Đoan Trường bắt đầu đi du lịch từ năm 20 tuổi, khi còn là du học sinh ở Nga vào thập niên 1980. Nam ca sĩ đã đặt chân tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu, có dịp tìm hiểu, trải nghiệm phong tục tập quán đặc trưng từng nơi và không ít lần nếm trải những "sự cố" trên hành trình tham quan, khám phá.

"Văn hóa châu Âu khác biệt nhiều so với các châu lục khác trên thế giới. Người châu Âu văn minh, thân thiện với khách du lịch nhưng đôi khi những sự việc, suy nghĩ hay hành động bạn thấy hết sức bình thường và vô hại ở quê hương mình thì tại châu Âu, đó có thể là nguồn cơn đưa đến những rắc rối lớn. Bản thân tôi trước khi đến bất cứ nơi nào đều tham khảo, để ý cẩn thận luật lệ của từng quốc gia, từng thành phố hay danh thắng mình ghé qua, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, bất cẩn có thể gây mất thời gian, công sức, tiền bạc hay nặng hơn là đi tù, bị trục xuất, cấm nhập cảnh vĩnh viễn", Đoan Trường nói.

Đoan Trường chụp ảnh ở CH Czech.
Đoan Trường chụp ảnh ở CH Czech.

Từ trải nghiệm cá nhân, nam ca sĩ đúc kết 10 điều nên tránh khi du lịch đến các quốc gia châu Âu:

1. Không cho chim bồ câu ăn tại thành phố Venice, Italy

Từ năm 2008, việc cho chim bồ câu ăn tại Venice, Italy được quy định là bất hợp pháp. Bởi khi ăn quá nhiều, chim bồ câu sẽ tiêu hóa nhanh hơn. Phân của loài chim này có tính axit, sẽ phá hủy các tác phẩm nghệ thuật trên những tòa nhà có giá trị lịch sử và kiến trúc lâu đời. Kể cả người dân nơi đây hay du khách nếu bị bắt gặp đang cho chim bồ câu ăn sẽ bị phạt thấp nhất là 50 euro (khoảng 1,2 triệu đồng).

Đoan Trường cho biết anh từng bị cảnh sát Italy nhắc nhở khi xé vụn bánh mỳ trên lòng bàn tay, chuẩn bị cho chim bồ câu ăn trong lần đến thăm đất nước này.

2. Không mặc đồ bơi ra phố ở Tây Ban Nha

Tây Ban Nha là quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải với những bãi biển đẹp tuyệt vời, luôn thu hút khách du lịch. Bạn sẽ bị bắt và phạt nặng nếu vẫn mặc bikini hay quần tắm đi trên đường, kể cả ở các thành phố biển. Nếu còn lấn cấn về chuyện phải thay quần thì có thể mặc quần short (quần đùi thể thao) tắm biển và có thể tự do ra đường, chỉ cần không phải là quần bơi.

"Tôi từng bị nhân viên lễ tân nhắc nhở vì mặc quần tắm đi từ bãi biển về khách sạn tại Tây Ban Nha, dù chỉ một đoạn đường rất ngắn", Đoan Trường nói.

3. Không mua hàng "nhái" các thương hiệu nổi tiếng

Hãy mua hàng hiệu tại các cửa hàng chính hãng hay trung tâm mua sắm lớn vì có hóa đơn, xuất xứ, mã số. Tuyệt đối không mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng xách tay, hàng second-hand hay hàng bán ở chợ trời. Nếu hải quan phát hiện bạn quay về nước có mang theo hàng nhái thì sẽ bị tịch thu và phạt tiền rất nặng vì tội "tiêu thụ hàng giả".

Đoan Trường cho biết anh hạn chế mua hàng hiệu vì vừa phải cẩn thận giữ gìn, tránh bị mất mát vừa cần ra sân bay sớm để kịp làm thủ tục hoàn thuế. "Tôi thích sưu tầm nên hay mua các đồ lưu niệm về trưng bày hoặc làm quà cho người thân, bạn bè chứ không săn lùng hàng hiệu", Đoan Trường nói.

Đoan Trường chỉ mua đồ lưu niệm trong các chuyến đi châu Âu.

