Mùa đông đã đến. Ánh tịch dương dần buông xuống chóp nhà thờ St.Lorenzkirche vào khoảng 5 giờ chiều, tạo thành vệt sáng tím đỏ trong khoảng không gian nối liền tới các con phố Karolinenstrasse và Kaiserstrasse. Những ánh đèn lung linh hắt từ các cửa hiệu trong khu phố cổ đi cùng tiếng nhạc của các nghệ sĩ đường phố đưa người lữ hành đi dần về hướng nhà thờ Đức Bà cách đó vài trăm mét. Ở đó có khu chợ Giáng Sinh lớn và nổi tiếng bậc nhất thế giới: Nuremberg Christkindlesmarkt.
Giáng Sinh ở phương Tây mà đặc biệt là châu Âu mang đậm dấu ấn truyền thống đã kéo dài suốt 4 thế kỷ thông qua chợ Giáng Sinh. Ở Đức, chợ Giáng Sinh còn trở thành đặc sản vì thành phố nào, thị trấn nào, ngôi làng nào cũng có ít nhất một chợ Giáng Sinh.
Truyền thống tổ chức phiên chợ Giáng sinh bắt đầu từ thời Trung Cổ, khởi nguồn từ thành phố Đông Đức - Dresden vào năm 1434 khi vị Quận Công ở đây lần đầu tiên cho phép họp chợ một ngày trước Giáng sinh. |
Chợ Giáng Sinh của cố đô Nuremberg nổi bật hơn cả với chiều dài lịch sử và quy mô lớn bậc nhất thế giới. Dữ kiện này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, vì Nuremberg không phải thành phố nổi tiếng ở Đức như Berlin, Munich, Frankfurt…
Từ nhiều thế kỷ qua, những phiên chợ kiểu này đều là một phần quan trọng trong văn hóa Giáng Sinh tại Đức và nhiều nước châu Âu khác. Truyền thống này bắt đầu từ thời Trung Cổ, khởi nguồn từ thành phố Đông Đức - Dresden vào năm 1434 khi vị Quận Công ở đây lần đầu tiên cho phép họp chợ một ngày trước Giáng Sinh. Nhưng dần dần, Nuremberg lại là thành phố đi đầu về việc tổ chức hội chợ trong suốt 400 năm qua với quy mô lớn, vị thế hoàn hảo khi được bao quanh bởi khu phố đi bộ lớn chất châu Âu nằm trong thành cổ vẫn giữ được vẹn nguyên chất Trung Cổ xa xưa.
Hàng năm, hội chợ được mở cửa bắt đầu từ thứ Sáu đầu tiên của Mùa Vọng và kết thúc vào ngày 24 tháng 12. Với 180 gian hàng trưng bày đủ loại, đây là chợ Giáng Sinh có truyền thống lâu đời nhất châu Âu. Hội chợ nằm ngay trước cửa nhà thờ Đức Bà trong quảng trường Marktplatz, vẫn được gọi là Hauptmarkt càng làm tôn lên vẻ cổ kính, thiêng liêng hòa hợp với ý nghĩa của lễ Giáng Sinh.
Điểm nhấn của quảng trường cũng chính là biểu tượng của thành phố: Schöner Brunnen. Mang ý nghĩa tôn giáo của đế chế La Mã xưa kia với kiến trúc Gothic tuyệt đẹp cùng những họa tiết màu sắc, Schöner Brunnen được điểm xuyết bằng hai chiếc khóa đồng nằm đối diện nhau, được cho là đem lại may mắn cho những ai chạm vào nó. Và từ đây đi theo triền dốc về phía Tòa thị chính là Hoàng Thành Trung Cổ Nuremberg (Kaiserburg) nằm trên một quả đồi nhỏ.
Khi Mùa Vọng đến, du khách khắp nơi trên thế giới sẽ dần đổ về nơi đây để đắm mình trong không khí Giáng Sinh huyền ảo. Ta dễ bắt gặp những đôi tình nhân tay trong tay tản bộ quanh phố cổ, thỉnh thoảng dừng lại lắng nghe tiếng vĩ cầm, dương cầm vang lên giai điệu của Mozart, Beethoven, Bach. Rồi họ có thể nán lại một cửa hàng Käthe Wohlfahrt nằm ngay gần hội chợ, thương hiệu sản xuất đồ chơi Giáng Sinh bằng gỗ nổi tiếng nhất châu Âu.
