|
|
Người dân Trung Quốc sợ hãi không dám đi du lịch vì phải đối mặt với nhiều tình huống không thể kiểm soát. Ảnh:The New York Times. |
Nicole Chan, một nhà quay phim tự do, vừa có chuyến du lịch kéo dài 2 tuần tại đảo Hải Nam - nơi được mệnh danh là Hawaii của Trung Quốc. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, cô được yêu cầu cách ly ngay lập tức và trải qua 2 cuộc xét nghiệm vì ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Sau khi hết thời hạn cách ly với kết quả PCR âm tính, Chan nhận thông báo rằng cô không được phép đến sân bay. Phải mất 10 ngày, 10 chuyến bay bị hủy và hơn chục kết quả xét nghiệm âm tính cô mới được phép rời hòn đảo, quay về Thượng Hải.
Ám ảnh đi du lịch Trung Quốc
Từ khi biên giới Trung Quốc đóng cửa, một số người đã chuyển sang du lịch trong nước để tìm sự giải tỏa. Nhưng chính phủ Trung Quốc không thể đảm bảo hoàn toàn việc không có ca Covid-19 nào trong 1,4 tỷ dân của họ.
Điều này có nghĩa ngay cả khách du lịch trong nước cũng có nguy cơ đến nhầm địa điểm, sai thời điểm và bị mắc kẹt ở đó. Điều này làm tình hình du lịch ở Trung Quốc trở nên hỗn loạn.
“Nó giống như chơi trò cò quay”, cô Chan nói với The New York Times. "Rất nhiều tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn”.
Tháng trước, vào cao điểm du lịch hè, Trung Quốc đã đóng cửa các điểm du lịch nổi tiếng ở Hải Nam, Tây Tạng và Tân Cương sau khi dịch bệnh bùng phát. Điều này đã khiến hàng chục nghìn khách du lịch bị giữ lại tại đây.
Một số trường hợp, khách du lịch phải trả tiền cho việc kiểm dịch của khách sạn. Tại Tam Á, chính phủ buộc phải yêu cầu các khách sạn giảm giá 50% cho những khách hàng bất đắc dĩ ở lại.
Cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc trong chính sách Zero Covid đã gây thiệt hại cho nền kinh tế và đè nặng lên tâm lý của người dân nước này.
Michelle Chen, một kỹ sư 30 tuổi, đã đến Tam Á để nghỉ dưỡng cùng chồng. Đây là chuyến đi đầu tiên của cô ấy sau hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Thế nhưng, Chen và chồng bị mắc kẹt ở Tam Á thêm một tuần, không thể rời khỏi phòng khách sạn. Họ chỉ được phép đi khi nhận được thông báo có chỗ ngồi trên chuyến bay do chính phủ cung cấp.
Chia sẻ với tờ The New York Times, Chen không chắc mình có còn muốn đi du lịch lại để thư giãn nữa hay không.
“Tôi có thể không đi du lịch nữa trong một năm, trừ khi về quê hoặc đi công tác,” cô nói. "Tôi thực sự sẽ không dám đi du lịch trong tương lai mà không có lý do chính đáng nữa. Quá khiếp sợ".
|
|
Chính sách Zero Covid đã gây thiệt hại cho nền kinh tế và đè nặng lên tâm lý của người dân nước này. Ảnh:The New York Times. |
Cô Chan, người bị mắc kẹt ở Hải Nam, đã đến hòn đảo này để làm việc và kẹt lại ở đây. 3 đồng nghiệp đi cùng cô từ Bắc Kinh vẫn phải ở lại vì chính quyền thủ đô vẫn chưa cho họ trở về.
Chan miêu tả chuyến bay trở về của cô rất mệt mỏi. “Máy bay nằm trên đường băng suốt 2 giờ để chờ đợi các chuyên gia y tế. Tôi mất thêm 3 tiếng để đến một khách sạn cách ly và tiếp tục đợi để làm các xét nghiệm PCR".
“Kể từ khi Covid bắt đầu vào năm 2020, tôi đã rất hạn chế việc đi lại trong Trung Quốc,” cô nói thêm. “Nhưng trải nghiệm lần này khiến giúp tôi tin rằng mình sẽ chẳng còn dám đi đâu nữa. Có quá nhiều rủi ro".
Không dám đi đâu kể cả kỳ nghỉ
8/9 vừa qua, Uỷ ban Y tế Quốc Gia tại Trung Quốc kêu gọi người dân nên ở lại nơi cư trú trong những ngày nghỉ lễ. Điều này sẽ giúp giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Kỳ nghỉ này sẽ kéo dài 3 ngày, trong khi đó, sắp tới Trung Quốc sẽ được nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài đến 7 ngày.