Đoan Trường chỉ mua đồ lưu niệm trong các chuyến đi châu Âu.

4. Không tiếp xúc gần với trẻ em tại Đức

Tại nhiều quốc gia, trong đó có Đức, có luật "bất thành văn" là không được sự cho phép của bố mẹ thì bạn không nên ôm hôn, xoa đầu, vuốt ve, cho bánh kẹo hay chụp ảnh những đứa trẻ đáng yêu tình cờ gặp trên đường phố. "Nếu bạn đi mua sắm trong siêu thị rồi vô tư nhìn chằm chằm vào một đứa trẻ đang ngồi trong xe nôi vì thấy bé dễ thương quá thì khả năng bố mẹ của em sẽ gọi cảnh sát đến", Đoan Trường cảnh báo.

5. Không tự động chụp ảnh trong các bảo tàng, cửa hàng tại Pháp

Pháp là quốc gia sở hữu khá nhiều viện bảo tàng với các vật phẩm ấn tượng, những cửa hàng thời trang bài trí sang trọng, bắt mắt và những nhà hàng, quán ăn hè phố có khung cảnh thơ mộng. Điều này khiến nhiều du khách muốn chụp ảnh làm kỷ niệm hoặc chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi muốn chụp ảnh ở các cửa hàng thời trang hay nhà hàng, quán ăn, bạn cần xin phép người quản lý và cả người có thể lọt vào khung hình của bạn. Còn tại các bảo tàng cổ vật, bạn có thể bị phạt tiền, bị yêu cầu xóa các file ảnh hay nghiêm trọng hơn là tịch thu máy ảnh nếu chụp ảnh mà chưa tìm hiểu rõ các quy định. Vì thế, hãy đọc kỹ nội quy ở các nơi mình đến xem ở đó cho chụp ảnh miễn phí, có thu phí hay cần chụp ảnh không bật đèn flash để tránh các rắc rối không ngờ tới.

"Đi châu Âu tôi luôn xin phép, hỏi trước hoặc để cho chắc thì chỉ chụp ảnh không gian bên ngoài và các danh lam thắng cảnh, không chụp trong bảo tàng hay cửa hàng, cửa hiệu để tránh rủi ro, phiền phức", Đoan Trường nói.

Đoan Trường chụp ảnh ở một cửa hàng bán xúc xích, thịt nguội tại Nga.

Đoan Trường chụp ảnh ở một cửa hàng bán xúc xích, thịt nguội tại Nga.

6. Đừng nhìn chằm chằm vào người khác trên tàu điện ngầm tại Anh

Trên những chuyến tàu điện ngầm chen chúc chật cứng người thường xảy ra những cử chỉ, hành động vô tình đụng chạm nhau dễ dẫn đến sự hiểu lầm. Đặc biệt, người Anh không có thói quen bị nhìn kiểu trực diện hay soi mói vì người ta coi đó là hành động làm phiền, thậm chí là hành vi quấy rối. Vậy nên, bạn hãy cố gắng "lạnh lùng ngớ lơ" khi thấy các cô gái tóc vàng mắt xanh quyến rũ. Pháp luật bảo vệ phụ nữ tại Anh rất nghiêm ngặt, bạn có thể bị phạt tiền, bồi thường những tổn thất về tinh thần nếu chẳng may bị cáo buộc "quấy rối tình dục".

Theo kinh nghiệm của Đoan Trường, khi muốn trải nghiệm phương tiện tàu điện ngầm tại Anh, anh hay rủ cả nhóm bạn đi chung để lỡ xảy ra những tình huống không mong muốn sẽ có nhiều người làm chứng cho mình. Nam ca sĩ ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khi đi du lịch châu Âu thay vì taxi vì nhiều bác tài có chiêu chở khách đi lòng vòng khắp phố phường rồi tính cước phí cao.

