Cảnh chen chúc thường thấy trên tàu điện ngầm ở Tokyo - Ảnh: Alamy
Mỗi ngày ga Shinjuku ở Tokyo đón hơn 3 triệu lượt khách. Phần lớn mọi người phải đứng chen chúc với nhau trên các toa tàu vì không có chỗ ngồi nên sẽ rất mệt mỏi nếu phải đi đoạn đường dài.
Do đó, một tiểu thuyết gia người Nhật, người được dành cho chỗ ngồi vì chặng đường của ông dài từ ngoại ô Chiba tới trung tâm Tokyo, đã tranh thủ bán đấu giá chỗ ngồi của mình để kiếm thêm với giá 2.000 yen (hơn 400.000 VNĐ).
Tuy nhiên, việc đấu giá không kéo dài lâu. Ở Nhật, đấu giá chỗ ngồi trên tàu để kiếm tiền có thể bị phạt tới 500.000 yen (hơn 100 triệu VNĐ), theo báo Guardian.
Đây không phải lần đầu tiên người Nhật muốn kiếm chác từ chỗ ngồi trên những chuyến tàu điện đông đúc.
Nhân viên đường sắt cố hết sức nhét hành khách vào bên trong toa tàu đông đúc không phải là chuyện lạ ở Nhật - Ảnh: Alamy
Vào năm 2005, sách cung cấp những "kỹ năng chọn chỗ ngồi" được xuất bản tại Nhật. Trong đó có nhiều "chiêu" như chọn ra chỗ ngồi có khả năng trống cao nhất tại trạm kế tiếp.
Sách này bán được hàng ngàn bản, thậm chí được dựng thành phim một năm sau đó.
Nhật cũng nổi tiếng với hình ảnh những người làm nhiệm vụ "đẩy" chuyên nghiệp. Họ đứng ở các cửa toa tàu, cố gắng đẩy kiểu nhồi nhét người vào bên trong để cửa tàu đóng lại được.
Trên tàu, những người may mắn có được chỗ ngồi thì dành hầu hết thời gian cho việc ngủ gật bởi xứ sở Mặt trời mọc là một trong những quốc gia thiếu ngủ nhất thế giới.
Ngủ là việc được ưu tiên khi kiếm được chỗ ngồi trên tàu điện ngầm - Ảnh: Getty Images
Cũng có người cho rằng đó là cách để không phải nhường chỗ cho các trường hợp được ưu tiên. Những người khác thì thường cắm cúi đọc sách, và giờ là điện thoại.
Trong khi đó vào buổi tối, không hiếm cảnh các nhóm nữ hành khách tổ chức bữa tiệc nhỏ trên tàu, với bia, rượu Chuhai và bánh snack Kakipi.
Họ thường trò chuyện với những gương mặt đỏ au trên chuyến tàu về nhà sau một ngày dài làm việc.
Theo
Tuổi Trẻ