Hương Nguyễn (áo trắng) là cô gái Hà Nội 27 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ và hiện công tác tại trường Đại học Ajou, thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Ajou là trường đại học tổng hợp xếp thứ 11 trong 200 trường đại học ở Hàn Quốc; có 500 học sinh, sinh viên người Việt đang theo học các hệ tiếng, đại học và cao học. Hiện tại, Hương phụ trách việc nhập học của sinh viên theo hệ tiếng. Nhờ có hệ thống tàu điện, xe buýt rộng khắp và đường phố rộng rãi nên Hương di chuyển tới các điểm leo núi cũng nhanh và dễ dàng hơn.
Khi đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020, nhiều điểm du lịch đóng cửa, chính phủ Hàn Quốc hạn chế nơi đông người, Hương được bạn bè rủ đi leo núi và bắt đầu "nghiện" loại hình du lịch này.
Ở Hàn Quốc, tuy dịch bệnh giảm nhiều nhưng mới có luật phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Lên núi không khí trong lành và vắng người nên du khách leo núi thường tranh thủ bỏ khẩu trang để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên, đến khu vực đông đúc sẽ đeo lại.
Hương thường đi buýt tới chân núi rồi leo lên, còn giao thông các thành phố lân cận không thuận tiện như ở Seoul nên thường phải đi kết hợp ôtô mới tới được điểm bắt đầu leo. Nếu đi xe buýt, cô đón taxi đi tiếp vào chân núi. Các cuối tuần Hương và bạn bè thường di chuyển tới Seoul để leo các đỉnh núi ở đây vì thời gian ít, khi nào có kỳ nghỉ dài cô mới tới các tỉnh lân cận.
Ở Seoul có tổng cộng 116 đỉnh núi, trong đó núi Bukhan lớn gồm nhiều đỉnh và nhiều người leo nhất. Núi Bukhan trải dài qua 5 quận của thủ đô và 3 thành phố giáp Seoul. Đỉnh cao nhất là Baegundae (837 m). Trong hình là Hương trên đỉnh Bibong ở núi Bukhan, từ đây cô có thể nhìn thấy Seoul nằm giữa những ngọn núi xanh mướt khi mới đầu thu.
Hương chia sẻ rằng: "Lên núi không khí trong lành, mát mẻ, phong cảnh nhìn từ trên cao xuống tuyệt đẹp, đặc biệt leo núi là cơ hội để cơ thể được vận động nhiều. Từ ngày đi leo núi mình thấy người khỏe khoắn hơn nhiều". Từ lúc leo núi cô gái mới có cái nhìn khác về du lịch Hàn Quốc, và thấy ngày càng yêu đất nước và thành phố mình đang ở hơn.
Theo Hương, những ngọn núi ở Hàn Quốc có đường leo thiết kế rất tốt, chắc chắn và an toàn, có cả những ngọn núi cho du khách leo vào ban đêm để ngắm cảnh Seoul về đêm tuyệt đẹp như Ingwang. Tên đỉnh núi có nghĩa là "ngọn núi của vị vua hào phóng". Ingwang cũng được nhiều người chọn là một trong những điểm ngắm thủ đô Seoul đẹp nhất.
Mùa thu năm nay Hương và bạn bè đã leo rất nhiều núi nổi tiếng ở Hàn Quốc như Bukhan, Gyerong, Dobong, Seorak... Trong đó Hương ấn tượng nhất là núi Wolag, thuộc TP Jecheon, cũng là núi cao nhất cô từng đặt chân tới.
Núi thuộc công viên quốc gia Wolag, có đỉnh núi Yeongbong cao nhất (1097 m), dưới chân núi có hồ Chungjuho trải dài, 4 mùa mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng. Yeongbong cũng là một trong những đỉnh núi hiểm trở nhất ở Hàn Quốc.
Mùa thu năm nay Hương và bạn bè đã leo rất nhiều núi nổi tiếng ở Hàn Quốc như Bukhan, Gyerong, Dobong, Seorak... Trong đó Hương ấn tượng nhất là núi Wolag, thuộc TP Jecheon, cũng là núi cao nhất cô từng đặt chân tới.
Núi thuộc công viên quốc gia Wolag, có đỉnh núi Yeongbong cao nhất (1097 m), dưới chân núi có hồ Chungjuho trải dài, 4 mùa mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng. Yeongbong cũng là một trong những đỉnh núi hiểm trở nhất ở Hàn Quốc.
Hiện tại mùa thu rất đẹp ở Hàn Quốc. Nhắc tới thời gian này, Hương không thể không nói đến núi Seorak, ngọn núi cao thứ 3 của Hàn Quốc (1708 m, xếp sau núi Halla và núi Jiri), nổi tiếng với khung cảnh lá phong tuyệt đẹp vào mùa thu.
Núi Seorak nằm ở tỉnh Gangwon - nơi có cả núi và biển, nên là một trong những địa điểm du lịch được nhiều người tìm đến nhất. Đây là ngọn núi rộng và cao, nên có những người leo trong vài ngày liền, đêm đến mắc trại ngủ trên đỉnh núi. Sau này có cơ hội, Hương cũng sẽ lên kế hoạch đi Seorak dài ngày hơn và ngủ trại qua đêm.
Khung cảnh mùa thu lá vàng lá đỏ rực rỡ trên đường leo núi Dobong. Do không có nhiều thời gian nghỉ, Hương thường đi cuối tuần, trong ngày nhưng khu vực Seoul và quanh Seoul nhiều núi nên mỗi tuần cô đều đi ít nhất một ngọn núi. Chi phí vì thế không tốn quá nhiều, chủ yếu là tiền xe buýt và ăn uống cùng bạn bè khi xuống núi. Ngoài ra, Hương hay chuẩn bị cơm cuộn kimbab, trái cây và nước uống sẵn để ăn nhẹ khi lên đỉnh núi.
Theo Hương, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên những điểm du lịch nổi tiếng vào mùa lá vàng lá đỏ đón được ít khách hơn trước. Mọi người ý thức không đến tập trung tại những nơi đông người. Và do không có chuyến bay ra nước ngoài, người Hàn Quốc cũng du lịch nội địa nhiều hơn, nhưng họ thường chọn những điểm ít người và chưa nổi tiếng.
Theo vnexpress