Hội chợ trưng bày đủ tất cả các mặt hàng Giáng Sinh từ những món đồ truyền thống như đồ chơi bằng gỗ, đồ trang trí thủ công tinh xảo, cho đến những món bánh kẹo được tạo hình đặc biệt phù hợp với không khí lễ hội. Đến đây là phải thưởng thức Glühwein - loại rượu (nóng) được uống nhiều nhất mỗi dịp Giáng Sinh về, thường được kết hợp với món xúc xích lợn rán, đều là những đặc sản của Nuremberg nói riêng và vùng Franconia nói chung.
Đặc sản nổi tiếng nhất đặc biệt vào mùa Giáng Sinh của thành phố là Bánh gừn(Lebkuchen) Nuremberg, có thể tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới nhưng khi đến đây, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn và đặc biệt hơn. Ngay từ tháng 8, một số góc của thành phố đã ngửi thấy mùi hương không thể nhầm lẫn được tạo ra khi bánh gừng được đưa vào lò.
Nuremberg Elisenlebkuchen truyền thống được nướng hoàn toàn không dùng bột mì và có hình tròn chứ không phải hình vuông. Và cả các lọa Bánh mì trái cây được làm từ trái cây khô và các loại hạt, cũng không được cắt thành miếng nhỏ như những nơi khác.
Nuremberg không thịnh vượng như Munich, không tấp nập như Berlin, không nguyên vẹn như Heidelberg, không hiện đại như Frankfurt – những thành phố du lịch nổi tiếng nhất Đức, nhưng lại giữ trong mình một thứ hoài cảm gợi về quá khứ vàng son của đất nước này |
Du khách từ mọi nơi trên thế giới đều háo hức đổ xô về Nuremberg mỗi khi Giáng Sinh về và đó cũng là dịp mà thành phố trở nên ồn ào và tấp nập nhất, làm người ta tạm quên đi hình ảnh trầm mặc, cổ kính, yên bình của nó hàng ngày. Thế nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thứ mà người ta sẽ luôn cảm nhận được khi đến Nuremberg là tình yêu và sự ấm áp.
Năm nay, hội chợ được mở từ ngày 25 tháng 11 kéo dài đến 24 tháng 12. Như thông lệ, vào lúc 5:30 chiều, phần mở đầu của hội chợ chính thức diễn ra. Trước đó, chợ đã khá đông đúc và các quầy hàng đã bày bán hết hàng hóa, đồ ăn và thức uống của họ. Nhưng khi gần đến 5:30 chiều, sự hối hả và nhộn nhịp đột ngột dừng lại và mọi người sẽ đứng trong yên lặng, chờ đợi Chúa Hài Đồng.
Đặc biệt, các em nhỏ sẽ là những nhân tố tỏ rõ sự chăm chú và hứng thú nhất. Chúa Hài Đồng sẽ xuất hiện trên trên ban công của Nhà thờ Đức Bà và nói phần mở đầu truyền thống khoảng 5 phút bắt đầu bằng câu: “Chúa Hài Đồng mời bạn đến phiên chợ Giáng Sinh và bất cứ ai cũng sẽ được chào đón.”
Nuremberg không thịnh vượng như Munich, không tấp nập như Berlin, không nguyên vẹn như Heidelberg, không hiện đại như Frankfurt – những thành phố du lịch nổi tiếng nhất Đức, nhưng lại giữ trong mình một thứ hoài cảm gợi về quá khứ vàng son của đất nước này, kéo dài suốt từ thời Trung Cổ của tộc người German cho đến tận bây giờ.
