Những ngày giữa tháng hai, nhiệt độ ngoài trời ở Bắc Kinh dao động từ -2 độ đến -5 độ C, tuyết rơi dày. Trên tầng 5 ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài tại một trường đại học ở thủ đô Trung Quốc, Trần Thu Trang, nghiên cứu sinh tiến sĩ, còn lại một mình. Người bạn nước ngoài cùng phòng của cô đã về nước để tránh virus corona.
Dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, từ tháng 12/2019 và nhanh chóng lan ra trên toàn Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh. Số người tử vong và ca nhiễm mới tăng lên từng ngày, trong khi các nhà khoa học chưa tìm ra được vắc xin điều trị căn bệnh. Nhằm hạn chế virus lây lan, Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa Vũ Hán, hạn chế đi lại ở nhiều nơi, hủy các sự kiện đông người, đóng cửa nhà hàng, doanh nghiệp và trường học.
Từ cuối tháng 1/2020, lãnh đạo trường nơi Trang đang theo học đã áp dụng một loạt biện pháp ngăn ngừa nCoV lây lan, gồm ngưng hoạt động của các lớp và đóng cửa thư viện. Trường không cho phép sinh viên, cán bộ từ các địa phương trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các sinh viên, cán bộ không có nhu cầu về nhà được yêu cầu không ra khỏi khuôn viên trường. Những người có nhu cầu đi ra ngoài phải báo với ban quản lý chi tiết về địa điểm và thời gian.
|
Đường phố vắng vẻ ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/2. Ảnh:AP. |
Từ giữa tháng 1, khi nghe thông báo về lệnh cách ly của trường, Trang vô cùng hoảng sợ, không biết sẽ sống sao. Trong 5 năm sống ở Trung Quốc, đây là lần đầu tiên cô đối diện với biến động lớn như vậy. Sau vài đêm liền mất ngủ, cô suy nghĩ về việc đăng ký trở về Việt Nam như những người xung quanh.
"Sau khi cân nhắc, tôi quyết định ở lại. Lỡ tôi bị nhiễm virus rồi thì sẽ gây nguy hiểm cho người thân. Việc đó quá rủi ro", Trang nói.
Khi bạn bè rục rịch chuẩn bị hành lý rời trường, trong đó có 19 người Việt, Trang bắt tay vào kế hoạch "sống sót trên ốc đảo" của mình. Cô mượn tủ lạnh của bạn cùng phòng, mua thêm đồ ăn và các đồ dùng thiết yếu. Trang nói vui rằng "nhiệm vụ chính" hiện tại là "ăn, ngủ", bên cạnh việc viết luận án tốt nghiệp.
Hàng ngày, ban quản lý ký túc xá phát cho những người ở lại ba khẩu trang và nhiệt kế để theo dõi tình hình sức khoẻ. Các nhân viên của trường phun thuốc khử trùng ba lần mỗi ngày. Mọi người được yêu cầu rửa tay thường xuyên, không tụ tập.
Một căng tin và một cửa hàng tạp hoá nhỏ trong khuôn viên trường mở hai ngày một lần để bán đồ ăn khô, nước và đồ dùng thiết yếu với giá không đổi so với ngày thường. Nhà trường cho phép sinh viên, cán bộ đặt đồ ăn trên mạng và nhận hàng ở cổng, nhưng Trang không sử dụng dịch vụ giao hàng này để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Cô tự nấu ăn, xen kẽ với mì gói, bánh ngọt "để duy trì nguồn thực phẩm".
Cùng ở lại toà nhà với Trang có 40 sinh viên các nước khác, nhưng cô không gặp ai để tránh bị lây virus. Từ ngày 26/1, cô chưa ra khỏi khu vực ký túc xá, chủ yếu ở trong phòng, thỉnh thoảng đi dạo ở sân.
Chính quyền Bắc Kinh đã ghi nhận hơn 350 ca nhiễm nCoV. Phóng viên Washington Post cho biết dịch bệnh đã khiến thủ đô Trung Quốc rơi vào cảnh "hiu quạnh bất thường", dù kỳ nghỉ Tết kéo dài đã chấm dứt và người dân bắt đầu đi làm trở lại.
Làm luận án trong thời gian cách ly, Trang có thuận lợi là không gian yên tĩnh để tập trung. Tuy nhiên cô cũng gặp khó khăn trong việc tìm tài liệu khi các thư viện đóng cửa. Trang không lo lắng về việc thiếu thực phẩm hay đồ dùng, vì cô có thể đề nghị ban quản lý ký túc xá hỗ trợ theo chính sách của trường. Cô cũng giữ liên lạc thường xuyên với nhóm sinh viên Việt tại Bắc Kinh, có khoảng 50 người, để trao đổi tình hình với đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.
Một việc quan trọng khác của Trang là hàng ngày nhắn tin cho gia đình ở Việt Nam để cập nhật thông tin về dịch, dặn dò người thân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
"Tôi ở Bắc Kinh nhưng đang 'lo ngược' cho mọi người ở nhà, vì cảm thấy một số còn chủ quan, coi virus ở xa. Hy vọng mọi người nghiêm túc trong việc phòng chống để dịch bệnh sớm qua đi", Trang nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo
vnexpress