7. Tránh tranh luận với phụ nữ lớn tuổi ở Nga

Đây không phải là đối tượng mà bạn có thể lớn tiếng trò chuyện hay tranh luận khi tới Nga. Bởi vì người cao tuổi tại Nga được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên họ rất được kính trọng và được luật pháp ưu tiên bảo vệ. Hãy luôn chào hỏi, mỉm cười và gật đầu với những "bà mẹ Nga" dù chưa quen biết để thể hiện sự quý mến và thân thiện. Nếu nhìn thấy những người phụ nữ cao tuổi này trên các phương tiện giao thông công cộng, trên ghế đá công viên, trước quầy thu ngân hay tại quầy hàng, hầu như không ai bảo ai, tất cả mọi người đều cùng nhau nhường chỗ.

"Trong vài trường hợp, nếu bạn sơ ý không nhường ghế, nhường chỗ xếp hàng khi gặp phụ nữ Nga lớn tuổi thì những người Nga bên cạnh sẽ nói thẳng với bạn. Thậm chí một số người bán hàng còn từ chối phục vụ bạn", Đoan Trường nói.

8. Không dùng gậy chụp ảnh selfie tại một số điểm du lịch ở châu Âu

Gậy chụp ảnh selfie bị cho là có thể gây nguy hiểm nên bị cấm sử dụng ở toàn bộ hệ thống công viên Disney ở châu Âu. Dụng cụ này cũng bị cho là che khuất tầm nhìn, có thể làm đổ vỡ các mẫu vật trưng bày quý hiếm tại các bảo tàng ở Anh, Áo và Pháp. Nghiêm trọng hơn nó có thể trở thành vật sát thương khi xảy ra ẩu đả tại các sân khấu lễ hội, sân vận động tại Đức, Hà Lan, Anh, Pháp. Đấu trường La Mã cổ đại ở Italy và cung điện Versailles ở Pháp cũng cấm du khách sử dụng gậy selfie tại các điểm tham quan này. Đặc biệt, Tây Ban Nha sẽ phạt rất nặng với những ai cố tình dùng gậy chụp ảnh trong lễ hội chạy đua với bò tót hàng năm. Đoan Trường cho biết trong các quốc gia châu Âu thì Nga là nước không cấm dùng gậy selfie nên anh có thể mang dụng cụ này khi tới Nga du lịch một mình.

Đoan Trường chỉ dùng gậy selife khi du lịch ở Nga.

Đoan Trường chỉ dùng gậy selife khi du lịch ở Nga.

9. Tránh xa những trò chơi đường phố, nơi tụ tập đông người

Hãy luôn tránh xa các trò chơi đường phố, không đứng xem, không tham gia vì các trò này thường là cờ bạc "bịp". Thông thường người ta sẽ để bạn thắng vài ván đầu nhưng sau đó, bạn sẽ thua sạch số tiền mình có lúc nào không biết. Và nếu bỏ đi ngay sau khi thắng, bạn sẽ bị đám cò mồi "quây" lại, gây khó dễ. Cần hạn chế đi một mình đến các đám đông xem biểu diễn đường phố, ra khu chợ trời, phố đi bộ, công viên.

Theo Đoan Trường, ở những nơi đông người, du khách dễ bị móc túi. Nam ca sĩ từng bị kẻ gian rạch balô lấy mất điện thoại khi đến Rome, Italy.

10. Không tiếp xúc với người lạ

Và cuối cùng là tránh tiếp xúc cho dù chủ động hay bị động với người lạ khi hỏi đường, nhờ đổi tiền lẻ, xin kết bạn, mời uống nước ngoài phố, ở quán bar... Không cầm, giữ bất kỳ vật gì của người lạ và cũng không cho tiền trẻ em lang thang, người vô gia cư. Theo Đoan Trường, tại châu Âu hiện có nhiều người giả mạo cảnh sát đòi kiểm tra hộ chiếu, khám xét túi xách, ví tiền để lấy tiền bạc, giấy tờ của du khách rồi bắt chuộc lại với giá cao.

"Dù cẩn thận tìm hiểu mọi thứ trước khi đi châu Âu, một lần tôi cũng gặp sự cố bị người bán hàng rong bỏ món đồ lưu niệm vào balô của mình rồi đòi trả tiền với cái giá 'cắt cổ' tại Anh", Đoan Trường nói.

Theo ngoisao.vnexpress.net