Trước tình hình đó, Trung Quốc sẽ thắt chặt các hạn chế đi lại để đối phó với Covid-19. Tất cả các hành khách đi máy bay, tàu hỏa, xe buýt liên tỉnh, phà… đều phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48h trước khi khởi hành.
Uỷ ban Y tế Quốc Gia cũng kêu gọi những người đi du lịch giữa các tỉnh và khu vực đều nên tự nguyện làm xét nghiệm PCR khi đến nơi.
Xu Zhuoyou, 36 tuổi, một cư dân ở thành phố Tây Nam, Thành Đô, từng cùng bạn bè vượt quãng đường dài đến những vùng xa xôi để đón Trung thu. Năm nay, những chuyến đi như vậy đều không thể thực hiện.
Cô nói: “Tôi đã không có một Trung thu truyền thống trong nhiều năm như ở nhà, ăn bánh Trung thu sau buổi tối và thưởng thức một ngày trăng tròn. Lần này, tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc làm điều đó với gia đình”.
|
|
Nhiều thành phố tại Trung Quốc thực hiện những hạn chế nghiêm ngặt, trong khi đó Thành Đô phong tỏa tương tự như Thượng Hải đầu năm 2022. Ảnh:Pexel |
Trong đợt bùng phát Covid-19 gần nhất, Thành Đô ghi nhận hơn 1.600 ca mắc Covid-19 kể từ 13/8. Trong đó, 1/3 trường hợp không có triệu chứng. Thành phố cũng đã bị phong tỏa từ 1/9. Đây là đô thị lớn thứ 2 của Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa từ sau khi Thượng Hải bị đóng cửa trong nhiều tháng đầu năm 2022.
“Người dân có thể ra ngoài mua nhu yếu phẩm 2 ngày/lần. Cũng có các dịch vụ giao hàng nhanh từ danh sách các nhà hàng được chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, số lượng và sự đa dạng của thực phẩm có sẵn trên các nền tảng thương mại điện tử đã giảm trong vài ngày qua”, Xu Zhuoyou nói.
Cô đã cố mua một ít thịt vào tối qua. Nhưng không còn bất kỳ loại rau nào. Tất cả đều đã bán sạch trong vài phút.
“Tôi mệt mỏi, kiệt sức vì không biết sẽ bị đóng cửa thành phố đến bao giờ. Tôi sẽ cầu nguyện vào Trung thu năm nay. Ngay khi được trả tự do, tôi sẽ đi du lịch và hòa mình vào thiên nhiên”.
Zheng Xiwen, 45 tuổi, một kỹ sư ở Bắc Kinh, cho biết anh muốn về thăm cha mẹ ở Vô Tích, phía đông tỉnh Giang Tô. Nhưng dự định này đã phải gạt bỏ vì các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt và phức tạp của Covid-19.
“Tôi muốn đến thăm họ cùng với con gái 9 tuổi của mình. Cha mẹ tôi đã ngoài 80 tuổi, bị mất thị lực và đi lại khó khăn. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho họ", Zheng nói.
Tình hình dịch Covid-19 gia tăng vào đầu năm nay ở Vô Tích và Bắc Kinh đã buộc Zheng phải hủy các chuyến đi.
Ngay cả khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, khách du lịch thường vẫn bị từ chối khi đến đó. Lý do vì các hệ thống mã sức khỏe khác nhau do chính quyền địa phương thực thi không công nhận kết quả từ các khu vực khác.
|
|
Nhiều người dân Trung Quốc không dám đi du lịch vì sợ không thể quay trở lại Bắc Kinh. Ảnh:Pexels. |
Ở Bắc Kinh, các hạn chế đi lại thậm chí còn nghiêm trọng hơn, mục đích để giữ cho thủ đô “Zero Covid" trước thềm đại hội Đảng.
Một thông báo sẽ được gửi đến ứng dụng mã sức khỏe, nó ngăn cản bất cứ ai đến Bắc Kinh bằng bất kỳ hình thức nào cho đến khi địa điểm họ xuất phát không có ca bệnh mới trong vòng 7 ngày trở lại.
“Vô Tích là một thành phố ít rủi ro, nhưng tôi không đủ can đảm để thực hiện chuyến đi. Một số đồng nghiệp của tôi đã không thể quay về Bắc Kinh sau khi đi công tác đến các thành phố có nguy cơ thấp khác", Zheng nói.
Các đồng nghiệp của Zheng đã phải ở lại Thiên Tân 7 ngày liên tục. Lý do vì Thiên Tân cũng nằm trong 29/31 tỉnh của Trung Quốc vừa công bố có ca nhiễm bệnh.
“Đi du lịch ngày nay giống như mở một chiếc hộp bí ẩn. Bạn không bao giờ biết mình sẽ nhận được gì đâu”, Zheng nói.
Theo zingnews