Xung qua nhà thờ St. Lorenz thực sự là một sân khấu nghệ thuật rất Đức, đậm chất châu Âu cổ điển dù nó đã từng bị tàn phá khá nặng nề. Có lẽ là bởi vì tình yêu và sự ấm áp toát ra từ con người nơi đây, từ chính tâm hồn của thành phố đã sưởi ấm và hàn gắn những vết thương mà nó phải oằn mình gánh chịu suốt hàng chục năm.
Từ thế kỷ thứ 10, Nuremberg đã là một trung tâm thương mại sầm uất. Cho đến từ giữa thế kỷ 11 đến thế kỷ 16 thì nó còn là thủ đô không chính thức của Thánh chế La Mã, một trong những đô thị đầu tiên của châu Âu trở nên thịnh vượng bởi công nghiệp, là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng bậc nhất trên tuyến đường từ Ý kéo dài tới Bắc Âu.
Nhưng cuộc chiến 30 năm diễn ra khắp châu Âu trong thế kỷ 17, từ năm 1618 đến năm 1648 đã khiến Nuremberg bị tàn phá nặng nề. Và rồi trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, với tư cách là trung tâm của đảng quốc xã Đức và chủ nghĩa phát xít, thành phố đã hứng lấy gần như mọi đau thương khi trở thành trọng điểm dội bom của quân đồng minh.
|
Chợ Giáng sinh ở Nuremberg đã có lịch sử lâu đời (Ảnh: BTC) |
Một anh chàng chơi piano ngay trước cửa nhà thờ, một ảo thuật gia đang thu hút những ánh mắt hiếu kỳ cũng chọn nhạc cổ điển làm nền cho các màn biểu diễn của mình, một ông già với chòm râu đen – có vẻ không phải người Đức gốc đang thổi sáo “Love is Blue”, “Casablanca”, “Ave Maria”, ở phía xa hơn một chút cuối đường Karolinen là Weiser Turm, một nhóm thanh niên trẻ đang đứng hát những bài Thánh Ca. Những chuyển động như thế có thể diễn ra hàng ngày ở Nuremberg, nhưng khi Mùa Vọng đến, mọi thứ sẽ trở nên sống động và phong phú hơn.
Khung cảnh trong cả khu phố cổ này luôn mang vẻ lãng mạn cổ kính đậm chất Trung Cổ. Ấy là vì ta có thể bát bộ lên dốc để tới đỉnh tháp của Hoàng Thành. Đứng từ đây, ta có thể phóng tầm mắt nhìn hết cả Nuremberg cổ kính đang nằm yên bình với những ngôi nhà mái ngói lát gạch đỏ, chóp của 3 nhà thờ tạo thành hình tam giác đặc biệt hay là những hàng cây phủ đầy tuyết vào mùa đông. Hoặc ta có thể đi dạo dọc hai nhánh sông Pegnitz chảy quanh thành phố, vắt qua một phần bang Bayern hay còn gọi là xứ Bavaria.
Nếu sắp xếp thời gian hợp lý, ta có thể tận dụng vị trí địa lý tuyệt vời của Nuremberg để ghé qua các thành phố cổ khác cũng có những chợ Giáng Sinh rất đẹp: Munich, Regensburg, Bamberg, Rothenburg ob der Tauber…đều chỉ cách Nuremberg chừng 1 đến 2 giờ tàu (xe) chạy.
Nuremberg nằm ngay sát Fuerth, thành phố “anh em” nên ta có thể kết hợp di chuyển luôn trong ngày chừng 20 phút từ nhà ga trung tâm Nuremberg đến Fuerth. Dù có nhiều đặc điểm na ná nhau song mỗi thành phố đều có cờ, bản sắc khác nhau nhưng cùng hòa vào một chất Đức đặc biệt, duy nhất của một dân tộc giàu lịch sử và văn hóa bậc nhất thế giới.
Như Chúa Hài Đồng đã nói, Giáng Sinh và lễ hội dành cho tất cả chúng ta. Lại một mùa lễ hội lại về và năm mới sẽ đến, hãy gửi lời nguyện cầu cho mọi sự mọi nhà bình an, để những vết thương cũ được chữa lành và ta hướng tới tương lai với trái tim cởi mở và ấm áp.
Theo mega.vietnamplus