo an toàn, cô vẫn đeo khẩu trang khi đi tàu, xe và những nơi đông người.
Đã ở Đức hơn một năm nhưng đây là lần đầu Trang du lịch châu Âu, vì vậy ở đâu cũng rất mới mẻ và khiến cô hào hứng vì khung cảnh không giống nhau. Venice là nơi cô thích nhất vì "đẹp đến ngỡ ngàng". Cô chia sẻ từ khi bước xuống tàu đã không thể ngừng trầm trồ vì thành phố như trong tranh. Trước khi đến đây, cô từng nghe về những con kênh ô nhiễm, điểm du lịch đông nghẹt và nạn móc túi. Tuy nhiên Trang không gặp phải kẻ gian, người dân rất thân thiện, nước kênh xanh, quán xá cũng không quá đông đúc, có thể vì thành phố đang vắng khách trong dịch bệnh.
Tiếng Anh hạn chế nên Trang gặp khó khăn khi đi du lịch, hầu hết cô chỉ giao tiếp được với một số người biết tiếng Đức. Cũng vì thế nên ở nhiều nơi như Paris (Pháp), cô có cảm giác không an toàn. Người bạn đồng hành của Trang khi chuẩn bị lên tàu ở Paris thì bị kẻ gian mở khóa balo nhưng kịp phát hiện và may mắn không mất gì. Điều này cũng khiến họ cảnh giác hơn trong suốt chuyến đi.
Những ngày ở Paris thời tiết xấu, nên tới gần Eiffel, Trang sửng sốt vì ngọn tháp hơi giống "sắt vụn". Tuy nhiên đến tối, tháp được thắp sáng rực rỡ, như một ngọn đèn khổng lồ vươn thẳng lên bầu trời đen kịt. Lúc này cô không thể ngừng cảm thán vì vẻ đẹp của "thành phố của tình yêu".
Ở các điểm đến Trang đều ưu tiên lựa chọn nhà hàng Việt Nam, dù không thể ngon như món ăn gốc nhưng cũng đạt 60-70% hương vị ở quê nhà và có cảm giác ấm áp khi mọi người nói tiếng Việt. Sau đó cô cũng thường ăn các quán châu Á như đồ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc rồi mới đến đặc sản địa phương.
Trang chia sẻ, ở châu Âu thì mọi chi phí đều đắt đỏ, tuy nhiên vẫn có thể du lịch tiết kiệm. Hiện nay cô đang làm thêm ở một nhà hàng tại Đức để có thêm kinh phí cho những chuyến đi.
Mỗi chuyến đi kéo dài 5 ngày 4 đêm của cô hết khoảng 250-650 euro (7-17 triệu đồng) cả ăn uống, điểm lưu trú, vé tàu, xe. Trang cho biết cô ưu tiên di chuyển bằng tàu điện metro để tiết kiệm chi phí và tàu điện cũng rất thoải mái, hiện đại. Ở những nơi xa hơn và phải đi máy bay như Budapest, cô săn vé khuyến mãi trước đó cả tháng. Khi lưu trú nên thuê căn hộ ở cùng bạn bè sẽ có giá rẻ hơn khách sạn. Ngoài ra, cô cũng mang theo thẻ visa để chi tiêu thay vì đổi tiền mặt mất nhiều khoản chênh lệch.
Trang cho biết hiện nay ca nhiễm Covid-19 ở Đức tăng cao, tới hàng chục nghìn ca mỗi ngày nên chưa có kế hoạch cho những chuyến đi tiếp theo. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, cô hy vọng được tới thăm những ngôi làng yên ả bên dãy Alps ở Thụy Sĩ và Hà Lan, đất nước của cối xay gió.
Theo vnexpress