Trong hàng chục hành trình xê dịch năm 2023, chuyến chinh phục vùng đất “Tiểu Tây Tạng” trên những chiếc chiến mã Himalayan 10 ngày 9 đêm dường như là dấu ấn đậm sâu nhất với tôi. Tất cả những gì tôi từng nghĩ, từng nghe về Ladakh (Ấn Độ) dường như đã sai lệch và không đủ đầy (vùng đất không an toàn, phụ nữ du lịch rất nguy hiểm...), cho đến khi tự tôi đặt chân đến.
Vài tháng sau khi trở về Việt Nam, chỉ cần nhắm mặt lại, tôi vẫn thấy đâu đó cảm giác được thả mình trên những cung đường giữa núi đồi Himalaya, lắng nghe tiếng thì thầm của sông suối, tiếng chuông leng keng giữa chiều hoàng hôn cưỡi lạc đà ở Hundar, những lời nguyện bình an từ các ngôi đền cổ, những lá cờ Lungta bay phấp phới trong gió trên đỉnh đèo Khardung La. Tôi nhớ những lúc trò chuyện, múa hát với người dân Ladakh mộc mạc, chân chất, cùng nhau vượt qua nắng, gió, cơn bão cát sa mạc rồi trở về xì xụp bên nồi canh nóng, sáng sớm mai thức dậy lại nghe tiếng gọi “đi thôi – đi thôi”, háo hức đón chờ một cung đường mới…
Ladakh là vùng đất nằm rìa Tây Tạng, thuộc bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ. Với khí hậu trong lành và vẻ đẹp nguyên sơ, Ladakh thu hút du khách bởi bầu trời trong xanh, núi băng trắng và những đoạn đường đèo hun hút xuyên đồi núi trập trùng.
Chắc ai từng tìm hiểu về Ladakh cũng biết đây là "vùng đất của các Lạt Ma", "vùng đất của các tu viện" hay "là nơi tận cùng của thế giới". Trong lịch sử, khu vực này là của người gốc Tây Tạng và có rất nhiều tu viện Phật giáo.
Chúng tôi bắt đầu khám phá các tu viện tại Leh. Thật khó diễn tả cảm giác tự do, vừa lạ lẫm vừa lãng mạn khi chạy xe giữa 2 hàng bạch dương ngả vàng đầy mộng mở trên đường đến các tu viện cổ… Trên đường đi, Aamir - chàng trai lái xe người bản địa nhiệt tình kể tôi nghe về lịch sử, văn hóa vùng đất.
Điểm đến đầu tiên là tu viện Thiksey ra đời vào thế kỷ 15 (khoảng năm 1433) và hiện là tu viện lớn thứ 2 trong thung lũng Indus, chỉ sau Hemis. Tu viện rất cao, nhiều tầng và phân khu, kiến trúc vô cùng ấn tượng.
Chiều cùng ngày, tôi ghé thăm Hemis Monastery. Bước vào tu viện là một khoảng sân rộng. Các nhà tu hành đứng từng tốp, nở nụ cười thân thiện. Không gian tĩnh mịch dưới ánh hoàng hôn khiến lòng tôi nhẹ nhõm.
Sau ngày đầu khám phá bằng mô tô khá suôn sẻ, tôi lên đường chinh phục cung đèo Khardung La – đèo cao nhất thế giới có thể di chuyển bằng xe cơ giới. Đỉnh Khardung La, với độ cao 5.602 m, thời tiết lạnh buốt, nắng gắt làm cho mọi người bắt đầu cảm thấy sự khắc nghiệt ở Ladakh. Cảm giác tay sẽ đóng đá nếu không đeo găng dày.
Bốn bề là mây và rặng Himalaya sừng sững, trùng điệp, bầu trời cao vút xanh thẳm. Tôi thực sự choáng ngợp với những khúc cua ngoặt liên tiếp, len lỏi giữa các vách núi dốc đứng. Có thể nhiều người sẽ thắc mắc, đến đây làm chi, toàn đá với sỏi nhưng không, cấu trúc đá ở đây vô cùng độc đáo, hoang sơ và hùng vĩ đến ngộp thở!
Chúng tôi dừng nghỉ ăn trưa tại làng Khardong rồi thẳng tiến về thung lũng Nubra. Trên đường, đoàn dừng chân ở một điểm mốc "siêu thực" để ngắm dòng sông Shyok ở cự ly cực gần. Shyok dịch ra là "Dòng sông chết" trong tiếng địa phương của Yarkandi, chảy qua phía bắc của vùng Ladakh của Ấn Độ và huyện Ghangche của Gilgit-Baltistan ở Pakistan. Tú - hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đến mỏm đá cheo leo, tầm nhìn bao trọn toàn cảnh bên dưới. May mắn hôm ấy trời xanh nắng vàng, dòng sông hiện “nguyên hình” - màu xanh lam ma mị. Lúc này tôi vừa sợ vừa lo, vừa khoái chí phóng tầm mắt ra tít tắp, theo dòng sông dẫn lối… tự hỏi vu vơ nếu đi hết đường dẫn kia đã là nơi tận cùng của thế giới chưa.
Đường vào làng Hundar đẹp như cổ tích. Nơi đây nổi tiếng với những đụn cát và lạc đà Bactrian. Nhà nào trong làng cũng trồng táo đỏ và lê, sai trĩu trên cành. Những đàn ngựa, trâu và bò dạo chơi bên bờ cỏ, thủng thẳng thư thái.
Tôi như bao du khách khác tới đây, háo hức chờ cưỡi lạc đà ngắm chiều hoàng hôn. Ngồi trên lưng lạc đà vừa êm vừa ấm, tôi được trải nghiệm một vòng quanh sa mạc. Tiếng chuông lạc đà leng keng tạc vào tâm tưởng, ráng chiều hắt xuống thung lũng Nubra, dát vàng những đỉnh núi, tạo nên 1 khung cảnh thơ mộng, yên bình lạ kì. Thời gian như ngừng trôi, chẳng khác nào bước vào một thế giới khác, hoàn toàn tách biệt cuộc sống hiện đại ở thế kỷ 21.
Chuyến đi Ladakh một hành trình khám phá bằng xe máy đầy mạo hiểm nhưng vô vàn kỷ niệm. Đây không phải loại hình du lịch nghỉ dưỡng nên du khách cần rèn luyện sức khỏe, tìm hiểu kỹ kỹ năng đi bộ, di chuyển xe máy đường dài. Suốt hành trình, tôi cũng uống thuốc chống sốc độ cao, chuẩn bị trang phục thật ấm.
Những ngày tiếp theo tôi mê mẩn "không lối thoát" với làng Turtuk, hồ Pangong, đèo Chang La, tu viện Chemdye...
10 ngày 9 đêm khám phá Ladakh trên chiếc moto, tôi không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên, làng mạc bình dị mà còn hòa mình vào một thế giới tâm linh đầy bí ẩn và tuyệt diệu. Ladakh không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ! Đến và cảm nhận mới hiểu, nơi đây là một nền văn hoá có bề dày lịch sử hàng trăm năm, con người nơi đây chất phác, bình dị và rất thân thiện như chính sự thuần khiết của thiên nhiên nơi đây vậy!
Bài viết từ Hoàng Thùy Dương (Dương Dương Blog)
Ảnh: Dương Dương Blog, Lê Tú
Theo vietnamnet